Ba đời Tổng thống Pháp bị Mỹ theo dõi?

Thế giới - Ngày đăng : 13:34, 24/06/2015

WikiLeaks hôm qua (23/6) đã tung ra một loạt tài liệu cho thấy, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã ngầm theo dõi hoạt động của các Tổng thống Pháp như Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande.

Theo BBC, những tài liệu từ WikiLeaks mới công bố cho thấy, NSA đã theo dõi rất sát các thảo luận của những người đứng đầu nước Pháp trong ba nhiệm kỳ gần đây nhất (cả Tổng thống đương nhiệm François Hollande). Bên cạnh đó, NSA đã theo dõi việc Pháp giải quyết các vấn đề về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp và các vấn đề của lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), các mối quan hệ với Đức và cả về chính chương trình do thám của nước Mỹ.

Ba đời Tổng thống Pháp bị Mỹ theo dõi?

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA)

Trong bộ hồ sơ mang tên “Tình báo Elysee” của WikiLeaks tiết lộ, các báo cáo tình báo mật của NSA. Trong đó có các cuộc nói chuyện giữa các quan chức cấp cao của Pháp trong 10 năm qua.

Những thông tin trên được Liberation (Pháp) và trang mạng Mediapart  đăng tải đầu tiên. Theo Liberation, NSA đã bắt đầu do thám các tổng thống Pháp ít nhất là từ năm 2006 đến tháng 5/2012, thời điểm ông Hollande lên thay Tổng thống Sarkozy.

Theo Reuters, những tài liệu này tiết lộ việc NSA do thám Tổng thống Hollande và 2 cựu Tổng thống Chirac (nhiệm kỳ 1995-2007) và Sarkozy (2007-2012). Văn phòng các bộ trưởng và đại sứ Pháp tại Mỹ cũng bị nghe lén.

Trước đó vào năm 2013, NSA đã bị buộc tội ghi âm các cuộc điện thoại cá nhân của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Vụ việc đã gây ầm ĩ tại Đức và mở ra một cuộc điều tra chính thức về phạm vi hợp tác giữa cơ quan tình báo Đức với Mỹ.

Những thông tin mới đây của WikiLeaks mặc dù không có gì quá bất ngờ hay bí mật, nhưng nó cũng khiến giới chính trị Pháp phản ứng gay gắt. Nhất là trong bối cảnh nước này cũng đang chuẩn bị thông qua chương trình do thám quy mô lớn. Tổng thống Hollande đang chuẩn bị cuộc họp với Ủy ban quốc phòng để bàn về vấn đề này vào sáng 24/6, theo WikiLeaks.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp từ chối bình luận về công bố này.

Hiện, chưa thể khẳng định ngay tính chính xác của những tài liệu do WikiLeaks tung ra. Nhưng phát ngôn viên của WikiLeaks, Kristinn Hrafnsson khẳng định, những tài liệu đã công bố hoàn toàn xác thực. Người này cũng lưu ý hàng loạt tài liệu mật liên quan tới Ả Rập Saudi gần đây cũng đã được chứng minh là chính xác.

Về phía Mỹ, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh quốc gia, Ned Price cho biết, Chính phủ Mỹ không bình luận về những tình tiết trong vụ việc. “Theo nguyên tắc chung, chúng tôi sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động do thám tình báo nước ngoài nào trừ khi có những mục đích bảo vệ an ninh quốc gia cụ thể và cần thiết. Nguyên tắc này áp dụng với cả những người dân thường lẫn các nhà lãnh đạo thế giới”, ông này nói.

WikiLeaks là một trang web có uy tín trong việc công bố những tài liệu mật.

Hoàng Hà