Những nhà báo lừng danh thế giới – Kỳ 4: Walter Cronkite - Người đàn ông trung thực nhất nước Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 10:11, 19/06/2015
Ngay từ khi còn là một cậu bé Cronkite đã rất thích đọc sách, tạp chí và báo. Năm 1927, ông cùng gia đình chuyển ông đến Houston, nơi ông làm việc trên báo chí trong cả hai trường trung học cơ sở và trung học.
Sau khi tốt nghiệp, ông nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Texas tại Austin (1933-1935), và để giúp trả học phí của mình, ông làm phóng viên cho một tờ báo ở Houston. Năm 1935, ông rời trường đại học để có toàn thời gian dành cho báo chí.
Năm 1939, Cronkite đã trở thành biên tập viên tin tức cho United Press và là một trong số những nhà báo đầu tiên được các lực lượng vũ trang Mỹ công nhận sau khi nước này tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới thứ hai năm 1941.
Năm 1950, Cronkite chuyển qua làm việc ở CBS và chính những năm này là những năm tháng huy hoàng nhất trong sự nghiệp của ông.
Walter Cronkite - người đàn ông đáng tin cậy nhất ở Mỹ
Đứng trên cương vị một anchorman - BTV, người dẫn cho chương trình thời sự buổi tối CBS Evening News của đài CBS. Walter Cronkite luôn gây ấn tượng và thu hút được cảm tình đặc biệt của khán giả màn ảnh nhỏ nước Mỹ bằng giọng nói ấm áp và vô cùng truyền cảm, ẩn sau vẻ lạnh lùng, điềm tĩnh vốn có là sự chân thành và phong cách làm việc chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, điều khiến Walter Cronkite trở thành một điểm nhấn khác biệt trong lịch sử truyền hình Mỹ, hơn thế đưa ông đến danh vị “huyền thoại màn ảnh nhỏ”, "người đàn ông trung thực nhất nước Mỹ", chính là việc hầu hết mọi tin tức, mọi bình luận trong hàng trăm chương trình CBS Evening News suốt gần 2 thập kỷ đều được coi là "đáng tin cậy nhất tại Mỹ".
Vào những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, nếu CBS được liệt vào hàng thông tấn xã thu thập được tin tức nổi tiếng nhất thời đó, thì Walter Cronkite và bản tin của ông đóng vai trò then chốt, với không dưới hai mươi triệu công chúng đón đợi nghe, xem mỗi đêm.
Dường như sự kiện nào ông đề cập, ý tưởng nào ông bình luận, từ Chiến tranh Thế giới thứ II, các phiên tòa ở Nuremberg, cuộc chiến tranh Việt Nam, cái chết của Tổng thống John F. Kennedy đến vụ Watergate, tàu Apollo… đều được lắng nghe và tin tưởng. Đã có tờ báo cho rằng, Walter Cronkite còn được quần chúng tin tưởng hơn cả Tổng thống.
Ông đã trở thành "huyền thoại màn ảnh nhỏ của nước Mỹ"
Có thể nói, một trong những sự kiện làm nên tên tuổi của Walter Cronkite là, ông đã mang đến cho khán giả màn ảnh nhỏ nước Mỹ những thông tin chân thực, chứ không phải là những thông tin "ảo” mà Chính phủ cầm quyền từng cung cấp, về cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam.
Hơn thế, qua những chương trình đặc biệt và hiếm có về chiến tranh Việt Nam, với lương tâm của “một người làm báo trung thực nhất nước Mỹ”, Walter Cronkite đã không ngần ngại hay sợ hãi khi đưa ra trong những chương trình của mình những quan điểm được xem là động trời thời bấy giờ về cuộc chiến.
Chính Walter Cronkite đã tới Sài Gòn, tới Huế… để được tận mắt thị sát và cảm nhận không khí của cuộc chiến, đặc biệt là dư âm của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (ngày 31/1/1968) làm chấn động cả chính quyền Sài Gòn và chính quyền Mỹ.
Khi trở lại Mỹ, ông bắt tay ngay vào dựng cho CBS chương trình truyền hình đặc biệt về chiến tranh Việt Nam mang tựa đề “Report from Vietnam: Who, What, When, Where, Why?” (Bản tin từ Việt Nam: Ai, Cái gì, Khi nào, Ở đâu, Tại sao?”). Ngày 27/2/1968, chương trình lên sóng CBS, như dội một quả bom tấn vào dư luận Mỹ.
Giới quan sát thời bấy giờ đã cho rằng, không biết Walter Cronkite có tự ý thức được những lời bình luận đầy sức nặng của mình, đã “đổ thêm dầu” vào ngọn lửa phản chiến đang chuẩn bị bùng cháy trong lòng nước Mỹ.
Tuy nhiên, ông không hề sợ hãi mà còn khẳng định: “Quân đội và chính quyền Mỹ đang sa lầy vào cuộc chiến này, càng đổ thêm quân, càng leo thang, càng dễ đưa thế giới đến bờ vực thảm họa. Đây là cuộc chiến mà người Mỹ không thể thắng”.
Một lời tiên tri mà nhiều năm sau này, khi cuộc chiến tại Việt Nam kết thúc, chính Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Johnson cũng phải nể phục: “Nếu tôi không nghe Walter Cronkite, tôi có thể sẽ mất cả một phần nước Mỹ”.
Ông qua đời vào ngày 17/7/2009, khi đó “Huyền thoại truyền hình Mỹ Walter Cronkite” ở tuổi 92
Vào năm 1981, ông xin từ chức ở CBS Evening News sau 19 năm làm việc (1962- 1981). Tuy nhiên, ông vẫn hoạt động trong truyền hình. Thỉnh thoảng, ông phục vụ như là một phóng viên đặc biệt cho CBS. Đồng thời, vào năm 1996, Cronkite xuất bản cuốn tự truyện của mình “cuộc sống của một phóng viên”.
Ông qua đời vào ngày 17/7/2009, khi đó “Huyền thoại truyền hình Mỹ Walter Cronkite” ở tuổi 92. Ngày hôm đó, đích thân Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã lên truyền hình nói về Walter Cronkite trong niềm xúc động trào nước mắt: "Walter Cronkite luôn có ý nghĩa hơn một phát thanh viên truyền hình. Ông ấy là người chỉ bảo cho chúng ta về hầu hết những vấn đề quan trọng nhất; một tiếng nói tin cậy trong một thế giới đầy phản trắc. Ông ấy là gia đình. Ông ấy khiến chúng ta tin tưởng và ông ấy không bao giờ làm cho ta thất vọng".