IS rao bán cổ vật cướp được của Syria trên Facebook
Thế giới - Ngày đăng : 11:41, 13/06/2015
Những bản viết tay bằng chữ Do Thái và Syria được IS rao bán trên Facebook
Theo Fox News ngày 12/6, nhà báo Zaid Benjamin làm việc tại Washington, Mỹ đã phát hiện ra 5 tài khoản trên trang Facebook rao bán các đồ cổ bao gồm các bức tượng vàng, đồng xu, các bản viết tay bằng chữ Do Thái và Syria, các bản khắc bằng đất sét. Trên các tài khoản rao bán đó có cả số điện thoại và email để liên lạc của người bán.
Tất cả những đồ cổ vô giá được rao bán trên Facebook được cho là của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo cướp được từ các khu vực khảo cổ nổi tiếng của Syria.
Những thông tin này sau đó nhanh chóng bị Facebook gỡ xuống.
Hình ảnh trên trang Facebook cho thấy những cổ vật của Syria bị IS đăng bán.
Phát ngôn viên bộ phận bảo mật của Facebook, ông Matt Steinfeld cho biết, Facebook không thể phát hiện những đồ vật được rao bán là những đồ vật đã bị đánh cắp. Nhưng nếu có thông báo, Facebook sẽ nhanh chóng xóa bỏ những thông tin đó.
Việc IS rao bán những cổ vật trên thông qua Facebook và các phương tiện truyền thông xã hội là do IS gặp khó khăn trong việc bán chúng ra thị trường một cách thông thường. Các bảo tàng và các sàn bán đấu giá đồ cổ đã được Hội đồng bảo tàng quốc tế (ICOM) thông báo “danh sách đỏ” những cổ vật bị đánh cắp từ Syria và Iraq. Danh sách này nhằm xác định các món đồ cổ được bán trên chợ đen và để tìm ra những cổ vật, phòng ngừa việc buôn bán và phân phối tại phương Tây.
Đồng thời, danh sách này còn chỉ dẫn các bảo tàng, hải quan và cảnh sát cách nhận biết những cổ vật bị đánh cắp.
Cho đến nay, tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) đã kiếm được đến 100 triệu USD nhờ việc bán các đồ cổ lấy được từ hơn 4.500 địa điểm khảo cổ tại Syria và Iraq, nhiều nơi trong số đó là di sản thế giới được UNESCO công nhận.
IS đã phá hủy nhiều hiện vật cổ tại thành phố cổ như Mosul, Nimrud và Hatra tại Iraq và gần đây là việc chiếm giữ Palmyra tại Syria.
Theo luật sư về di sản văn hóa, Rick St. Hilaire, số lượng cổ vật nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Đông và Bắc Phi đã tăng đột biến từ năm 2011 đến 2013, đặt ra nghi vấn về việc làm thế nào những món đồ này lại lọt được vào thị trường nghệ thuật của phương Tây.