Nga cảnh báo “hậu quả” nếu Mỹ triển khai tên lửa ở châu Âu
Thế giới - Ngày đăng : 07:17, 12/06/2015
Hệ thống tên lửa của Mỹ được triển khai ở châu Âu.
Đề cập đến Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF), trong một tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Nga cho biết: “Rõ ràng những hành động như vậy đồng nghĩa với việc phía Mỹ sẽ phá hủy hoàn toàn cơ chế của hiệp ước (INF), cùng với tất cả những hậu quả kèm theo”.
Cũng theo bản tuyên bố nói trên, Nga “hối thúc Mỹ đảm bảo thực thi đầy đủ (các điều khoản) Hiệp ước INF, và không đe dọa tính khả thi của văn kiện này”, theo AFP.
Cả Moscow và Washington đã buộc tội lẫn nhau về việc vi phạm Hiệp ước INF được hai nhà lãnh đạo hai quốc gia đối đầu trong cuộc Chiến tranh lạnh - Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Xô Viết Mikhail Gorbachev - ký kết năm 1987.
Hiệp ước INF loại bỏ mọi loại vũ khí hạt nhân, được phóng từ tên lửa đạn đạo mặt đất và tên lửa hành trình với tầm bắn trong khoảng 500 - 5.500 km (300 - 3.400 dặm) cũng như những cơ sở hạ tầng phục vụ đi kèm. Hiệp ước này đánh dấu lần đầu tiên hai cường quốc chấp nhận cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (giữa) và lãnh đạo Xô Viết Mikhail Gorbachev (ngoài cùng bên trái) ký kết năm Hiệp ước INF năm 1987.
Tuần trước, giới chức quốc phòng Mỹ cho biết, Washington đang xem xét một loạt động thái nhằm ngăn chặn Nga vi phạm Hiệp ước INF, bao gồm việc triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc tên lửa trên đất liền ở châu Âu.
Trước đó, theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm 2014, Nga “tiếp tục vi phạm các điều khoản về nghĩa vụ của mình đối với Hiệp ước INF - không sở hữu, sản xuất, hay thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) với tầm bắn từ 500 - 5.500 km, hoặc sở hữu hay sản xuất các bệ phóng những loại tên lửa này”.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, bản báo cáo của Mỹ “không phù hợp với thực tế”, và yêu cầu Washington phải đưa ra bằng chứng thuyết phục.
Mối quan hệ giữa hai cựu thù Chiến tranh lạnh ngày càng đi xuống sau khi Moscow quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga hồi năm ngoái.
Washington, Kiev và phương Tây cũng nhiều lần cáo buộc Moscow hỗ trợ quân ly khai ở miền đông Ukraine nhằm chống lại quân đội chính phủ Kiev. Trong khi đó, Nga liên tục phủ nhận những lời buộc tội này, và xem chúng là những cáo buộc “vô căn cứ”.