Nhiều câu hỏi lớn xung quanh vụ chìm tàu trên sông Dương Tử
Thế giới - Ngày đăng : 10:49, 04/06/2015
Thủ tướng Lý Khắc Cường đang chỉ đạo các hoạt động cứu nạn trên sông
Bài viết của PV Jo Floto thuộc BBC, Bắc Kinh cho biết, một tờ báo địa phương của tỉnh Hồ Bắc đã đưa ra một tài liệu cho thấy, con tàu bị chìm khoảng 21h28’ (giờ địa phương) nhưng công tác cứu hộ chính thức bắt đầu lúc 23h51’ (giờ địa phương). Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, vì sao lại có sự chậm trễ như vậy?.
Hơn nữa, con tàu bị sóng đánh chìm nhanh tới mức nào mà không ai trong số 456 người trên tàu có thể gọi cứu trợ, hoặc kêu gọi sự giúp đỡ từ người thân. Nếu thực sự con tàu bị đánh chìm bởi điều kiện thời tiết, do gặp một cơn bão nghiêm trọng, tại sao Ngôi Sao Phương Đông lại vẫn lưu hành trên sông trong điều kiện như thế, mà không có cảnh báo nào?
Tất cả các tờ báo, các trang tin của Trung Quốc và trên thế giới cũng như công chúng đều quan tâm tới câu trả lời này. Tuy nhiên, việc tiếp cận hiện trường để lấy thông tin quả thực rất khó.
Sáng 2/6, Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc đã ban hành một sắc lệnh, yêu cầu tất cả các biên tập viên của các tòa soạn không cử phóng viên tới hiện trường. Đồng thời, truyền thông Trung Quốc chỉ được sử dụng thông tin chính thức từ Tân Hoa Xã (cơ quan thông tấn nhà nước) và truyền hình Trung ương.
Đây tất nhiên là một nỗ lực ngăn chặn những thông tin sai lệch về thảm họa có thể lan tràn trên các mặt báo, đồng thời không làm cản trở công việc cứu hộ. Tuy nhiên, dư luận thế giới rất quan tâm tới những thông tin cần thiết quanh thảm họa lớn như thế này.
Hàng rào bảo vệ quanh hiện trường
Từ hôm xảy ra thảm họa tới nay, chỉ duy nhất Thủ tướng Lý Khắc Cường là nhân vật quan trọng nhất, xuất hiện trên phương tiện truyền thông báo cáo về công tác cứu hộ cũng như chỉ đạo các vấn đề khác tại hiện trường.
Cũng giống như tất cả các quốc gia khác, Chính phủ Trung Quốc lo ngại sự phẫn nộ từ phía thân nhân của các nạn nhân có thể hướng vào nhà nước. Nhưng thay vì sử dụng quan hệ quần chúng như thông thường, thì Trung Quốc lại dùng cách điều khiển thông tin công cộng.
Điều đó cũng có thể giải thích, tại sao phải mất rất lâu vụ chìm tàu mới được biết đến. Không một trang báo nào đưa tin cho tới 3 giờ sáng ngày 3/6 (giờ địa phương) Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc mới có bản báo cáo đầu tiên.
Vì vậy, một câu hỏi khác lại được đặt ra là, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh như thế, điện thoại thông minh luôn có trong tay mỗi người, vậy mà tại sao không có bất kỳ thông tin nào bị rò rỉ ra sớm hơn?