Nepal vật lộn với “dư chấn” tâm lý sau động đất kinh hoàng
Thế giới - Ngày đăng : 17:03, 25/05/2015
Đó có thể là nơi mà các cửa hàng, nhà cửa của hàng xóm láng giếng mà bà đi qua suốt từ thuở thơ ấu, và cả là những tài sản mà bà đã tích góp suốt 60 năm cuộc đời trước đó.
Tất cả đều biến mất, phá hủy hoàn toàn trong thời khắc ngắn ngủi khi trận động đất 7,8 độ Richter tấn công thành phố Chapagaun, Nepal vào trưa ngày 25/4. Khi đó, bà Shrestha đang ở chỗ làm. “Tôi vội vã chạy ra ngoài và chỉ vài giây sau, tòa nhà đổ sập xuống”, bà Shrestha kể lại. Choáng váng và kinh hãi, bà Shrestha đứng nhìn ngôi nhà của mình tan tành. “Chẳng bao lâu, mọi người cũng chạy đến chỗ tôi và chúng tôi cùng òa khóc trong một thời gian rất lâu, sau khi cơn động đất xảy ra. Tất cả chúng tôi đều hoảng sợ” – bà Shrestha nói.
Một người phụ nữ Nepal đi lang thang giữa những đống đổ nát tại Chapagaun
Một tháng sau khi thảm họa khiến hơn 8.000 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác bị thương và rơi vào cảnh mất nhà cửa, Chapagaun, nơi cách Kathmandu chỉ vỏn vẹn 16km, vẫn là ngôi làng bị mắc kẹt trong sự quên lãng. Nhiều ngôi nhà đã vượt qua được trận động đất nhưng những dư chấn sau đó đã khiến chúng hư tổn nặng và không còn an toàn để cư trú. Đã có 200 người cùng lập nên một khu lán trại tạm thời ở quảng trường, nơi họ ăn uống và nghỉ ngơi cùng nhau.
Trong khi nam giới tìm tòi trong đống đổ nát thì những người phụ nữ cần mẫn làm các việc mà họ có thể. Còn trẻ em chơi trong những khu vực được dựng lên bởi các tổ chức phi chính phủ. Đó cũng là nơi đóng vai trò như nhà trẻ, trường học, và cả là trung tâm điều trị tâm lý cho những đứa trẻ sau sự kiện động đất kinh hoàng xảy ra. Cô gái Neeva Shrestha, 19 tuổi, dành phần lớn thời gian giúp những đứa trẻ nhỏ khác và luôn cố gắng trấn tĩnh mẹ của cô, người thường xuyên bất an và lo lắng về việc động đất lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Tôi luôn cố gắng giúp mẹ được trấn tĩnh, tôi cũng sợ hãi nhưng tôi phải vững vàng để làm chỗ dựa cho mẹ. Chúng tôi cảm thấy an toàn hơn khi ở trong lán trại, mọi người cũng quá sợ hãi với việc trở về nhà” – Neeva nói.
Không giống như nhiều lán trại được dựng lên sau động đất, những lán trại ở Chapagaun trở thành một nơi trú ẩn tuyệt vời. Phụ nữ không còn sợ bị lạm dụng tình dục và trẻ em không lo sợ nạn buôn bán người. “Chúng tôi ăn uống và đợi thời gian trôi qua. Động đất khiến tương lai của chúng tôi trở nên u tối song thật ấm lòng khi lại được nhìn thấy những đứa trẻ cười nói và chơi đùa” – Neeva chia sẻ.
Trẻ con Nepal vui đùa trong những lán trại ở tạm
Nhưng tình hình tại nhiều khu vực khác của Nepal lại ảm đạm hơn nhiều. Đơn cử như Trung tâm quận Sindhupalchok, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở đây, các ngôi làng gần hư bị san phẳng, những túp lều màu xanh, vàng, trắng, cam… nằm sát nhau bên các sườn đồi, trong khi người và súc vật đi tha thẩn trông tựa không sức sống.
Ở cộng đồng Chautara, trung tâm chính của quận Sindhupalchok, cảnh tưởng y như một chiến trường. Rất nhiều tòa nhà cao tầng bị gãy gập hay vỡ góc, trông như bị đạn pháo nã vào… Ông Krishna Gyawali, trưởng quận Sindhupalchok, tổng kết lại thiệt hại với con số gây gây sốc: 4.242 người trong quận đã thiệt mạng, 4.000 người bị thương, 44 người mất tích và 95% các ngôi nhà bị phá hủy.
“Chúng tôi đã mất các trường học, bệnh viện, văn phòng chính phủ. Nhiều ngôi làng ở vùng xa xôi phải mất 5 ngày đi bộ mới có thể đưa đồ cứu trợ tới cho người dân. Chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể. Mọi người đã mất gia đình và con cái họ đang phải chịu đựng, họ muốn đến những nơi an toàn hơn” – ông Gyawali chia sẻ.
Sau gần 1 tháng xảy ra động đất, công tác dọn dẹp vẫn tiếp tục
Tại các nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, nhiều ông bố bà mẹ người Nepal cố gắng gửi gắm con mình đến các trại trẻ mồ côi tại thủ đô Kathmandu với hy vọng chúng có thể nhận được hỗ trợ nhiều hơn. Điều này đã khiến cô Virginia Pérez, một lãnh đạo cấp cao của Unicef tại Nepal, nhấn mạnh: “Điều cần thiết mà chúng tôi có thể làm là đảm bảo những đứa trẻ được ở cùng với cha mẹ của chúng. Chính phủ Nepal có nhiều biện pháp để hỗ trợ những đứa trẻ chịu nhiều tổn thương khi mất nhà cửa hoặc mồ côi”.
Ngoài ra, cô Pérez cũng cho biết thêm, dư chấn động đất thứ hai 7,3 độ Richter xảy ra ngày 12/5 sau đó đã gây ra ảnh hưởng không hề nhỏ tới người dân nơi đây: “Tác động tâm lý của trận dư chấn động đất thứ hai cũng hết sức mạnh mẽ. Nó trì hoãn quá trình tái thiết và người dân trở nên hoang mang, mất niềm tin”. Bà Bachulaxmi Shrestha thổ lộ: “Tôi vẫn căng thẳng và sợ hãi. Gia đình tôi đã mất nhà cửa và mọi thứ. Chúng tôi không biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Điều duy nhất hiện nay chúng tôi có thể làm là lấy lại bất cứ thứ gì từ căn nhà đổ nát của chúng tôi”.