Thực hư chuyện hội viên Hội Chữ thập đỏ chụp ảnh tự sướng tại Nepal

Thế giới - Ngày đăng : 22:02, 04/05/2015

Mấy ngày qua, cư dân mạng lan truyền nhau bức ảnh một thành viên Hội Chữ thập đỏ chụp ảnh tự sướng bên đống đổ nát ở Nepal, và nở nụ cười rạng rỡ. Vậy, đâu là sự thật về bức hình này?

Trên trang 9gag - website chuyên đăng tải những hình ảnh, video hài hước, giễu nhại đăng lại sáng 3/5 đã đăng tải tấm hình có tựa đề chung là Nepal Earthquake (Động đất Nepal), với hình ảnh trên là những du khách nước ngoài đang tích cực giúp đỡ người dân trên đống đổ nát với chú thích "Other tourists" (Những du khách khác) và bức hình dưới là hình ảnh một phụ nữ Việt Nam đang chỉ tay về phía căn nhà bị động đất phá hủy, miệng nở nụ cười với chú thích "A member of Redcross Vietnam" (Một thành viên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), trong đó, từ Redcross được thể hiện bằng màu đỏ.

Và chú thích cho hai hình ảnh đối nghịch đó, 9gag viết: "Then she took the first flight back to Vietnam without helping anymore" (Sau đó bà ta bắt chuyến bay đầu tiên trở về Việt Nam mà không giúp đỡ gì thêm).

Thực hư chuyện hội viên Hội Chữ thập đỏ chụp ảnh tự sướng tại Nepal

Bức ảnh gây nhiều tranh cãi trên trang 9gag

Có lẽ, không cần phải nói cũng có thể hiểu được, tấm hình trên ngụ ý gì. Sau khi đăng tải, bức hình đã gây được nhiều sự chú ý và chỉ trích nặng nề từ phía dư luận thế giới. Hầu hết đều cho rằng trong bối cảnh đổ nát và đau thương của trận động đất, thì đó là một nụ cười không hề phù hợp.

Theo VTC News, ông Nguyễn Xuân Duy, điều phối viên chương trình chữ thập đỏ Nauy tại Việt Nam xác nhận, người trong tấm hình được xác định là bà Nguyễn L.H - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ một tỉnh miền Trung, thành viên đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sang Nepal học hỏi kinh nghiệm ứng cứu động đất.

Tuy nhiên, theo ông Duy, điều thể hiện trong bức ảnh không giống như những gì mọi người nghĩ. Ông cho biết, đoàn Chữ thập đỏ Việt Nam ở tại khách sạn Utse, cách tâm chấn khoảng 70km. Khi xảy ra thảm họa, đoàn không biết trận động đất mạnh bao nhiêu độ, tâm chấn ở đâu và hậu quả thế nào. Khu vực đoàn ở cũng không bị thiệt hại gì về nhà cửa và con người.

Buổi sáng hôm sau, đoàn Việt Nam gồm 10 người đã chia thành 2 nhóm để khảo sát một số khu vực bị ảnh hưởng và chụp ảnh làm tư liệu. Đến khu vực đổ nát, anh Kiên, một thành viên trong đoàn bảo bà H đứng trước ngôi nhà và chỉ tay lên đó. Tuy nhiên, bức ảnh đầu bị mờ, hơn nữa có người đi ngang, nên anh Kiên lại chụp lại 1 tấm nữa.

Ông Duy cho hay: “Khi chuẩn bị chụp thì anh Kiên có nói đùa gì đó khiến chị H. mỉm cười. Có thể anh Kiên muốn chị H. bớt căng thẳng. Sau đó thì anh Kiên chụp luôn. Lúc tập hợp ảnh lại, tôi đã xóa bỏ hình ảnh bị mờ ban đầu và giữ lại ảnh chụp thứ 2 này”.

Cũng theo ông Duy, vì yếu tố khách quan nên tối 26/4, cả đoàn phải ra sân bay để về Việt Nam. Khi đoàn về tới sân bay trong nước, một phóng viên tới phỏng vấn và xin ảnh để làm tư liệu. Chính vì vậy, ông Duy copy một số ảnh, trong đó có bức ảnh trên đưa cho phóng viên.

“Tôi đã không để ý là khuôn mặt chị H. như thế nào. Vì chị chỉ đứng ở một góc nhỏ, hình ảnh chủ yếu là ngôi nhà đổ nát”, ông Duy nói. Và mấy ngày sau, bức hình được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội.

Tuy vậy, ông Duy khẳng định, bà H không chụp ảnh “tự sướng”, cũng không hề cười trên nỗi đau của người khác như mọi người nghĩ.

Những ngày qua, thông tin đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trở về nước an toàn sau thảm họa động đất ở Nepal đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều của dư luận.

Đoàn sang để học tập kinh nghiệm nâng cao kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thảm họa động đất của Nepal. Họ sang Nepal từ ngày 19/4 và sự trùng hợp đã xảy ra, một trận động đất kinh hoàng đã biến đất nước Nepal thành đống đổ nát. Đoàn công tác đã bị kẹt lại ở Nepal, đến trưa 28/4, 10 người trong đoàn mới về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) an toàn.

Hoàng Hà(TH)