Suốt 10 năm qua, Đông Nam Á bị tin tặc Trung Quốc theo dõi?
Thế giới - Ngày đăng : 08:18, 15/04/2015
Theo báo cáo từ FireEye, nhóm tin tặc có biệt danh APT30 hoạt động từ năm 2005. Nhóm này lấy cắp “thông tin nhạy cảm” một cách có hệ thống từ các chính phủ, công ty trong các quốc gia Đông Nam Á, trong đó bao gồm các mục tiêu chính: Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Thái Lan và Ả Rập Saudi. Bên cạnh đó, FireEye còn tiết lộ, có thể mục tiêu của nhóm còn nhắm tới Nhật Bản, Indonesia, Philippines…
"Có vẻ nhóm APT30 ăn cắp dữ liệu chứ không phải tiền bạc”
Báo cáo cho biết, những thông tin mà nhóm APT30 quan tâm đó là các vấn đề quân sự, kinh tế, chính trị của Đông Nam Á và cả các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển.
Theo FireEye, nhóm này hoạt động có quy mô, mục đích cũng như tính hoạt động bền vững khác hẳn với các nhóm hacker thông thường khác. Điều này khiến FireEye tin rằng APT30 đã được nhà nước Trung Quốc tài trợ.
Bên cạnh đó, nhóm này thường xuyên phát triển và tinh chỉnh các công cụ đột nhập mạng trong suốt 10 năm qua nhằm phục vụ hoạt động của nhóm, FireEye cho biết thêm. “Có vẻ như, APT30 chỉ nhằm ăn cắp dữ liệu chứ không phải tiền bạc”, báo cáo viết.
FireEye khẳng định, “APT30 đặc biệt quan tâm tới các tổ chức, chính phủ có quan hệ với khối ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), đặc biệt là vào thời điểm các cuộc họp chính thức của ASEAN diễn ra”.
Trên trang Blog cá nhân của ông Bryce Boland, quan chức phụ trách công nghệ của FireEye ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có viết, khu vực Đông Nam Á nằm trong nhóm xảy ra nhiều vụ tấn công mạng bậc nhất thế giới. Trong 10 năm hoạt động, nhóm này tiến hành thành công nhiều vụ ăn cắp thông tin mà không bị phát hiện.
Về phía Trung Quốc, từ trước đến nay vẫn luôn luôn bác bỏ các cáo buộc nói rằng họ đang tiến hành các hoạt động theo dõi mạng. Trước việc này, Trung Quốc nhanh chóng bác bỏ mọi thông tin liên quan. Phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định, Chính phủ Trung Quốc cương quyết phản đối các vụ tấn công tin tặc.