Người cứu Luân Đôn khỏi thảm họa tàn phá

Thế giới - Ngày đăng : 06:00, 12/04/2015

Tháng 11/1943, cơ quan tình báo đối ngoại Anh (MI6) nhận được một cuộn giấy, gồm nhiều tấm sơ đồ phác họa hình ảnh những bệ phóng “bom bay” V-1 đang được xây dựng ở miền Bắc nước Pháp.

Nó được một thương nhân người Pháp, tên là Michel Hollard, chuyển lậu qua biên giới Pháp - Thuy  Sỹ, trước khi đến Anh. Cùng với phác đồ, nhận xét của Hollard rằng tất cả những quả tên lửa đều quay về một hướng - thủ đô của nước Anh - đã giúp Luân Đôn thoát khỏi thảm họa tàn phá. Đặc biệt, nếu không có sự phát hiện của Hollard, theo Tổng Tư lệnh quân Đồng minh ở châu Âu, Tướng Dwight D. Eiseinhower, “bom bay” V-1 sẽ làm phá sản kế hoạch đổ bộ của quân Đồng minh lên bán đảo Normandy (Pháp).

Khi lập được chiến công trên, Hollard vừa bước sang tuổi 46. Tại Pháp, ông là một doanh nhân giàu có, thành đạt, nhưng không yên phận. Năm 1941, Hollard đã tự xây dựng và “nuôi” mạng lưới điệp viên “Hành động” (Agir), hoạt động độc lập với lực lượng Đồng minh và các tổ chức kháng chiến khác. Giống như người sáng lập, tất cả các thành viên của mạng lưới này đều chưa qua bất cứ một lớp huấn luyện nghiệp vụ tình báo nào. Họ, người làm giám đốc khách sạn, người hành nghề buôn bán, người theo đuổi nghiệp kĩ sư đường sắt... tham gia hoạt động bí mật vì mang trong mình tinh thần chống phát xít.

Người cứu Luân Đôn khỏi thảm họa tàn phá

Michel Hollard – Người cứu Luân Đôn khỏi thảm họa tàn phá bởi “bom bay” V-1.

Không thể chịu được sự chiếm đóng của quân Đức, Hollard quyết định giúp đỡ người Anh, bất kể là họ có muốn hay không. Và sự kết nối với tình báo Anh được Hollard thực hiện ngay từ khi Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức vào năm 1940. Trong vỏ bọc một nhà sản xuất động cơ ô tô, Hollard đi khắp nước Pháp thu thập tin tức tình báo. Từ năm 1941 đến khi bị Đức Quốc xã bắt, tra tấn dã man và tống vào trại tập trung năm 1944, Hollard đã thực hiện 49 chuyến đi sang Thuy Sỹ bằng xe đạp và nhiều khi là bằng chính đôi chân trần để chuyển những thông tin chi tiết, chính xác liên quan tới hoạt động quân sự, công nghiệp của Đức trên lãnh thổ Pháp cho mật vụ MI6 hoạt động dưới lốt nhân viên Đại sứ quán Anh tại Berne.

Trở lại với chuyện phát hiện “bom bay” V-1. Mùa hè 1943, một điệp viên trong mạng lưới “Hành động”, hoạt động dưới vỏ bọc là kỹ sư đường sắt ở Rouen cấp báo: Tại khu vực thượng Normandy xuất hiện một loạt công trình xây dựng hỗn hợp có nhiều dấu hiệu không giống với một công trình xây dựng dân sự bình thường. Hollard lập tức tới Rouen, cải trang thành một mục sư Tin Lành, chọn một quan chức địa phương ưa nịnh nhất, thuyết phục ông ta đưa cho mình bản danh sách các công trường xây dựng. Hollard trưng ra một chiếc túi đầy những cuốn kinh thánh, rồi nói với viên chức nọ rằng với bổn phận của một mục sư, ông muốn mang tới sự đảm bảo về tinh thần cho những người lao động Pháp bắt buộc phải làm cho quân Đức.

Người cứu Luân Đôn khỏi thảm họa tàn phá

Một quả “bom bay” V-1 đang lao xuống mục tiêu.

Có được bản danh sách, Hollard lại cải trang thành một công nhân lao động, đến một trong những công trường xây dựng ở Auffay (bắc Rouen). Đẩy chiếc xe cút kít chở đầy gạch, Hollard quan sát hết chỗ này đến chỗ khác và phát hiện trên công trường có một dải đường bê tông rộng với vệt xanh kéo dài. Về Pari, Hollard vẽ lại theo trí nhớ, tính toán và thấy một điều lạ là dải đường bê tông đó quay hướng về phía Luân Đôn. Vài ngày sau, Hollard sang Berne. Người đại diện MI6 tỏ vẻ ít quan tâm đến thông tin do Hollard cung cấp. Tuy nhiên, các cấp chỉ huy của anh ta ở Luân Đôn thì lại khác. Họ gửi ngay một bức điện nói rõ mong muốn Hollard tập trung phát hiện thêm những công trường mới như ở Auffay.

Mạng lưới “Hành động” liền ra tay. Họ chia Normandy ra thành nhiều khu vực, giao cho mỗi thành viên tìm hiểu một khu vực. Một điệp viên của Hollard thậm chí còn bí mật copy được bản vẽ tổng thể công trường xây dựng, thể hiện rõ đâu là bệ phóng, đâu là kho chứa... Để chắc chắn, Hollard trở lại Auffay và đã phát hiện ở ga hàng hóa tại Auffay có một số hòm linh kiện lạ. Giả dạng là một công nhân đường sắt, Hollard đã đến tận nơi, nhìn tận mắt. Cuối cùng, với những gì có trong tay, Hollard đã hoàn toàn thuyết phục được người Anh rằng họ đang đứng trước nguy cơ bị Đức tấn công từ Pháp.

Dựa trên những thông tin tình báo do Hollard cung cấp và những bản tin do điệp viên MI6 gửi về từ Đức (phát xít Đức ở Peenemunde, thuộc miền Bắc nước Đức đang phát triển một loại vũ khí mới có tên Vergeltungswaffen), phía Anh nhận định quân Đức đang triển khai một loại vũ khí mới ở Pháp, để tấn công Anh. Ngay sau đó, Không quân hoàng gia Anh đã mở một chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào trận địa phóng “bom bay” V-1 ở Auffay và hơn 100 trận địa khác. Âm mưu sử dụng “bom bay” V-1 san phẳng Luân Đôn và những mục tiêu chiến lược khác ở miền Nam nước Anh của quân Đức bị phá sản.

Nhờ chiến công này, vào cuối những năm 1940, sau khi được giải cứu khỏi trại tập trung của phát xít, Hollard đã được cả Chính phủ Pháp lẫn Chính phủ Anh tặng thưởng huân chương. Mặc dầu vậy, cái tên Hollard rất ít khi được nhắc tới ở Pháp, một phần vì ông không phải là người đòi hỏi phải có sự ghi nhận, một phần vì ông không thuộc bất cứ tổ chức kháng chiến nào được công nhận ở Pháp. Hollard mất ngày 16/7/1993, ở tuổi 96.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa nước Anh tránh được sự tấn công của “bom bay” V-1. Từ ngày 13/6/1944 đến ngày 29/3/1945, quân Đức đã phóng nhiều quả “bom bay” V-1 vào những nơi tập trung đông dân cư ở Luân Đôn và Antwerp (Bỉ). Các bệ phóng “bom bay” V-1 được quân Đức sử dụng để thực hiện những đòn tấn công đó bố trí trên đất Hà Lan và ở khu vực eo Dover. Nhưng sau đó, người Anh đã nghĩ ra cách đối phó với “bom bay” V-1 khá hữu hiệu. Họ dựng lên một “hàng rào” bằng 2.000 quả khinh khí cầu trên không. Kết quả, có ít nhất 300 quả “bom bay” V-1 đã húc phải khinh khí cầu và nổ tung ở trên không thay vì đến được mục tiêu dưới đất.

Minh An