Mỹ cố tạo ra khủng hoảng kinh tế để “ép” Nga thay đổi chính sách đối ngoại
Thế giới - Ngày đăng : 11:31, 18/03/2015
Theo ông Earl Rasmussen, Phó chủ tịch Trung tâm khoa học chính trị Á - Âu, Mỹ cố tạo ra khủng hoảng kinh tế để “ép” Tổng thống Putin thay đổi chính sách đối ngoại
Theo ông Earl Rasmussen, các nhà cầm quyền Mỹ đang cố gắng tạo ra các vấn đề khó khăn cho kinh tế nước Nga trong nỗ lực nhằm buộc Tổng thống Vladimir Putin thay đổi chính sách đối ngoại.
“Về mặt chiến lược, Mỹ không có lợi ích chiến lược tại Ukraine nếu không chống lại Nga… Ukraine được xem như yếu tố then chốt trong việc chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga”, RIA Novosti dẫn lời ông Earl Rasmu.
Hồi đầu tháng 3/2015, trong một buổi họp báo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết những lệnh trừng phạt mà Washington và phương Tây áp dụng nhằm chống lại Moscow đang có hiệu quả đáng kể đối với nền kinh tế Nga, nhưng chúng vẫn chưa đủ để làm thay đổi thái độ Tổng thống Putin đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ngay sau đó, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, khẳng định bất cứ nỗ lực nào nhằm gây áp lực cho Tổng thống Putin với hi vọng thay đổi lập trường của ông chủ Điện Kremlin là “hoàn toàn vô ích”.
Tuy nhiên, ông Rasmussen cho rằng hành động “tạo ra khủng hoảng kinh tế tại Nga để “ép” Moscow thay đổi chính sách đổi ngoại” của Washington trông “không chuyên nghiệp” và “chẳng thể làm được gì” với nền dân chủ nước Nga.
Theo quan điểm của ông Rasmussen, việc tạo ra những tình huống khó khăn chỉ làm người dân Nga thêm đoàn kết và củng cố vị trí của nhà lãnh đạo quốc gia mà thôi.
"Tạo ra một tình trạng khủng hoảng như vậy, trong khi người dân Nga đã từng phải trải qua giai đoạn khủng hoảng hơn thế, và họ đã đoàn kết lại, ủng hộ nhà lãnh đạo của mình… Hơn nữa, tôi nghĩ nếu nhìn vào mức độ ủng hộ dành cho ông Putin, các bạn sẽ thấy điều đó. Tôi cũng cho rằng kết quả của việc áp đặt lệnh trừng phạt, thực tế, sẽ phản tác dụng với những mục tiêu mà họ (Washington và phương Tây) muốn hướng đến”, ông Rasmussen phát biểu với RIA Novosti.
Đối với những lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh đã thực hiện nhằm chống lại nước Nga do cáo buộc Moscow có liên quan đến cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, ông Rasmussen cho rằng chúng có tác dụng ngược không chỉ với các nước châu Âu, mà trước tiên chính Ukraine “sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất”.