5 kịch bản về “thủ phạm thực sự” vụ ám sát lãnh tụ Đảng đối lập Nga
Thế giới - Ngày đăng : 22:09, 15/03/2015
Zaur Dadaev, cựu Phó chỉ huy được tặng thưởng Huân chương thuộc đơn vị cảnh sát Chechnya, bị bắt giữ hôm 07/3 tại nước Cộng hòa Ingushetia, gần Chechnya, đã thừa nhận có liên quan đến vụ sát hại cựu Phó Thủ tướng Boris Nemtsov. Tuy nhiên, sau đó, chính Zaur Dadaev lại bác bỏ lời khai của mình.
Trong khi đó, ngày 13/3 vừa qua, tờ Komsomolskaya Pravda dẫn nguồn tin Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết, đã phát hiện ra một thông tin quan trọng: Zaur Dadaev thường xuyên liên lạc với Adam Osmayev, người mới đây trở thành chỉ huy Tiểu đoàn Dzhokhar Dudayev ở Ukraine. Nguồn tin này cũng khẳng định “nghi can chính hiện nay là Adam Osmayev, kẻ đã đặt hàng giết Boris Nemtsov”, song không tiết lộ chi tiết.
Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn chưa có một kết luận chính thức về kẻ chủ mưu cũng như động cơ thực sự của vụ án mạng gây rúng động nước Nga và cộng đồng quốc tế này. Nhiều kịch bản được đưa ra, song dường như không có giả thuyết nào hoàn toàn đủ sức thuyết phục.
Dưới đây là 5 kịch bản về “thủ phạm thực sự” của vụ giết hại nhân vật chính trị cao cấp thuộc đảng đối lập Nga do bà Jill Dougherty, một học giả về chính sách công tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, phóng viên kỳ cựu của CNN, đưa ra.
Xung quanh cái chết của lãnh tụ Đảng đối lập Nga còn nhiều nghi vấn và câu hỏi chưa có lời giải đáp
1. Điện Kremlin
Ngay từ khi cựu Phó Thủ tướng Nga bị giết hại, mọi nghi ngờ đều chĩa về phía ông chủ Điện Kremlin. Nguyên nhân chính và có thể thấy ngay trước mắt đó là: Boris Nemtsov là người luôn chỉ trích gay gắt đường lối và quan điểm của Tổng thống Vladimir Putin.
Một vài thành viên của Đảng đối lập Nga, trong đó có con gái của ông Boris Nemtsov, bị thuyết phục bởi giả thuyết rằng Chính phủ Moscow đứng sau vụ ám sát ông Nemtsov. Nhưng tại sao? Và vì sao lại vào thời điểm này?
Ông Nemtsov, 55 tuổi, là lãnh đạo đảng đối lập trong nhiều năm và gần đây “bị lu mờ” bởi những thành viên trẻ tuổi hơn, điển hình như Alexey Navalny - một luật sư, đồng thời là một nhà hoạt động chính trị và tài chính tài ba mới 38 tuổi. Trong năm 2012, Alexey Navalny từng được The Wall Street Journal đánh giá là “đối thủ chính trị mà Vladimir Putin sợ nhất”, cũng là người Nga duy nhất được ghi vào danh sách 100 người gây nhiều ảnh hưởng nhất thế giới của tờ báo Time. Vì vậy, nếu cho rằng Điện Kremlin đứng sau vụ ám sát Nemtsov dường như không mấy có ý nghĩa.
Những người ủng hộ cựu Phó Thủ tướng Nga thì cho rằng Boris Nemtsov trở thành mối đe dọa ngày càng lớn với Kremlin, bởi ông nắm giữ “chứng cứ quan trọng” cho thấy sự hiện diện của quân đội Nga ở miền đông Ukraine, như lời Tổng thống Petro Poroshenko từng tiết lộ ngay sau khi ông Nemtsov bị ám sát một ngày.
Nhưng sự dàn dựng đầy kịch tính của vụ giết người - ông Boris Nemtsov bị bắn vào lưng 4 phát đạn trên cây cầu nổi tiếng của Thủ đô Moscow lại tương phản với sự “sắp đặt” của Quảng trường Đỏ và Điện Kremlin. Truyền thông đặt câu hỏi, không lẽ một người thông minh và tài năng như Tổng thống Vladimir Putin lại có thể “sơ suất” đến nỗi lộ “gót chân Achilles” một cách rõ ràng đến vậy?
2. Phương Tây
Một vài chính trị gia và phương tiện truyền thông Nga có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin thì nghiêng về giả thuyết rằng kẻ thù của Tổng thống Putin - cụ thể là Mỹ và phương Tây - đã “dàn xếp” việc ám sát ông Boris Nemtsov để phá hỏng hình ảnh Tổng thống Nga trong mắt công chúng, và kích động một cuộc nội chiến ở Nga.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là tại sao Washington lại muốn thủ tiêu người đang đấu tranh cho nền dân chủ, và thân thiết với Mỹ? Câu trả lời dựa trên lý thuyết âm mưu chính là: Để tạo ra một “con chiên hiến tế” và đổ tội giết người cho ông chủ Điện Kremlin.
3. Người Chechnya
Hôm 08/3, tòa án quận Basmanny ở Moscow đã truy tố hai nghi can chính là Zaur Dadayev và Anzor Gubashev với tội danh bắn chết ông Nemtsov cầu Bolshoy Moskvoretsky. Zaur Dadayev đã nhận, còn Gubashev phủ nhận mọi dính líu trong vụ này. Mặc dù Dadayev sau này chối tội, song giả thuyết cho rằng “người Chechnya” có liên quan đến vụ án không phải không có lý.
Theo điều tra, Zaur Dadayev, cựu sĩ quan an ninh là người sùng đạo Hồi, đã vô cùng tức giận với những bức tranh biếm họa Nhà tiên tri Muhammad của tạp chí Charlie Hebdo. Các quan chức Nga cáo buộc rằng, lý do khiến Zaur Dadayev quyết định “trừng phạt” ông Boris Nemtsov là vì quan điểm ủng hộ quyền tự do báo chí, mà cụ thể là các nhà báo Charlie Hebdo trong việc “báng bổ đạo Hồi” bằng những bức tranh biếm họa đấng tối cao của họ.
Tuy nhiên, các đồng minh của cựu Phó Thủ tướng Nga chỉ ra rằng, ông Boris Nemtsov không hề chống Hồi giáo và hiếm khi nói về những bức tranh biếm họa, và ông cũng không phải là nhân vật trung tâm trong những câu chuyện liên quan đến những bức hình như thế này.
Mọi chuyện có vẻ trở nên phức tạp hơn, khi chính nhà lãnh đạo theo đường lối cứng rắn của nước Cộng hòa Chechnya, Tổng thống Ramzan Kadyrov, đã ca ngợi Dadayev như một chiến binh dũng cảm, một người sùng đạo, và là một “người yêu nước thực sự”. Nhưng trước đó, hôm 08/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký quyết định trao tặng Huân chương Danh dự cho ông Ramzan Kadyrov, và nhà lãnh đạo Chechnya đã thề trung thành với ông chủ Điện Kremlin, “sẽ chết vì Tổng thống Putin”.
Một điểm đáng lưu ý nữa, là những người Chechnya, theo báo cáo, đang chiến đấu tại miền Đông Ukraine, cho cả chính phủ Kiev và những phần tử ly khai thân Nga. Và điều này lại dẫn đến giả thuyết cho rằng ông Nemtsov bị giết chết vì đã lên tiếng cáo buộc vai trò của Nga trong cuộc xung đột Ukraine (tuy nhiên, chưa thể khẳng định “thủ phạm thực sự” là phía Moscow).
4. Ukraine
Nhiều người Nga tin rằng Chính phủ Kiev chỉ dừng lại cho đến khi “hại” được Tổng thống Putin. Phương Tây luôn cho rằng, sau tất cả, một số người dân, được nuôi dưỡng bởi chiến dịch tuyên truyền trong nước (Nga), vẫn tin rằng các lực lượng không quân Ukraine đã bắn hạ chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia hồi tháng 7 năm ngoái, trong khi đó có nhiều bằng chứng cho thấy rằng chính lực lượng phiến quân do Nga hậu thuẫn mới là thủ phạm?
Vậy thì lý do gì khiến phía Ukraine giết hại lãnh tụ Đảng đối lập Nga nếu giả thuyết được đưa ra là sự thực? Phải chăng lại là âm mưu sử dụng “con chiên hiến tế” để đổ tội giết người cho ông chủ Điện Kremlin, và làm cho phương Tây lại càng nổi giận và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow?
Và việc FSB tiết lộ nghi can chính của vụ giết hại ông Boris Nemtsov là Adam Osmayev, người mới đây trở thành chỉ huy Tiểu đoàn Dzhokhar Dudayev ở Ukraine, đã “đặt hàng” Zaur Dadaev, khiến chúng ta không thể đặt ra một kịch bản: Chính Ukraine đã “mượn tay” người Chechnya để giết hại lãnh tụ Đảng đổi lập Nga nhằm “đổ tội” cho Điện Kremlin?
5. Những phần tử cực đoan trong nước
Những người ủng hộ giả thuyết này chủ yếu là phe đối lập. Họ cáo buộc Điện Kremlin đã kích động lòng căm thù chống lại cái gọi là “Trụ cột thứ Năm” - “những kẻ phản bội” đang cố gắng làm suy yếu nước Nga từ bên trong.
Hình ảnh các nhà lãnh đạo đối lập bị gắn mác “kẻ phản bội” được trưng ở các thành phố nước Nga. Trong khi đó, vào ngày 21/02, hàng nghìn nhà hoạt động ủng hộ Điện Kremlin đã xuống đường biểu tình ở trung tâm Thủ đô Moscow, thề sẽ ngăn chặn một cuộc nổi dậy kiểu Ukraine tại Nga. Những người Nga trung thành với Tổng thống Putin đã viết tên và giơ những tấm áp phích với hình ảnh của những kẻ phản bội, bao gồm cả Nemtsov.
Tuy nhiên, phương Tây luôn cho rằng, có một thực tế là, những vụ giết hại một nhân vật chính trị cao cấp ở Nga hiếm khi được giải quyết triệt để. Còn nhớ, chính Chechnya đã bị cáo buộc tội giết chết nhà báo Anna Politkovskaya hồi năm 2006. Trước khi qua đời, bà Politkovskaya viết hàng loạt cuốn sách lên án cuộc chiến Chechnya và những hành vi vi phạm nhân quyền ở Chechnya. Bà cũng là người thường xuyên chỉ trích Chính phủ Nga và FSB.
Quá trình điều tra và xét xử vụ sát hại nhà báo Politkovskya vô cùng phức tạp. Mặc dù 5 bị cáo bị xử tù vì tội giết người, trong đó có 4 án chung thân, nhưng bản chất vụ án vẫn gây tranh cãi lớn.
Vậy, chúng ta có nên đặt ra câu hỏi, liệu một kịch bản về “thủ phạm thực sự” tương tự vụ ám sát nhà báo Anna Politkovskaya có lặp lại trong vụ Boris Nemtsov?