Điệp viên ngồi sau thủ tướng
Thế giới - Ngày đăng : 09:47, 09/03/2015
Sự kiện này đã làm chấn động dư luận thế giới nói chung và Tây Đức nói riêng. Thừa nhận sự mất cảnh giác, một tháng sau Thủ tướng Brandt tuyên bố từ chức để nhận trách nhiệm.
Điệp viên Đông Đức, Gunter Guillaume (đeo kính đen), ngồi sau Thủ tướng Tây Đức, Willy Brandt
Quả thực, ông Brandt không có lý gì để nghi ngờ Guillaume. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, để thoát khỏi sự truy lùng gắt gao của quân phát xít, vị thủ tướng tương lai của CHLB Đức đã phải nhờ cậy tới sự che chở của bố của Guillaume. Để trả nghĩa, năm 1955, Brandt khi đó đang là thị trưởng Tây Béclin đã giúp Guillaume chuyển sang sống, lập nghiệp ở CHLB Đức. Guillaume nhanh chóng gia nhập Đảng Dân chủ xã hội Đức ở Frankfurt. Con đường hoạn lộ của Guillaume cứ thế đi lên cùng với sự phát triển của Đảng Dân chủ xã hội Đức.
Năm 1970, sau khi Đảng Dân chủ xã hội Đức nắm đa số ghế trong Quốc hội CHLB Đức, lãnh đạo đảng này, ông Brandt lên giữ chức thủ tướng. Ngày 28/1/1970, Guillaume chuyển tới làm việc tại Văn phòng Thủ tướng, nhanh chóng trở thành một trong ba trợ lý riêng của Thủ tướng Brandt. Từ tay Guillaume, tất cả các văn bản nằm trên bàn của người đứng đầu chính phủ CHLB Đức đều rơi vào tay Markus Wolf, chỉ huy cơ quan tình báo đối ngoại CHDC Đức (Stasi). Những điều đáng phải giấu kín của Chính phủ CHLB Đức, kể cả ý đồ, thực chất và nội dung của “chính sách phía Đông” (nhích lại gần Liên Xô và Đông Âu) đã không còn bí mật với ban lãnh đạo CHDC Đức.
Nguy hiểm bắt đầu đến với Guillaume từ khi cơ quan phản gián CHLB Đức bắt được một điệp viên Stasi. Lục soát nơi ở của điệp viên này, cơ quan phản gián CHLB Đức thu được một cuốn sổ tay ghi tên và số điện thoại của Guillaume. Kể từ đó, Guillaume trở thành đối tượng theo dõi của cơ quan phản gián CHLB Đức. Lúc này, phía Liên Xô cũng bí mật cho Stasi biết một điệp viên của Stasi thân cận Brandt có nguy cơ bị lộ, nhưng Stasi đã không áp dụng biện pháp bảo vệ nào cho Guillaume. Vòng vây cứ thế được khép chặt. Khi Guillaume và em trai đi nghỉ ở Scandinavia, phản gián CHLB Đức đã tóm quả tang Guillaume cùng một số tài liệu mật. Điều làm các nhân viên an ninh CHLB Đức bất ngờ là khi bị bắt, Guillaume thú nhận luôn mình là cán bộ của Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức, yêu cầu được tôn trọng danh dự như một sĩ quan.
Ngày 15/12/1975, Guillaume bị đưa ra tòa xét xử, nhận mức án 13 năm tù vì tội phản quốc, hoạt động gián điệp. Vợ Guillaume, Christel, cũng là một điệp viên Stasi nhận mức án nhẹ hơn (8 năm tù) vì tội đồng lõa làm gián điệp. Sự nguy hại của Guillaume được thể hiện qua tuyên bố của quan tòa Herman Muller: “Bằng những hành động có tính toán, tên gián điệp này (Guillaume) đã đặt toàn bộ liên minh phòng thủ phương Tây trước sự đe dọa”.
Năm 1981, hai vợ chồng Guillaume được trở về CHDC Đức trong một cuộc trao đổi những điệp viên bị bắt giữa Béclin và Bonn. Guillaume được phong hàm Đại tá, Christel được phong hàm Trung tá và cả hai đều vinh dự được trao tặng Huân chương Các Mác. Kể từ đó đến khi về hưu Guillaume làm công tác giảng dạy tại trường tình báo của Stasi. Ngày 10/4/1995, Guillaume qua đời vì ung thư thận ở tuổi 68, tại Béclin.