Quốc vương Jordan Abdullah II - một “Chiến vương” quyết đoán
Thế giới - Ngày đăng : 10:33, 08/02/2015
Ngay sau những hành động cương quyết của Quốc vương Abdullah II để trả thù cho viên phi công của nước mình. Quốc vương Abdullah II đã thể hiện sự cứng rắn và quyết đoán của một người dầy dặn kinh nghiệm quân sự trong xử lý khủng hoảng.
Sở dĩ, thế giới gọi ông là “Chiến vương” vì ông đã có 35 năm kinh nghiệm trong hoạt động quân sự.
Quốc vương 53 tuổi của Jordan với bề dầy kinh nghiệm quân sự được đầu tư học tập chủ yếu ở phương Tây. Năm 1980, ông theo học Học viện Quân sự Hoàng gia Sandhurst và được phong hàm Thiếu úy trong quân đội Anh. Năm 1982, ông tiếp tục hoàn thành khóa học về Trung Đông tại Đại học Pembroke ở Oxford. Không dừng ở đó, ông còn theo học ngoại giao tại Đại học Georgetown Edmund A. Walsh năm 1987.
Ông từng là phi công điều khiển trực thăng tấn công Cobra và là chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Jordan năm 1993. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1998.
Quốc vương Abdullah II có 35 năm kinh nghiệm trong hoạt động quân sự
Tháng 2 năm 1999, sau khi cha ông, vua Hussein qua đời, ông chính thức lên ngôi trị vì vương quốc thay cha.
Vợ ông, hoàng hậu Rania, 44 tuổi là một người Kuwait gốc Palestine, cũng là người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong quốc gia có đến gần nửa số dân gốc Palestine. Họ có 4 người con, Thái tử Hussein, Công chúa Iman, Salma và Hoàng tử Hashem.
Nhận xét về vị “Chiến vương” đáng nể này, Jon Alterman, Giám đốc chương trình Trung Đông của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế nói, "Nhà vua rất nghiêm túc về vai trò là một vị tướng của mình". Ông nhấn mạnh, quốc vương không bao giờ ra lệnh khi đang ngồi trong một chiếc xe sang trọng, mà ông luôn làm điều đó khi ngồi trên trực thăng Black Hawk. Ông luôn là người trực tiếp chỉ huy các cuộc đột kích khủng bố.
Quốc vương luôn là người chỉ huy trực tiếp các cuộc đột kích khủng bố
Trong 16 năm cầm quyền của quốc vương Abdullah II, thời điểm này có lẽ là thời điểm quốc vương phải đối mặt với những thách thức khó khăn nhất.
Tối 3/2, IS tung video thiêu sống viên phi công Moath al-Kasasbeh, khi đó, quốc vương Abdullah đang trong chuyến thăm Mỹ nhưng ông lập tức trở về nước trong đêm đó và tuyên bố sẽ tiến hành một “cuộc báo thù mà IS chưa từng thấy”.
Sáng sớm 4/2, Jordan lập tức hành hình hai chiến binh jihad của Iraq, trong đó có Sajida al-Rishawi, kẻ IS trước đó ra yêu sách đòi trả tự do.
Sáng 5/2, hàng chục chiến đấu cơ của Jordan đã tiến hành những trận không kích dữ dội vào các kho đạn dược và các trại huấn luyện của IS, khiến 55 chiến binh thánh chiến IS thiệt mạng.
Nhận định về quyết định này của quốc vương Abdullah, Mohammad Abu Rummaneh, một nhà nghiên cứu tại Đại học Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Jordan nói "Quốc vương Abdullah rất thực tế khi đối mặt với khủng hoảng".
Còn Robert Danin, một thành viên cao cấp tại Hội đồng Nghiên cứu Đối ngoại Trung Đông tại Mỹ cũng nhận định, hành động của ông là một hành động quyết đoán và nhanh chóng. Việc ngay lập tức hành hình 2 kẻ khủng bố sau đó tiến hành chiến dịch không kích thể hiện ông coi mối đe dọa của IS là vô cùng nghiêm trọng và không thể chấp nhận được. "Quốc vương Abdullah hiểu rõ IS là mối đe dọa với vương quốc và trật tự trong khu vực Trung Đông", ông Robert Danin nói.
Jordan là nước thành viên của liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu. Jordan cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều quốc gia như Mỹ, các nước vùng vịnh nhiều dầu mỏ.
"Chiến vương" Jordan, một người quyết đoán và mạnh mẽ
Về quân đội, quốc gia 6 triệu dân này đứng thứ 67 trong xếp hạng quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Các chuyên gia quốc phòng nhận xét, vị trí này không phải là vị trí cao trong bảng xếp hạng, tuy nhiên, Jordan vẫn có khả năng áp đảo IS.
Với hơn 110.700 lính chính quy, 65.000 lính dự bị, 1.321 xe tăng và 4.600 xe chiến đấu bọc thép trong lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, Jordan 246 máy bay, trong đó có 74 máy bay chiến đấu và 24 trực thăng tấn công trong hạm đội không quân và 1,5 tỷ USD ngân sách dành cho quốc phòng. Jordan thể hiện, mình xứng đáng là một quốc gia hùng mạnh và đáng nể.
Alterman cho biết, “Jordan có khả năng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn chỉ với số lượng lính tinh nhuệ ít nhưng sức mạnh ngang bằng với một số quân đội tốt nhất trên thế giới.”