PV nhà báo điều tra thoát nạn vụ Charlie Hebdo: “Nếu không thích, đừng đọc!”
Thế giới - Ngày đăng : 13:30, 03/02/2015
Laurent Leger là nhà báo điều tra đã may mắn thoát nạn trong vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo hôm 07/01. Trong cuộc phỏng vấn dành riêng Thời báo Hindustan, ông đã đưa ra quan điểm của mình về quyền tự do báo chí cũng như chia sẻ nhiều về thời khắc kinh hoàng đã qua.
Laurent Leger là nhà báo điều tra đã may mắn thoát nạn trong vụ tấn công tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo hôm 07/01.
Ông đã ở đâu khi vụ tấn công Charlie Hebdo xảy ra?
Nhà báo Laurent Leger: Tôi ở trong phòng. Chúng tôi sắp kết thúc cuộc họp ban biên tập. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng gì đó mà nghĩ đó là pháo nổ. Tôi trở ra cửa thì một người đàn ông mang súng đeo mặt nạ đi vào và nói "Allah-o-Akbar" (Chúa vĩ đại) ít nhất hai lần. Tôi gần như không có thời gian để suy nghĩ xem chuyện gì đang xảy ra thì anh ta bắt đầu nã đạn. Tôi đứng dậy và nấp dưới một chiếc bàn nhỏ. Bản năng sinh tồn này đã cứu tôi.
Tất cả đồng nghiệp của tôi đều nằm trên sàn nhà. Tôi cảm thấy cái khoảnh khắc kinh khủng ấy rất dài, nhưng thực tế nó chỉ diễn ra vài phút. Sau đó là không gian im lặng bao trùm. Tôi nghe thấy tiếng bước chân và tiếng tay súng ấy nói bằng tiếng Pháp với một người khác. Tôi nghe hắn nói với một người phụ nữ: “Chúng tôi sẽ không giết phụ nữ”, nhưng cuối cùng chúng đã giết một người trong phòng họp.
Rồi chúng đi và chúng tôi có thể nghe thấy tiếng súng trên đường phố. Khi tôi hiểu ra rằng chúng đã ra khỏi phòng, tôi đã không ra ngoài ngay lập tức vì chúng vẫn tiếp tục nã súng bên ngoài. Đó là một cảnh tượng đáng sợ.
Vậy khi đó mọi người đã thảo luận những gì?
Nhà báo Laurent Leger: Chúng tôi bàn bạc về cuốn sách của nhà văn Michel Houellebecq (tác giả của “Hạt cơ bản” - PV) đã xuất bản tuần trước đó - cuốn tiểu thuyết nói về tương lai nước Pháp sẽ bị thống trị bởi người Hồi giáo vào năm 2022. Một số người nói rằng cuốn sách ấy tiên đoán tương lai, rằng đó là một cuốn tiểu thuyết hay và thú vị, còn những người khác thì cho rằng nó phục vụ tư tưởng của phe cực tả. Chúng tôi cũng nói về thánh chiến Hồi giáo nữa.
Hình ảnh hai tay súng tấn công tòa soạn Charlie Hebdo hôm 07/01
Các ông giải quyết công việc hiện nay như thế nào?
Nhà báo Laurent Leger: Chúng tôi rất bận. Chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ. Chúng tôi gặp nhau rất nhiều và điều ấy giúp chúng tôi có thể an ủi lẫn nhau. Đến thời điểm này, tôi cũng thấy đã ổn hơn ít nhiều, nhưng tôi sợ những gì sẽ xảy ra sau đó khi sự cô đơn quay trở lại, khi chúng tôi một mình suy nghĩ về những người đã ra đi, những người bị thương. Lúc ấy mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn.
Có vẻ như đó là điều ảo tưởng?
Nhà báo Laurent Leger: Đúng vậy. Đó là sự ảo tưởng. Thậm chí dù việc an táng những nạn nhân giúp bạn nhận ra chuyện gì đã xảy ra. Nhưng mọi chuyện xảy ra quá nhanh và quá tàn bạo đến nỗi chúng tôi biết thật khó để hiểu được mọi chuyện. Chúng tôi vẫn băn khoăn làm thế nào mà chúng tôi có thể chạy lại tạp chí khi không có những người đồng nghiệp của mình. Vì thế chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm ra cách giải quyết việc này. Chúng tôi cảm thấy đơn độc.
Nhưng ấn phẩm đặc biệt của Charlie Hebdo đã phá vỡ mọi kỷ lục của các tạp chí tại Pháp.
Nhà báo Laurent Leger: Mọi chuyện thật kỳ diệu, mặc dù ở Charlie Hebdo, chúng tôi không bao giờ tin vào phép lạ! Từ một tạp chí chỉ có vài chục nghìn độc giả, chúng tôi đã trở thành tờ báo có hàng triệu người đọc quan tâm. Chúng tôi đã bán được khoảng 7 - 8 triệu bản. Đó là con số khổng lồ. Chúng tôi chưa từng thấy một tạp chí nào bán được nhiều thế ở Pháp cho đến bây giờ.
Vấn đề đang bị đe dọa là tự do ngôn luận, chỉ đơn giản là tự do. Đó là cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, sự cuồng tín, và chủ nghĩa cực đoan. Những kẻ thực hiện những hành động này (tấn công khủng bố) không theo đạo Hồi. Họ là những kẻ đã bị tẩy não, bị điều khiển. Không có gì cho thấy có sự liên quan đến thế giới Hồi giáo một cách rõ ràng.
Hình ảnh 8 nạn nhân trong vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo
Có nhiều cuộc tranh luận xung quanh những bức tranh biếm họa của Charlie Hebdo. Có khi nào các ông cũng tự đặt cho mình những câu hỏi về tinh thần chung của những tờ báo trong tương lai?
Nhà báo Laurent Leger: Không. Đối với chúng tôi, tất cả những điều này đều rõ ràng. Chúng tôi đã làm việc trong nhiều năm với tất cả các tôn giáo, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc đó. Còn dù sao chăng nữa, mua tạp chí của Charlie Hebdo không phải là việc bắt buộc.
Một số người nói rằng nhạo báng tôn giáo của một cộng đồng người mà họ cảm thấy bị “chèn ép” ở Pháp không giống như việc châm biếm đạo Thiên Chúa, hay chế giễu một nhà nước hoặc lực lượng cảnh sát.
Nhà báo Laurent Leger: Không. Điều này hoàn toàn sai lầm. Lịch sử nước Pháp chỉ ra rằng trong nhiều thế kỷ, nhà nước và giáo hội đã chiến đấu với nhau và cuối cùng nhà nước đã đẩy tôn giáo ra khỏi tầm ảnh hưởng của công chúng. Năm 1905, pháp luật tách biệt giáo hội và nhà nước đã được ban hành.
Còn về vấn đề phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử? Thủ tướng Manuel Valls nói có “một sự phân biệt lãnh thổ, xã hội, dân tộc” ở Pháp.
Nhà báo Laurent Leger: Chúng tôi luôn luôn chiến đấu chống lại phân biệt chủng tộc, tư tưởng bài ngoại. Chúng tôi chiến đấu cho các giá trị mang đặc trưng của nền cộng hòa, đó là sự khoan dung và cùng nhau chung sống. Chúng tôi đã giúp các hiệp hội những người làm việc với những người nhập cư. Chúng tôi bảo vệ thiểu số. Chúng tôi là một tạp chí rất nữ quyền. Chúng tôi bảo vệ quyền của phụ nữ, quyền của người đồng tính, và người nhập cư.
Nhiều xuất bản phẩm và các kênh truyền thông của Ấn Độ đã không cho đăng trang bìa của Charlie Hebdo.
Nhà báo Laurent Leger: Đây là những phương tiện truyền thông không miễn phí, và họ chấp nhận không được tự do. Đó là việc của họ.
Tự do ngôn luận thừa nhận không có sự hạn chế. Nếu chúng ta nói rằng chúng ta được tự do, nhưng chúng ta sẽ không làm điều này hay điều kia, thì đến một ngày nào đó chúng ta sẽ đi tới đỉnh điểm là sẽ chẳng làm được gì cả bởi vì chúng ta không thể nói bất cứ điều gì. Tại Pháp, tự do ngôn luận được bảo vệ bởi luật pháp, tự do châm biếm được cho phép.
Vậy ý tưởng về “tinh thần trách nhiệm” trong sự hài hước làm ông khó chịu?
Nhà báo Laurent Leger: Nếu mọi người không muốn đọc tờ báo chỉ trích tôn giáo, thì họ không nên đọc nó. Không ai có nghĩa vụ phải đọc nó. Những người nghĩ rằng tất cả các tôn giáo, sự cuồng tín có thể bị chỉ trích, chỉ họ mới nên đọc. Nếu họ không thoải mái với điều này thì họ không nên đọc.