Thợ lặn Nga, Mỹ, Indonesia: Ai sẽ tìm được QZ8501 đầu tiên?
Thế giới - Ngày đăng : 12:28, 03/01/2015
Người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia
Thông tin từ người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia, FHB Soelistyo cho biết, một phương tiện dưới nước được điều khiển từ xa đã phát hiện và chụp lại được hai vật thể lớn ở trong khu vực Vịnh Kumai.
Hai vật thể được cho là một phần của chiếc máy bay AirAsia QZ8501 đã được phát hiện ở độ sâu 30 mét. Kích thước vật thể đầu tiên là 9.2 x 4.6 mét, và thứ hai có kích thước 7,2 x 0,5 mét.
Ngay sau khi phát hiện ra vật thể trên một đội thợ lặn của Indonesia, Mỹ đã được triển khai cách đó khoảng 1.500 hải lý.
Đoàn chuyên gia và thợ lặn Nga đến Indonesia
Thông tin khác cho biết, Nga đã chính thức cử một nhóm chuyên gia gồm 72 quân nhân chuyên nghiệp, trong đó có 22 thợ lặn của hải quân nước này tới Indonesia và sẽ có mặt tại địa điểm tìm kiếm trong chiều nay (3/1). Nga cũng đã gửi máy bay Beriev Be-200 và máy bay vận tải Ilyushin II-76. Beriev Be-200 được cho là một máy bay lội nước tiên tiến. Nó sẽ giúp tìm kiếm thi thể nạn nhân một cách hiệu quả.
Theo đoàn chuyên gia Nga, đội thợ lặn của họ sẽ cố gắng tìm ra thân máy bay QZ8501 một cách nhanh nhất. Nói về 22 thợ lặn, ông Eduard N Chizhov, người dẫn đầu đoàn trợ giúp của Nga cho biết: “Họ có rất nhiều kinh nghiệm. Có thể làm việc và lặn ở bất kỳ độ sâu nào”.
Bên cạnh đó hai thủy phi cơ mà Nga đã mang đến Indonesia là máy bay BE 200 và IL-76. Trong máy bay có một thiết bị đặc biệt được gọi là chim ưng. "Thiết bị này có thể tìm kiếm và tìm các bộ phận của máy bay trong đại dương một cách hiệu quả" ông Eduard nhấn mạnh.
Thủy phi cơ của Nga
Trong khi đó, hải quân Mỹ cũng đã có đội thợ lặn tham gia từ ngày thứ 3 của cuộc tìm kiếm QZ8501. Nước chủ nhà cũng điều 47 thợ lặn chuyên nghiệp của hải quân phối hợp với thợ lặn các nước để tìm kiếm thân máy bay gặp nạn.
Tuy nhiên cho đến thời điểm sáng ngày 3/1, các thợ lặn vẫn chưa thể tiếp cận vị trí nghi có vật thể lớn vì thời tiết biển vẫn chưa ổn định.