10 năm, nước mắt vẫn rơi sau thảm họa sóng thần
Thế giới - Ngày đăng : 09:56, 27/12/2014
Thảm họa toàn cầu
26/12/2004, một ngày đau thương, tang tóc khi 220.000 người thiệt mạng trong thảm họa sóng thần quyét qua 14 quốc gia. Thảm họa này là kết quả của một trận động đất mạnh 9,3 độ richter xảy ra tại miền Tây Indonesia.
Trong 14 quốc gia bị ảnh hưởng có Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka và Somali. Đây là trận sóng thần khiến nhiều người chết nhất trong 600 năm qua. Không những thế, thảm họa còn khiến hơn 1,8 triệu người mất nhà cửa. Sóng thần còn tàn sát đến những quốc gia châu Phi như: Somalia, Madagascar, Nam Phi và tàn phá đến tận Australia hay đảo Réunion thuộc Pháp.
Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla phát biểu tại lễ tưởng niệm
Sóng thần tàn phá ghê gớm trên suốt 5 nghìn km di chuyển trên đại dương khi có hàng ngàn du khách nước ngoài đến các quốc gia này du lịch dịp lễ Giáng Sinh, khiến thảm họa này trở thành thảm họa chung của toàn nhân loại.
Sau thảm họa, các nước trên thế giới cùng chung tay quyên góp số tiền lên đến 13,5 tỷ USD để giúp người dân tái thiết cuộc sống. Trong đó, 7 tỷ USD đã được đầu tư xây dựng 140.000 ngôi nhà, hàng nghìn km đường, nhiều trường học và bệnh viện tại tỉnh Aceh, Indonesia.
Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sóng thần xuyên đại dương được xây dựng để đối phó với những thảm họa tương tự.
Sau 10 năm, nỗi đau vẫn còn đó
Trong buổi lễ công viên ở thành phố Banda Aceh, Indonesia, dàn đồng ca hát vang bản quốc ca khai mạc lễ tưởng niệm chính thức - nơi đây là nơi gần tâm chấn của trận động đất nhất và đã từng phải hứng chịu những đợt rung lắc dữ dội kèm theo những con sóng khổng lồ cao đến 35m. Phó Tổng thống Indonesia, Jusuf Kalla phát biểu, “Hàng nghìn xác người nằm ngổn ngang tại công viên này. Những giọt nước mắt khi đó đã rơi cùng cảm giác lo lắng, sốc, đau khổ, cam chịu và sợ hãi.” Ông tiếp “bằng chính sự nỗ lực tuyệt vời cùng với sự hỗ trợ của người dân cả nước và trên toàn thế giới, mọi người đã gượng dậy và dần phục hồi”.
Người dân tỉnh Aceh, Indonesia cầu nguyện cho những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa
Ngoài ra, các Nhà thờ Hồi giáo tại tỉnh Aceh cũng tổ chức các lễ cầu nguyện vào sáng 26/12. Nhiều người dân Indonesia cũng đã đến viếng các ngôi mộ tập thể, nơi yên nghỉ của phần lớn trong số 170.000 người Indonesia bị thiệt mạng do sóng thần năm 2004.
Miền Nam Thái Lan có khoảng 5.300 người thiệt mạng thì một nửa trong số đó là du khách nước ngoài. Một nhóm các nhà tổ chức du lịch tập trung tại khu tưởng niệm ở làng Ban Nam Khem để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số trong thảm họa. Một nửa cư dân trong làng Ban Nam Khem đã thiệt mạng khi những đợt sóng lớn kèm theo đất đá, các mảnh vụn tràn vào làng cuốn trôi xe cộ, tàu thuyền.
Ông Raymond Moor, một người Thụy Sỹ kể lại, khi ông ngồi ăn sáng với vợ, ông đã thấy điều gì đó bất thường. Một vạch màu trắng xuất hiện ở đường chân trời và tiến nhanh về hướng bờ biển. “Tôi bảo vợ tôi phải chạy thật nhanh nếu muốn sống sót vì đó không phải là một con sóng mà là cả một mảng tường màu đen”, ông Moor mô tả giây phút kinh hoàng đó giống như “bị quay tròn trong máy giặt”. “Một phụ nữ Thái ở khách sạn đã cứu mạng tôi bằng cách kéo tôi lên ban công. Nhưng sau đó cô ấy lại chết” ông Moor kể trong nước mắt. Rất may, vợ ông cũng sống sót sau thảm họa này.
Hai con trai của bà Somjai Somboon, 40 tuổi đã bị sóng cuốn trôi và thiệt mạng. Cho tới bây giờ, hàng ngày bà vẫn nhớ các con, 10 năm trôi qua, nhưng bà vẫn chưa thể vượt qua được nỗi mất mát đó.
Trong khi đó, Hoàng gia Thụy Điển và những thân nhân của các nạn nhân sẽ dự lễ tưởng niệm tại Nhà thờ Uppsala vào chiều nay (26/12). Thụy Điển là nước có 543 người thiệt mạng.
Con tàu Ocean Queen Express vừa được phục hồi để đến Peraliya, Sri Lanka, nơi có 31.000 người thiệt mạng. Chuyến tàu này đã từng chở khoảng 1.700 người và bị sóng thần cuốn trôi năm 2004.
Ông Kofi Annan, Tổng thư ký Liên hợp quốc khi đó đã từng nói, phải mất ít nhất 10 năm để khắc phục hậu quả thảm họa kinh hoàng này. Và giờ đây, sau 10 năm, cuộc sống tại những “vùng đất chết” đang dần hồi sinh để đón nhận những điều tốt đẹp của cuộc sống phía trước.
Viên cảnh sát đặt hoa tỏ lòng thương tiếc trước ngôi mộ tập thể các nạn nhân tại tỉnh Aceh
Con tàu Ocean Queen Express tại Sri Lanka - trở thành biểu tượng của thảm họa này
Sinh viên Thái Lan đắp tác phẩm cát tưởng niệm nạn nhân tại bãi biển Patong, tỉnh Phuket
Người dân Thái Lan tưởng nhớ hàng ngàn người dân và du khách du lịch thiệt mạng trong thảm họa