'Chat' với chuyên gia bình luận quốc tế: Dường như cuộc chiến tranh lạnh mới đã quay trở lại
Thế giới - Ngày đăng : 20:34, 30/11/2014
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine đã lên tới đỉnh điểm. Các cuộc giao tranh tại quốc gia này khiến cho hàng nghìn dân thường thiệt mạng, đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đặc biệt có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh đẫm máu.
Là những quốc gia có ảnh hưởng và chịu tác động từ tình hình Ukraine hiện nay, liệu rằng quan hệ giữa Nga - Mỹ và các nước phương Tây sẽ ra sao? Những quốc gia nào chịu nhiều thiệt hại và hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng này? Khủng hoảng chính trị tại Ukraine sẽ tác động như thế nào đến khả năng giành chiến thắng của Tổng thống Vladimir Putin trong nhiệm kỳ thứ tư?
Xin mời các bạn theo dõi cuộc trò chuyện với PGS.TS. Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
PGS.TS. Phạm Quang Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
PV: Để độc giả có thể hiểu rõ hơn tình hình Ukraine hiện nay, ông có thể lý giải nguyên nhân và những sự kiện chính dẫn đến cuộc khủng hoảng đang ngày càng leo thang tại nước này?
PGS.TS. Phạm Quang Minh: Cho đến nay, cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đạt đến đỉnh điểm. Nguyên nhân sâu xa của khủng hoảng này là cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng ở khu vực “không gian hậu Xô viết” ở hai cấp độ: một là, mâu thuẫn giữa Liên bang Nga và các nước phương Tây, bao gồm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) và hai là, mâu thuẫn giữa các lực lượng bên trong Ukraine. Tôi cho rằng, nếu như phương Tây không thực hiện chiến lược mở rộng phạm vi và ảnh hưởng về phía đông, không đẩy Nga vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, thì chưa chắc đã có cuộc khủng hoảng này. Chính phương Tây phải chịu một phần trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay.
Để cuộc khủng hoảng bị đẩy lên đỉnh điểm như hiện nay có thể kể đến một số sự kiện chính sau.
Trước hết đó là việc Chính phủ Ukraine có chủ trương muốn gia nhập EU và NATO. Ukraine là một trong những quốc gia thuộc “không gian hậu Xô viết” có tiềm năng lớn, có vị trí địa chiến lược quan trọng án ngữ cánh cửa phía tây của nước Nga, con đường trung chuyển nguồn dầu mỏ và khí đốt giữa Nga và các nước thuộc EU.
Bởi vậy, trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh, khi EU và NATO thực hiện chiến lược mở rộng về phía đông nhằm thu hẹp ảnh hưởng của nước Nga đã tạo ra sự mâu thuẫn trong nội bộ Ukraine, giữa một bên là những người ủng hộ phương Tây và một bên là những người ủng hộ đường lối thân Nga.
Được sự ủng hộ của các nước phương Tây, lực lượng thân phương Tây đã buộc Tổng thống đương nhiệm khi đó Viktor Yanukovych - người có đường lối thân Nga - phải từ bỏ vị trí của mình và chạy sang tị nạn tại nước Nga. Một chính phủ thân phương Tây được thiết lập ở Kiev đã làm cho khủng hoảng bên trong và bên ngoài Ukraine thêm sâu sắc.
Trước thách thức này từ phương Tây, Liên bang Nga đã có những hành động đáp trả rất cứng rắn như: không ký tiếp thỏa thuận cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho các nước phương Tây với lý do Ukraine chưa trả gần 2 tỷ USD tiền nợ đến kỳ, khi mà nền kinh tế của nước này gần như phá sản.
Ngoài ra, Liên bang Nga cũng lên án chính phủ Kiev đã có sự đối xử bất bình đẳng với những công dân Nga sinh sống ở Ukraine, nhất là ở khu vực bán đảo Crime và miền đông Ukraine.
Một trong những cuộc biểu tình phản đối chính phủ xảy ra trên diện rộng tại Ukraine
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi Liên bang Nga quyết định sát nhập bán đảo Crime vào lãnh thổ của Nga thông qua một cuộc trưng cầu dân ý với hơn 90% người dân được hỏi đều bày tỏ nguyện vọng được trở thành công dân của nước Nga.
Đáp trả lại, các nước phương Tây phản đối và đưa ra những biện pháp kinh tế trừng phạt Nga. Ngay sau đó, Liên bang Nga đã nhanh chóng biến Crime thành một đơn vị hành chính của mình. Như một phản ứng dây chuyền, kết quả trưng cầu dân ý ở Crime đã tác động mạnh mẽ đến miền đông Ukraine - nơi cũng có nhiều người Nga sinh sống và quan hệ giữa chính quyền Kiev và miền đông này đã vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.
Các cố gắng của chính quyền Kiev nhằm ổn định tình hình ở miền Đông Ukraine đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của chính quyền địa phương, dẫn đến những cuộc xung đột quân sự làm hàng nghìn người chết và bị thương. Mặc cho một cam kết ngừng bắn đã được ký kết, nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn.
Được sự hỗ trợ của Liên bang Nga, hai vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk tuyên bố thành lập nhà nước cộng hòa tự trị và tổ chức bầu cử riêng. Đáp trả lại hành động này, chính quyền Kiev quyết định ngừng cung cấp các dịch vụ công cho miền đông của Ukraine. Các nước phương Tây tiếp tục mở rộng lệnh trừng phạt và cấm vận đối với Liên bang Nga.
Đến thời điểm này, có thể nói rằng lệnh ngừng bắn tạm thời đã sụp đổ hoàn toàn. Không bên nào nghiêm túc thực hiện thỏa thuận đó, giao tranh vẫn liên tiếp diễn ra và khả năng xung đột mở rộng là rất cao. Đặc biệt, vụ chiếc máy bay MH-17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi trên không trung của Ukraine, gây ra cái chết của hơn 300 hành khách, mà chưa một bên nào đứng ra nhận trách nhiệm, đã làm cho xung đột Ukraine càng thêm “bí hiểm”.
Như vậy, cho đến nay, khủng hoảng Ukraine đã leo thang trở thành một điểm nóng của thế giới và chưa có biểu hiện của sự hạ nhiệt. Những cuộc giao tranh giữa những người ở miền đông Ukraine có sự hỗ trợ của Nga và chính quyền Kiev được phương Tây ủng hộ, đã khiến cho hàng nghìn người chết và bị thương, đời sống của dân thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng và đặc biệt có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh đẫm máu.
PV: Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ gây ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa Nga - Mỹ và các nước phương Tây? Liệu rằng có thể xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ 2 hay không, khi mà không chỉ khủng hoảng Ukraine mà còn cả khủng hoảng tại Syria, theo ông dự đoán?
PGS.TS. Phạm Quang Minh: Sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt (năm 1989), đã từng có một thời kỳ rất tốt đẹp trong mối quan hệ giữa Nga - Mỹ và các nước phương Tây. Thậm chí Nga đã gia nhập cơ chế G8 và là quan sát viên trong cơ chế hợp tác an ninh - chính trị Nga - NATO. Mặc dù có một số khác biệt, nhưng về cơ bản quan hệ Nga - phương Tây và Mỹ nhìn chung là tốt.
Tuy nhiên, với khủng hoảng Ukraine, có thể nói rằng “dường như một cuộc chiến tranh lạnh mới đã quay trở lại” với Nga và các nước phương Tây. Trong cuộc họp G20 tại Australia vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã rời hội nghị về sớm hơn so với dự định và cho rằng các nước phương Tây đã thể hiện thái độ “lạnh nhạt”, không thiện chí, thiếu xây dựng đối với nước Nga.
Quan hệ Nga - Mỹ ngày càng lạnh nhạt và có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa hai quốc gia này và các nước phương Tây?
Nếu hai bên không thể dung hòa được sự khác biệt về quan điểm trong khủng hoảng Ukraine, thì khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh trong tương lai là rất lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây sẽ là một cuộc chiến tranh không chính thức và không công khai giữa Nga và các nước phương Tây, và giữa hai lực lượng, một bên là chính phủ Kiev và bên kia là miền đông Ukraine. Nga sẽ dùng hình thức trợ giúp cho các lực lượng thân Nga ở phía đông Ukraine để gây ra tình trạng rối loạn, bất ổn cho Kiev, còn các nước phương Tây sẽ giúp chính phủ Kiev gia tăng sự kiểm soát ở Ukraine. Như vậy là, một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” giống như thời Chiến tranh lạnh, sẽ diễn ra giữa hai lực lượng thân phương Tây và thân Nga ở Ukraine.
Tuy nhiên, xin lưu ý là bắt đầu một cuộc chiến tranh không khó, nhưng để kết thúc một cuộc chiến tranh thì không hề dễ dàng, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Hơn nữa, trong thời đại toàn cầu hóa, có sự phụ thuộc lẫn nhau rất lớn giữa các nền kinh tế. Nga là nước cung cấp tới 30% nhu cầu năng lượng của các nước EU, điều này càng có ý nghĩa khi mùa đông giá buốt đang đến rất gần, EU và Nga cũng là hai đối tác thương mại đầu tư hàng đầu của nhau, vì thế, chắc chắn EU sẽ không mạo hiểm tiến hành một cuộc chiến tranh với Nga.
Còn về phía Nga suy cho cùng họ cũng rất cần đến EU với tư cách là một đối tác kinh tế hàng đầu, có nhiều ưu điểm như sự gần gũi về địa lý, tiềm năng vốn lớn, trình độ phát triển kỹ thuật - công nghệ cao, mô hình phát triển phù hợp, và một số ngành hợp tác chủ chốt như như năng lượng, nông nghiệp, an ninh.
PV: Ông cho rằng bên nào được lợi và bên nào chịu nhiều thiệt hại nhất trong cuộc khủng hoảng Ukraine, đặc biệt là các ông lớn như Nga, Nhật, Mỹ, Trung Quốc?
PGS.TS. Phạm Quang Minh: Đây là một xung đột có tác động nhiều chiều, trong đó, Nga, Ukraine và các nước phương Tây chịu nhiều thiệt thòi nhất. Những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với nước Nga dường như là con dao hai lưỡi, gây thiệt hại không chỉ cho Nga mà chính cả các nước phương Tây khi mà cả hai bên đều là đối tác kinh tế hàng đầu của nhau.
Thiệt hại lớn nhất chính là những người dân đang sống ở vùng phía đông Ukraine, đã có hàng nghìn người chết và bị thương trong cuộc nội chiến tại Ukraine. Đặc biệt, quyết định của Chính phủ Kiev ngừng cung cấp các dịch vụ công khiến cho người dân miền đông Ukraine rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, không có lương ăn, thức uống, sinh hoạt bị ảnh hưởng nặng nề…
Nền kinh tế của nước Nga cũng bị ảnh hưởng một cách trầm trọng, đầu tư của các nước phương Tây vào Nga đã bị suy giảm mạnh, đồng rúp sụt giá 23% so với đồng USD trong 3 tháng qua, nhiều tỉ phú và công ty của Nga bị cấm vận, không được phép đầu tư, trao đổi thương mại với các trung tâm tài chính lớn của châu Âu như London, Paris, Berlin và ngược lại.
Tuy nhiên, bản thân các nước phương Tây cũng bị ảnh hưởng, Nga là một thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản và thực phẩm, trong khi đó, khi lệnh cấm xuất khẩu sang Nga được ban ra, thì kinh tế của chính các nước EU lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài ra, nhiều ngân hàng của các nước EU và Mỹ cũng đã quyết định rời nhân viên của mình khỏi nước Nga khi các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga làm điêu đứng hoạt động kinh doanh, các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây đã đóng sập kênh tiếp cận vốn của các công ty Nga.
Được lợi trong xung đột này chính là những nước ngoài châu Âu, trong đó có thể kể đến Trung Quốc và Nhật Bản. Điển hình là hợp đồng cung cấp dầu mỏ và khí đốt trị giá 400 tỉ USD với thời hạn 30 năm đã được ký giữa Tập đoàn Dầu khí Nga - Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc - CNPC.
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: RIA Novosti
Thứ hai có thể kể đến Mỹ. Khi các nước phương Tây và EU không thể mua dầu mỏ và khí đốt của Nga thì đối tác mà họ tìm tới sẽ là Mỹ. Nước Mỹ đã phải tính đến việc mở các kho dự trữ năng lượng để trợ giúp các dồng minh châu Âu, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phát triển các năng lượng mới. Ngoài ra, các nước khác cũng tranh thủ cơ hội này đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Nga như Nhật Bản, các nước Mỹ Latin, Đông Nam Á, nhằm bù đặp các mặt hàng tiêu dùng, nông sản mà các nước phương Tây đã trừng phạt nước nước Nga.
PV: Xin hỏi ông một câu chuyện ngoài lề. Ông Vitali Klitschko, người đứng đầu cuộc lật đổ cựu Tổng thống Ukraine nhưng sau đó lại không ra tranh cử Tổng thống mà chỉ ra tranh cử chức Thị trưởng Kiev. Theo ông, liệu có nước cờ chính trị nào ở đây hay không?
PGS.TS. Phạm Quang Minh: Như các bạn biết, ông Vitali Klitschko là một vận động viên vô địch quyền Anh nhà nghề hạng nặng rất nổi tiếng. Mặc dù có uy tín cao trong lĩnh vực thể thao, nhưng về mặt chính trị, theo tôi không có nhiều uy tín lắm, không có nhiều sự ủng hộ, phạm vi ảnh hưởng vì thế cũng hạn chế. Vì vậy, trong cuộc đua vừa rồi, anh em nhà Klistcho không giành được sự ủng hộ, hoặc cũng có thể họ không đặt mục tiêu tham gia vào nền chính trị của Ukraine mà chỉ dừng ở cấp độ thành phố. Tôi cho rằng “chiến thuật” này rất phù hợp vì họ khó có thể cạnh tranh được với những ứng cử viên nặng ký trong nền chính trị Ukraine từ trước.
PV: Tổng thống Vladimir Putin dự định sẽ ra tranh cử chức Tổng thống lần thứ tư vào năm 2018. Theo ông, với tình hình khủng hoảng Ukraine đang ngày càng leo thang thì liệu ông có cơ hội giành chiến thắng?
PGS.TS. Phạm Quang Minh: Có thể nói rằng nền chính trị của nước Nga có những điểm riêng đặc biệt, trở thành người kế nhiệm của Tổng thống Boris Yeltsin vào năm 2000, ông Vladimir Ilyich Putin là hình mẫu lý tưởng trong nền chính trị Nga. Với khả năng lãnh đạo tốt, từ năm 2000 - 2008, Tổng thống V.I. Putin đã khôi phục vị thế cường quốc của nước Nga sau giai đoạn khủng hoảng dưới thời Tổng thống Yeltsin.
Hiện nay, uy tín của Putin vẫn không giảm vì bất chấp những biện pháp trừng phạt của phương Tây, ông vẫn không hề chùn bước, mà ngược lại còn thể hiện sự kiên quyết hơn và tìm cách tăng cường quan hệ với các nước ngoài EU như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN…Tuy nhiên, những quyết định của ông Putin trong ứng xử với khủng hoảng Ukraine lại đang gây ra những phản ứng trái chiều.
Tổng thống V.I. Putin đang để ngỏ khả năng tranh cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ tư
Một mặt, vẫn có một số lượng người nhất định ủng hộ đường lối cứng rắn của ông Putin. Theo họ, đường lối này là đúng đắn vì nước Nga không thể để cho các nước phương Tây lấn lướt. Những người ủng hộ Putin cũng cho rằng các nước phương Tây đã liên kết với nhau để chèn ép, “bắt nạt” nước Nga và đây là cơ hội tốt để nước Nga chuyển hướng chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương năng động hơn.
Tuy nhiên, có một bộ phận dân chúng không đồng tình với Tổng thống Putin và cho rằng phản ứng mạnh mẽ và cứng rắn của ông chỉ làm giảm uy tín của nước Nga trên trường quốc tế, làm cho nước này bị cô lập.
Thứ hai, việc ra tranh cử Tổng thống lần thứ tư của Putin là hoàn toàn đúng về mặt hiến pháp. Tuy nhiên, việc đảm nhiệm tổng cộng ba nhiệm kỳ Tổng thống với một nhiệm kỳ Thủ tướng xen giữa, có thể sẽ khiến nhiều người băn khoăn vì việc nắm quyền lãnh đạo quá lâu của một người có thể sẽ dẫn tới sự bảo thủ, trì trệ trong nền chính trị của quốc gia. Tuy nhiên, vì hiện tại cũng chưa có ứng cử viên nào sáng giá hơn trong cuộc chạy đua vào điện Kremlin, nên tôi dự đoán là Tổng thống Putin vẫn sẽ giành được thắng lợi để tiếp tục đảm nhiệm cương vị tổng thống trong nhiệm kỳ thứ tư sắp tới.
PV: Vậy nếu giành thắng lợi thì liệu Tổng thống V. Putin có tiếp tục theo đường lối cứng rắn hay sẽ có chủ trương ôn hòa hơn, theo ông?
PGS.TS. Phạm Quang Minh: Điều này còn phụ thuộc vào tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, đặc biệt là phản ứng của các nước phương Tây. Là một người kiên quyết, mạnh mẽ, nếu phương Tây tiếp tục đường lối cứng rắn và áp dụng các lệnh trừng phạt lên Moscow thì tôi cho rằng Tổng thống Putin cũng sẽ không thay đổi mà kiên định chủ trương, đường lối của mình.
Bên cạnh đó, sự phản ứng của người dân đối với chính quyền của Tổng thống Putin cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của ông. Tôi cho rằng lực lượng không ủng hộ cũng không phải nhỏ.
Ngày 24/11 vừa qua, Tổng thống Putin đã phát biểu rằng các nước phương Tây đang thực hiện một cuộc “cách mạng màu” tại nước Nga - một cuộc cách mạng tương tự như đã diễn ra ở các nước Đông Âu và Gruzia dưới sự ủng hộ của phương Tây. Nếu có, tôi cho rằng đây một chiêu bài khôn ngoan của phương Tây và có thể gây nguy hiểm đối với sự cầm quyền của Tổng thống Putin.
Bởi việc sử dụng lực lượng từ bên trong, tiến hành các cuộc biểu tình gây ra sự bất ổn trong nước khiến cho nước Nga khó lòng hướng chính sách của mình ra bên ngoài mà phải dồn lực lượng của mình vào bên trong.
Như chúng ta đã biết, nước Nga là một quốc gia Liên bang với 89 đơn vị hành chính bao gồm các nước cộng hòa, cộng hòa tự trị, các vùng và khu hành chính hết sức đa dạng với hàng trăm dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Nga là lớn nhất.
Trong lịch sử đã có nhiều mâu thuẫn xảy ra giữa chính quyền Moscow và các địa phương, giữa dân tộc Nga và các dân tộc khác. Phong trào ly khai ở Chechnya là một ví dụ điển hình của mối quan hệ phức tạp giữa trung ương và địa phương, giữa dân tộc Nga và dân tộc thiểu số, trong một nhà nước liên bang đa sắc tộc. Tôi cho rằng đây chính là điểm yếu của nước Nga mà các nước phương Tây sẽ rất dễ lợi dụng.
Xin cảm ơn ông!