Tổng thư ký LHQ lên tiếng bảo vệ nhân viên cứu trợ trở về từ vùng dịch Ebola

Thế giới - Ngày đăng : 21:01, 05/11/2014

Theo BBC, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon chỉ trích dữ dội việc các bang ở Mỹ ra lệnh cách ly các nhân viên y tế trở về từ Tây Phi. Ông nhấn mạnh hành động này là "không thể chấp nhận được”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon khẳng định những nhân viên cứu trợ đối phó với cuộc khủng hoảng Ebola là "những người đặc biệt".

Phát biểu với BBC News tại Nairobi ông nêu rõ quan điểm, những quy định kiểm dịch nghiêm ngặt và các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với những người trở về từ vùng dịch Ebola làm cản trở nỗ lực cứu trợ của những nhân viên y tế đang làm việc tại đây.

Theo ông, tính đến nay, dịch bệnh Ebola đã cướp đi mạng sống của 300 cán bộ, nhân viên y tế, song các chuyên gia y tế của Liên hợp Quốc đã và đang rất sẵn sàng có mặt tại các quốc gia Tây Phi để giúp dập dịch.

Tổng thư ký LHQ lên tiếng bảo vệ nhân viên cứu trợ trở về từ vùng dịch Ebola

Những nhân viên cứu trợ trở về từ vùng dịch tại Tây Phi cần phải được coi là "những người đặc biệt"

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học trên thế giới đang cố gắng phát triển vắc-xin chống lại dịch bệnh Ebola. Mục tiêu chính của Liên Hợp Quốc bao gồm ngăn chặn virus, tìm kiếm phương pháp điều trị và ngăn ngừa sự lây lan của Ebola, ông Ban cho biết.

Trước đó, Tổ chức thiện nguyện Bác sĩ Không biên giới (MSF) cũng cảnh báo việc các bang ở Mỹ cách ly cưỡng chế nhân viên y tế trở về từ Tây Phi có ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của nhiều bác sĩ, y tá Mỹ đang tình nguyện tham gia chống lại dịch Ebola.

Theo hãng tin Reuters, giám đốc MSF, Sophie Delaunay cho biết “Rất nhiều nhân viên y tế lo ngại không biết mình sẽ bị đối xử như thế nào sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Tây Phi và trở về quê hương”.

Nữ y tá Mỹ, Kaci Hickox, một trong những tình nguyện viên của Tổ chức từ thiện, từng làm việc cho MSF ở Sierra Leone khi điều trị cho bệnh nhân Ebola ở châu Phi. Cô trở về Mỹ và bị yêu cầu cách ly tại nhà. Tuy nhiên, cô đã phớt lờ lệnh cách ly của chính quyền bang Maine khi đạp xe đi chơi trong thị trấn Fort Kent. Cô lập luận rằng biện pháp cách ly này là trái với quyền công dân.

Y tá Hickox cũng cảnh báo sẽ đâm đơn kiện chính quyền bang Maine. Luật sư của cô cho biết, dù đi ra ngoài nhưng Hickox tránh đến những nơi đông người ở khu vực trung tâm thị trấn để không gây hoang mang cho người dân xung quanh. Hickox nên phối hợp với các cơ quan y tế để có thể tiếp tục được theo dõi. Bên cạnh đó, cô phải báo cáo bất kỳ triệu chứng nào xảy ra.

Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, chính sách phòng chống và kiểm dịch Ebola không được gây khó khăn cho những nhân viên y tế trong việc tiếp tục cứu chữa bệnh nhân Ebola tại Tây phi.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến nay, đã có hơn 6.000 người bị nhiễm bệnh Ebola, chủ yếu ở các nước Liberia, Guinea và Sierra Leone, trong đó hơn 2.900 người đã tử vong. WHO cảnh báo, nếu không sớm được ngăn chặn, chỉ đến đầu tháng 11 tới, căn bệnh Ebola sẽ tăng tới không dưới 20.000 trường hợp.

Hoàng Kim