Tổng thư ký LHQ kêu gọi bảo vệ báo giới
Thế giới - Ngày đăng : 21:14, 03/11/2014
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon
Nhân dịp này, Tổng thư ký Liên hợp Quốc Ban Ki Moon đã gửi thông điệp tới các quốc gia thành viên và giới báo chí, khẳng định tự do và công khai báo chí luôn là hòn đá tảng của dân chủ và phát triển.
Thực tế hơn 10 năm qua đã có hơn 700 nhà báo trên thế giới bị sát hại chỉ vì một lý do là họ thông tin trung thực cho xã hội biết về sự thật những sự kiện mà họ đang chứng kiến. Không chỉ thế, trong quãng thời gian ấy còn có một lượng lớn các nhà báo bị ngấm ngầm thủ tiêu do đã thực hiện những cuộc điều tra và viết bài phanh phui hoạt động của các băng nhóm tội phạm hay những vụ tham nhũng lớn.
Nhà báo James Foley bị sát hại bởi Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS
Theo số liệu thống kê của Tổ chức UNESCO, có tới 90% số vụ sát hại nhằm vào các nhà báo không được điều tra đến cùng, thậm chí không hề được điều tra vì những lý do khác nhau. Riêng năm 2013, có tới 17 nhà báo Iraq bị sát hại mà thủ phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Ông Ban Ki-moon cho biết ngày càng có nhiều nhà báo và những người làm việc trong giới truyền thông bị đe dọa vũ lực, kể cả đe dọa mạng sống trong khi những kẻ ngang nhiên chống lại báo giới lại không bị trừng phạt thích đáng.
Điều này đang khiến dân chúng có tâm lý hoang mang, lo sợ, không dám đứng lên tố cáo tội phạm hay những hành động tham nhũng, lộng quyền, vi phạm quyền con người và các loại tội phạm khác. Do đó ông cho rằng toàn thế giới hãy cùng hợp tác để chấm dứt thực tế này, vì công việc của báo giới luôn phục vụ lợi ích của con người.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Tổng thư ký Ban Ki-moon nhắc lại việc Liên hợp quốc thông qua kế hoạch hành động, tạo môi trường an ninh và thuận lợi nhất cho hoạt động của các nhà báo và những người làm việc trong ngành thông tin đại chúng.
Theo kế hoạch trên, không có bất cứ nhà báo nào, làm việc ở bất cứ đâu, phải đối mặt với bạo lực và hiểm nguy. Trên tinh thần đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả mọi người cùng hành động để bảo vệ báo giới, và theo ông, đây chính là việc làm thiết thực để bảo vệ công lý trên toàn thế giới.