Nghĩa địa ma cà rồng
Thế giới - Ngày đăng : 10:44, 17/09/2013
Nhiều nhà khoa học cho rằng đó là những ngôi mộ của ma cà rồng. Vị trí mà đoàn khảo cổ đào lên trước đây cũng là một cái giá treo cổ, nên họ không lấy gì làm ngạc nhiên khi phát hiện ra những xác chết này. Tuy nhiên, điều khiến các nhà khảo cổ thốt lên ba từ "ma cà rồng" là vì cách mà các xác chết không đầu bị chôn vùi. Nhiều giả thuyết về ma cà rồng đang được đặt ra.
Từ cách xử tử những kẻ nghi là ma cà rồng thời trung cổ…
Câu chuyện về ma cà rồng luôn thu hút trí tưởng tượng của người Mỹ từ thế kỷ 21. Chúng ta không phải là thế hệ con người đầu tiên bị mê hoặc bởi những suy nghĩ về các sinh vật bất tử. Vào thời Trung Cổ, hầu hết Đông Âu không chỉ tin vào sự tồn tại của ma cà rồng mà còn sống trong nỗi sợ hãi các vết cắn chết người của chúng ...
Sọ bị đặt giữa hai chân của thi hài
Một số nhà khoa học cho rằng vào thế kỷ 15 và 16, chế độ nông nô thịnh hành, đồng nghĩa với việc người giàu càng giàu hơn và người nghèo trở thành nô lệ lao động trên những cánh đồng. Những năm đó, bệnh dịch hạch càng quét qua vùng nông thôn. Và người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman muốn mở rộng đế chế của họ về phía tây, họ vây hãm thị trấn và đốt làng mạc. Họ còn tuyên truyền những lời đồn đại về ma cà rồng. Nhiều người nông dân mù chữ nên dễ dàng tin vào những lời mê tín dị đoan của chúng. Trong bầu không khí của nỗi sợ hãi và chết chóc, có hai nhân vật lịch sử mà hành động của họ ví như ma cà rồng mãi đến ngày nay. Đó là Vlad III, Hoàng tử của Wallachia và nữ bá tước Elizabeth Báthory de Ecsed. Vlad III hay Vlad Dracula giết chết hàng chục ngàn binh lính Ottoman, với những hình thức cực kỳ tàn bạo như đóng thẳng đứng vào các nạn nhân bằng những cây cọc dài, rồi sau đó “thưởng thức” những xác chết còn đẫm máu. Nữ bá tước Elizabeth, còn được gọi là Bá tước máu, tự nhận là bà đã tra tấn và giết chết hơn 650 cô gái, sau đó tắm trong máu của họ để giữ gìn sự trẻ trung và sắc đẹp.
Theo mê tín dị đoan thời cổ đại, bằng cách tách đầu ra khỏi cơ thể, các "kẻ không chết" (kẻ bị nghi là ma cà rồng) sẽ không thể đội mồ sống dậy để khủng bố người sống. Chém đầu cũng là một cách để ngăn chặn ma cà rồng sống dậy, thêm một cách khác nữa là treo cổ bằng một sợi dây cho đến khi cơ thể phân hủy làm rơi đầu ra. Ngoài ra, theo một nghiên cứu được công bố bởi nhà nhân chủng học pháp y Matteo Borrini, ông trích dẫn trường hợp của một người phụ nữ đã chết vì bệnh dịch hạch vào thế kỷ 16 ở Venice, Ý. Người phụ nữ bị nhét chặt một viên gạch vào miệng nhằm giữ cho bà - kẻ bị nghi là ma cà rồng - không thể quay trở lại hút máu người sống. Cách xử tử người phụ nữ này là một trường hợp điển hình về lời buộc tội chủ nghĩa ma cà rồng vì một số tai ương (bệnh dịch, mất mùa nghiêm trọng) đang diễn ra nhưng không thể giải thích được nguyên nhân.
Trong trường hợp khác, thi thể kẻ bị nghi ngờ là ma cà rồng có thể bị đóng cọc vào mặt đất, ghim xác cố định bằng một cây cọc kim loại hoặc gỗ. Trong năm 2012, các nhà khảo cổ ở Bulgaria tìm thấy hai bộ xương với thanh sắt xuyên qua ngực. Những xác này có thể được xem như ma cà rồng. Việc thi hành chặt đầu thi thể những kẻ bị nghi ngờ là ma cà rồng trước khi chôn cất khá phổ biến ở các quốc gia Slavic trong thời kỳ tiền Kitô giáo.
Một nhà khảo cổ học đang làm việc tại hiện trường khai quật
… Đến nghi vấn về nghĩa địa Ma Cà rồng
Tháng 7/2013, một ngôi mộ đã được phát hiện khi các nhà khảo cổ đang tìm kiếm hài cốt của những người lính chết trong chiến tranh thế giới thứ II. Thế nhưng, những ngôi mộ chứa các bộ xương mà đầu bị cắt và đặt giữa đôi chân. Một số bộ xương này đã được chuyển khỏi khu vực chôn cất, tiếp tục thử nghiệm để khám phá chính xác tuổi của hài cốt và xác định các hài cốt bị chặt đầu trước hay sau khi chết. Một nhóm nông dân ở miền nam Ba Lan rất tự tin nói rằng thành phố của họ đã từng bị tấn công bởi ma cà rồng. Chính vì thế, các nhà khảo cổ suy đoán rằng, đây là nơi hành huyết ít nhất 17 người bị nghi là ma cà rồng. Tuy nhiên, vẫn chưa có những bằng chứng khoa học nào phân biệt được sự khác nhau giữa bộ xương ma cà rồng và xương người.
Trong thực tế, niềm tin của họ vào ma cà rồng bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là mê tín dị đoan về cái chết; thứ hai là thiếu kiến thức về sự phân hủy xác chết. Hầu hết các câu chuyện ma cà rồng trong lịch sử có xu hướng theo một khuôn mẫu nhất định mà một cá nhân hoặc gia đình chết vì một số sự kiện không may, hoặc bệnh tật. Trước khi khoa học có thể giải thích nguyên nhân cái chết thì người ta thường chọn cách đổ lỗi cho "ma cà rồng."
Dân làng cũng đã nhầm lẫn quá trình phân hủy thông thường như các hiện tượng siêu nhiên. "Ví dụ, mặc dù một thi thể sẽ phân hủy nhanh chóng nhưng nếu quan tài được niêm phong và chôn cất vào mùa đông thì quá trình thối rữa có thể bị chậm lại vài tuần hoặc vài tháng. Sự phân hủy đường ruột sẽ tạo ra đầy hơi có thể đẩy máu ra miệng, làm cho xác chết trông giống như vừa bị hút máu". Người phụ khách chuyên mục LiveScience’s Bad Science Benjamin Radford cho biết và nói thêm: "Các bác sĩ hiện đại và cả những người làm dịch vụ tang lễ cũng hiểu quá trình này như vậy nhưng trong thời trung cổ châu Âu thì người ta xem đó là dấu hiệu không thể nhầm lẫn rằng ma cà rồng là có thật và tồn tại xung quanh họ".
Chưa có những kết luận thống nhất về các thi thể bị chôn vùi vừa được tìm thấy ở Ba Lan là ma cà rồng hay không. Theo Jacek Pierzak, một trong những nhà khảo cổ học thì những bộ xương bị chặt đầu ở Đông Âu thường được cho là xương ma cà rồng. Phương tiện truyền thông trên thế giới đã tập trung vào câu chuyện "ngôi mộ ma cà rồng" khi hộp sọ được đặt vào giữa hai chân của hài cốt. Nhà khảo cổ học này cũng cho rằng đầu mối để xác định đó là ma cà rồng vì các bộ xương thiếu các vật dụng cá nhân, chẳng hạn như đồ trang sức mà những người thời đó thường sử dụng. Trong khi đó, các tờ báo địa phương lưu ý một giả thuyết rằng đó không phải là xương ma cà rồng, mà là những nạn nhân bị hành hình trên giá treo cổ. Theo Bozhidar Dimitrov, người điều hành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Sofia, khoảng 100 bộ xương như vậy đã được phát hiện ở Bulgaria, với thực tế khủng khiếp được biết đến trên toàn khu vực Balkan, nơi mà sự sợ hãi ma cà rồng đã tồn tại qua nhiều thế kỷ.
Nhưng ngoài sự sợ hãi riêng về ma cà rồng, từ lâu một nỗi sợ hãi khác của người dân chính là người chết sống dậy để khủng bố người sống. Trong năm 2008, các nhà khảo cổ tìm thấy một ngôi mộ 4.000 năm tuổi ở Mikulovice, Cộng hòa Séc, bộ xương bị hai phiến đá lớn đè nặng ở phần đầu và ngực của. "Hài cốt này được coi như ma cà rồng," Radko Sedlacek, Giám đốc Bảo tàng Đông Bohemia, nói: "Những người sống cùng thời với xác chết sợ rằng thi hài có thể rời khỏi ngôi mộ và trở về với thế giới loài người”. Và sự thật có hay không ma cà rồng vẫn còn là một câu hỏi.