Xây dựng bản đồ về rủi ro của cơ sở hạ tầng nông thôn với sạt lở đất và lũ quét
Kinh tế - Ngày đăng : 14:57, 18/05/2016
Dự án Tăng cường khả năng chống chịu với khí hậu cho cơ sở hạ tầng (CSHT) các tỉnh miền núi phía Bắc do Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP) quản lý. Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp là đơn vị trực tiếp thực hiện.
Mục tiêu của dự án là tăng cường sức khả năng chống chịu và giảm nhẹ khả năng dễ bị tổn thương của các công trình hạ tầng nông thôn tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và hỗ trợ khung chính sách cho phép khuyến khích phát triển hạ tầng vùng núi phía Bắc có sức bền với khí hậu.
Hội thảo có sự tham gia của các cán bộ và chuyên viên của Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Bộ TN&MT, Trường đại học sư phạm…
Bản đồ về rủi ro của Cơ sở hạ tầng nông thôn với sạt lở đất và lũ quét được xây dựng để đánh giá rủi ro và cung cấp bức tranh tổng quan về mức độ tổn thương và rủi ro cho 10.837 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn bao gồm đường giao thông, kè bờ sông, hồ chứa, kênh, đập tràn của khu vực 15 tỉnh miền núi phía Bắc. Trên cơ sở đó xây dựng các bản đồ rủi ro sạt lở đất và lũ quét cho cơ sở hạ tầng nông thôn tỷ lệ 1: 500.000 các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc theo 3 bối cảnh biến đổi khí hậu: hiện tại, 2025 và 2050.
Đối với 2 tỉnh có mô hình trình diễn của dự án là Sơn La và Bắc Kạn, bản đồ được xây dựng ở mức chi tiết hơn với tỉ lệ 1:200.000 theo 3 bối cảnh biến đổi khí hậu: hiện tại, 2025 và 2050. Việc đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương và xây dựng bản đồ rủi ro sẽ giúp xác định những cơ sở hạ tầng nào dễ gặp rủi ro nhất dưới tác động của các hiểm họa có liên quan tới khí hậu cả trong trong điều kiện khí hậu hiện tại và tương lai. Trên cơ sở bản đồ được xây dựng, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh trong việc xây dựng chiến lược thích ứng với BĐKH của các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tại hội thảo, các đơn vị đã tham luận và đưa ra những ý kiến đóng góp và các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn các phương pháp xây dựng bản đồ. Cũng có ý kiến cho rằng, việc xây dựng bản đồ với tỉ lệ nhỏ sẽ khó khăn hơn cho các địa phương khi xây dựng các chiến lược cụ thể cho từng loại hình cơ sở hạ tầng trong tỉnh. Tuy nhiên, tất cả đều đánh giá cao nỗ lực của dự án và ý nghĩa của việc xây dựng bản đồ rủi ro cho cơ sở hạ tầng nông thôn cho khu vực miền núi phía Bắc, nơi các cơ sở hạ tầng nông thôn vẫn đang bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất.