Doanh nghiệp tiếp tục "kêu khó" vì thủ tục hành chính

Kinh tế - Ngày đăng : 10:04, 28/05/2015

Các quy định, thủ tục hành chính rườm rà trong khi cơ quan chức năng chậm xử lý, gây nhiều khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây là những kiến nghị của doanh nghiệp trong Hội nghị Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 27/5, tại Tp. Hồ Chí Minh. 

Doanh nghiệp tiếp tục

Thủ tục hành chính rườm rà gây nhiều khó khăn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các hoạt động về quản lý hành chính chưa hợp lý khiến niềm tin của các doanh nghiệp đang bị lung lay. Đại diện Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc định hướng sai, hay đưa ra những văn bản luật không sát thực cuộc sống, nên dễ bị phản đối, dễ bị “chết yểu” là do chúng ta đang thiếu bộ phận chuyên nghiên cứu vào chính sách. Do vậy, cần thành lập bộ phận này nhằm tham mưu cho các nhà làm chính sách một cách cụ thể. Từ đó, giúp cho việc ban hành, hay điều chỉnh chính sách được phù hợp, phù hợp với thực tiễn cuộc sống. 

Đại diện Hội Doanh nghiệp quận Tân Bình phản ánh, dường như thủ tục hành chính đang có dấu hiệu tăng thêm chứ không phải cắt giảm như chủ trương. Đơn cử như thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Trước đây, muốn xây dựng ngôi nhà thủ tục nhanh gọn, nhưng nay để lo đủ thủ tục được phép xây dựng phải cần 3-4 tháng, trong khi công đoạn thi công nếu làm nhanh thì cũng chỉ 3 tháng là hoàn tất công trình nhà 1 trệt 2 lầu. Do đó, Đại diện Hội doanh nghiệp quận Tân Bình kiến nghị, cơ quan quản lý cần đơn giản hóa các thủ tục để rút ngắn thời gian hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. 

Thậm chí, có doanh nghiệp bức xúc vì đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng chưa được xem xét nên đành phải tự giải quyết vấn đề theo cách của mình cho hiệu quả. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp với chính sách hiện đang sa sút. Cùng đó, doanh nghiệp còn ngao ngán vì các vướng mắc chính sách chậm giải quyết, từ khâu ban hành văn bản cho đến hướng dẫn thực hiện đều chậm khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố đề nghị chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp của các cơ quan chức năng. 

Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, hiện các doanh nghiệp phải cạnh tranh rất gay gắt với hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài đồng thời lại phải đối mặt với nhiều khó khăn do cơ chế quản lý hành chính còn rườm rà, lạc hậu. Rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến doanh nghiệp còn chồng chéo, thậm chí gây cản trở đến hoạt động đối với doanh nghiệp. 

Để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh đề nghị cần chấm dứt tình trạng phí chồng phí đối với các doanh nghiệp, bởi điều này ảnh hưởng lớn đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Khi giá thành sản phẩm tăng lên, người tiêu dùng cũng phải chịu thiệt về sự bất cập này. Nhà nước cũng cần phải có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu sản phẩm. Thương hiệu sản phẩm yếu kém là một trong rào cản khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được đánh giá là hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, điều, cao su… nhưng thời gian gần đây xuất khẩu liên tục bị giảm sút. 

Sau khi lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt cho biết, sẽ tiếp thu tập hợp đầy đủ những thắc mắc, những bức xúc của doanh nghiệp để kiến nghị tới Chính phủ, tới các cơ quan Trung ương. Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Tp. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương thực hiện quyết liệt việc cải cách hành chính. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những vướng mắc, nhưng mong các doanh nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn để phát triển. Đồng thời, mong các doanh nghiệp thành phố luôn hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sản xuất ra các sản phẩm tốt nhất, giá thành hợp lý nhất để phục vụ người tiêu dùng trong nước, cạnh tranh hiệu quả với các doanh nghiệp nước ngoài.

H.Chung