Tiêu thụ nông sản: Xuất khẩu là “biện pháp sống còn”

Kinh tế - Ngày đăng : 10:09, 13/05/2015

Tình trạng tiêu thụ nông sản như mủ cao su, dưa hấu, hành tím, thủy sản… hết sức khó khăn. Doanh nghiệp mong được tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu và có “nhóm phản ứng nhanh” để giải quyết linh hoạt các vấn đề phát sinh.

Cơ hội và thách thức

Ngày 6/5, Việt Nam-Hàn Quốc đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA), mở ra một thị trường đầy tiềm năng. Trong các ngành hàng nông sản chủ lực thì ngành hàng thủy sản, cụ thể là tôm, được coi là sẽ chịu tác động rất lớn từ FTA này.

Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam lớn thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, EU, và Trung Quốc. Xuất khẩu tôm sang thị trường này năm 2014 tăng 41,3% so với năm 2013, đạt 317,8 triệu USD và nhờ đó, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Minh Phú Group (Đơn vị xuất khẩu tôm đứng đầu Việt Nam) vẫn băn khoăn: “Lợi thế nhiều nhưng bất lợi không ít. Các doanh nghiệp sản xuất tôm vẫn lo lắng các vấn đề như vai trò của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc can thiệp khi phát sinh vấn đề vi phạm các cam kết đối với các nước tham gia hiệp định; vốn đầu tư để doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật; Luật Lao động và một số cơ chế chính sách của Việt Nam khiến doanh nghiệp gặp nhiều bất cập trong cách tính, quy định về chế độ, ngày giờ làm việc”… Đây là lo lắng chung của nhiều DN khi đứng trước sự rộng mở của thị trường.

Trong cuộc gặp gỡ mới đây với đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu nông sản. Theo kiến nghị của đại diện nhiều hiệp hội về thương mại nông sản, cần phải có một nhóm “phản ứng nhanh” cho xuất khẩu nông sản trong thời điểm hội nhập hiện nay.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP nêu thực tế: “Mạng lưới tham tán thương mại hiện nay khá rộng nhưng xử lý rất thụ động nhiều vấn đề thị trường cả ngắn hạn và dài hạn. Ngay như hiệp hội của chúng tôi đã 4 năm nay thường kỳ ra một bản tin thương mại 32 trang, cung cấp đều đặn cho các tham tán, nhưng số lượng phản hồi lại thì rất ít”.

Lắng nghe những kiến nghị của DN, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã đồng ý với chủ trương sẽ thành lập một nhóm công tác “phản ứng nhanh” để trực tiếp xử lý kịp thời vướng mắc, tồn đọng của DN trong XK nông sản. 

Nhóm công tác này sẽ tổ chức thường xuyên đối thoại với các hiệp hội, ngành hàng nhằm nắm bắt cụ thể, kịp thời yêu cầu của DN và thị trường, thông qua đó sẽ tìm ra đối sách kịp thời và hiệu quả.

Việt Nam tự làm khó doanh nghiệp

Hiện nay, nhiều nước không yêu cầu thủ tục kiểm dịch, nhưng các cơ quan chức năng của Việt Nam lại làm khó doanh nghiệp trong nước khi cứ kiểm dịch mới cho xuất khẩu.

Tình trạng “ngược đời” này vừa được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh tại hội nghị mới đây do Bộ Công Thương tổ chức bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản.

Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,1%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%.

Tiêu thụ nông sản: Xuất khẩu là “biện pháp sống còn”

Tôm Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc (Ảnh: BLO)

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng phải giảm bớt thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp, “nếu không gỡ sẽ rất gay”, trong đó trước hết là giảm thủ tục kiểm dịch.

“Nhiều nước không yêu cầu kiểm dịch với một số mặt hàng, nhưng Việt Nam vẫn cứ kiểm dịch, nhiều cơ quan trong nước vẫn đòi hỏi các giấy tờ này mới cho xuất khẩu. Họ không yêu cầu kiểm dịch thì ta bớt đi, đỡ mất phí” - ông Vinh nói.

Ông Chu Xuân Ái, Giám đốc Công ty Tôn Vinh chuyên sản xuất và xuất khẩu trà cho biết cơ chế thuế VAT cho trà hiện mỗi tỉnh một kiểu. Có tỉnh trà sơ chế được tính thuế VAT 0%, thành phẩm 5%, nhưng có tỉnh như Yên Bái tính tất cả là 10%. Ông Ái cũng nêu tình trạng doanh nghiệp nào có tiền mới có thông tin chi tiết từ các cơ quan chức năng, nếu không là thông tin chung chung.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm mạnh nhất trong 5 năm qua. Ngoài sự cạnh tranh gay gắt của các nước xuất khẩu có thế mạnh, các DN Việt Nam vướng phải chi phí vận chuyển cao gấp hơn 2 lần. Nếu như tháng 8/2014, chi phí vận chuyện mỗi lô chỉ khoảng 1.800 USD để xuất sang Mỹ, thì nay chi phí lên tới 3.900 USD.

Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Ánh, Hiệp hội Rau quả, đề nghị các bộ giám sát việc giảm chi phí vận tải, vì giá xăng dầu giảm nhưng cước phí vận tải biển, vận tải nội địa... lâu nay chưa thấy hạ. Ông Ánh cũng kiến nghị cần áp thuế VAT cho hàng xuất khẩu bằng 0% để khuyến khích xuất khẩu.

Thủ tục hành chính là rào cản

Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng tháo gỡ cho xuất khẩu là “biện pháp sống còn” của ngành nông nghiệp, vì Việt Nam đang sản xuất nông sản nhiều hơn so với nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Ngoài các nguyên nhân về thị trường, tỷ giá, công tác xúc tiến thương mại hay chất lượng sản phẩm, thì thủ tục hành chính tiếp tục được các doanh nghiệp coi là một rào cản làm khó nông sản xuất khẩu.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, báo cáo Chính phủ, đồng thời phối hợp với Bộ NNPTNT thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ hướng tới tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục xuất khẩu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thừa nhận tồn tại bất cập giữa các chính sách liên quan thủ tục hải quan, song đại diện Bộ Tài chính cho biết tuần tới Bộ sẽ có buổi làm việc với Bộ NNPTNT để rà soát danh mục mặt hàng xuất khẩu.

Còn đại diện Bộ NNPTNT cho biết, năm nay sẽ nỗ lực giảm một nửa số thủ tục xuất khẩu thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành. Bộ NNPTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính bỏ thuế VAT tiêu thụ lúa gạo. 

Trần Đức