Thương mại hiện đại trở thành xu hướng mới của người tiêu dùng Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 08:45, 07/05/2015

Trong một báo cáo mới nhất của tập đoàn Neilsen, trong những năm gần đây, khi Việt Nam mở cửa hội nhập, không chỉ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư thương mại mà còn là điều kiện giúp người Việt Nam thích ứng nhanh với nền kinh tế thị trường.

Chiến lược đầy “Tham vọng” của các nhà đầu tư

Thực tế chỉ trong khoảng thới gian 5 năm trở lại, việc mua sắm ở chợ truyền thống của người tiêu dùng Việt Nam đang giảm rõ rệt. Bằng chứng là chợ truyền thống đang ngày càng mất đi và không thu hút các tiểu thương vào hoạt động, mà thay vào đó là việc mua sắm theo xu hướng thương mại hiện đại đang không ngừng gia tăng về cả chất lượng và số lượng.

Thương mại hiện đại trở thành xu hướng mới của người tiêu dùng Việt Nam

Khi mà thời đại kết nối internet gia tăng, sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư

Chỉ tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn Tp.HCM các chuỗi cửa hàng tiện lợi của các nhà đầu tư “ngoại” như chuỗi siêu thị Citimart, Shop & go, Family Mart, Favimart, Ministop…. liên tục ra đời và thậm chí của các nhà đầu tư “nội” như Co.op Food thuộc Saigon Co.op và Hapro thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cũng tăng trưởng không kém.

Những hình thức “siêu chợ” này, không chỉ có nhiều lợi thế không cần nhiều diện tích lớn (có thể từ 40m2 trở lên) mà mặt hàng đa dạng tại đây sẽ giúp người mua có nhiều sự lựa chọn hơn, giá cả cũng không “nhích” thêm, đã tạo ra đẳng cấp riêng cho loại hình này. Vì vậy, mô hình “cửa hàng tiện lợi” đang trở thành xu hướng phát triển không ngừng gia tăng tại thị trường Việt Nam.

Sự thành công không chỉ là chiến lược kinh doanh, mà còn lá cách thức kinh doanh. Chẳng hạn như chuỗi Shop & Go, ông Aaron Yeoh It Ming, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống, đơn vị điều hành chuỗi Shop & Go bật mí: Chiến lược đầu tư của Shop & Go là ký hợp đồng hợp tác với các hộ cá thể đang kinh doanh kiểu tiệm tạp hóa và nâng cấp lên, hoặc tự kiếm mặt bằng và đầu tư từ A-Z và tính đến hết năm 2014, công ty đã gần chạm mốc 200 cửa hàng.

Thương mại hiện đại trở thành xu hướng mới của người tiêu dùng Việt Nam

Thương mại hiện đại đang trở thành xu hướng mới của người tiêu dùng Việt Nam

Ông Nishitohge Yasuo, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam “khoe” rằng: “Chiến lược của Ministop vào năm 2017 sẽ tăng tốc đạt 500 cửa hàng. Dù vậy, người dân Việt Nam đang có xu thế rất nhanh trong việc thích ứng với thương mại hiện đại nên chiến lược của chúng tôi sẽ tập trung vào việc phát triển các siêu thị hiện đại như Aeon Maill".

Không chỉ các chuỗi nhà đầu tư ngoại tăng tốc, mà tại hai địa bàn TP.HCM và Hà Nội các chuỗi cửa hàng của Co.op Food và Hapro cũng không ngừng tăng theo thời gian. Với con số là hơn 200 cửa hàng co.op Food và gần 1000 cửa hàng của Hapro. 

Xu hướng “thương mại hiện đại” là tất yếu

Song song với việc người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có xu hướng mua sắm tại các cửa hàng thương mại hiện đại, thì kênh mua sắm trực tuyến đang phát triển và dần trở thành kênh mua sắm được ưa thích tại thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của tập đoàn Neilsen cho thấy, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết tất các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì chi tiêu cho thực phẩm và các mặt hàng chăm sóc cá nhân tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang gia tăng. 

Tầm quan trọng ngày càng tăng của các cửa hàng tiện ích như là một kênh mua sắm khác cho thực phẩm và hàng tạp hóa là một xu hướng phát triển mạnh được đề cập đến trong nghiên cứu của Nielsen. Hơn một phần tư của người Philippines (27%) mua thực phẩm và hàng tạp hóa tại một cửa hàng tiện ích thường xuyên hơn trong 12 tháng qua, giống như 22% người Việt Nam, 21% người Thái và 15% người Indonesia; trong khi đó con số này là 14% trên toàn cầu.

"Siêu thị lớn và các đại siêu thị là các kênh đã chiếm ưu thế trong các nước phát triển trên thế giới, sẽ phát huy vai trò chủ đạo và ngày càng quan trọng trong mắt người tiêu dùng tại các nước đang phát triển ở Đông Nam Á”. Là nhận định của ông Kaushal Uadhyay, Giám đốc điều hành dịch vụ khách hàng Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Châu Á và Thái Bình Dương.

"Nhưng ngược lại, các cửa hàng tiện ích nhỏ hơn cũng đang dần chiếm ưu thế đáng kể về thị phần và điều này có nghĩa là nhà sản xuất phải cũng phải xem xét đến việc phân phối hàng hóa dựa trên sự kết hợp hài hòa cả hai kênh. Hiểu nơi nào người tiêu dùng mua sắm và loại hàng nào họ sẽ mua sắm mang đến tầm nhìn quan trọng để hướng các chiến lược phân phối thị trường theo thị trường". Ông Kaushal Upadhyay nhấn mạnh.

“Khi thời đại kết nối thương mại đã đến, các nhà bán lẻ hiểu biết sẽ xem xét để cung cấp một chiến lược ứng dụng công nghệ kỹ thuật số bao gồm tương tác tại mỗi điểm trong quá trình quyết định mua hàng của người tiêu dùng và việc mua sắm trực tuyến - cách mà các nhà bán lẻ đang tích hợp các kênh kỹ thuật số vào kinh nghiệm mua sắm cho khách hàng. Đó là xu hướng tất yếu sẽ xảy ra”. Ông Upadhyay nhận định.

Khảo sát các mô hình bán lẻ của Nielsen toàn cầu đã được tiến hành qua thăm dò ý kiến hơn 30.000 người tiêu dùng tại 60 quốc gia trên khắp châu Á-Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Mỹ Latin, Trung Đông, Châu Phi và Bắc Mỹ và riêng tại việt nam, hiện có 28% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng kênh này so với 25% trên toàn cầu. Và khi đề cập đến mua sắm trực tuyến, 61% người Việt sử dụng trang web để đặt hàng (Các khảo sát toàn cầu của Nielsen trong đó bao gồm chỉ số niềm tin người tiêu dùng).

 

Bảo Lan