Tư vấn pháp lý của luật sư rất cần thiết cho doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 10:18, 11/04/2015
Và để đạt được hiệu quả cao, một yếu tố không thể thiếu đối với doanh nghiệp là tuân thủ luật pháp, trong đó phải kể đến sự trợ giúp về mặt pháp lý của giới luật sư.
Có nhiều tiêu chí để đánh giá khả năng của một doanh nghiệp, mà trong đó, một yếu tố quan trọng, không thể thiếu là sự tư vấn pháp lý của giới luật sư. Đặc biệt trong cơ chế thị trường và quá trình hội nhập hiện nay, sự trợ giúp pháp lý từ giới luật sư là một trong những điều kiện tiên quyết bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta không phải tất cả các doanh nghiệp đều biết được điều đó. Có không ít doanh nghiệp cho rằng vai trò của luật sư trong lĩnh vực tư vấn rất thấp bởi có không ít công việc bản thân doanh nghiệp có thể tự làm mà không cần tới sự trợ giúp pháp lý của luật sư. Có những doanh nghiệp không muốn mất một khoản chi cho các dịch vụ pháp lý nên họ cũng không nghĩ tới việc mời luật sư tư vấn thường xuyên hay tư vấn theo vụ việc cho họ. Xuất phát từ những quan niệm nêu trên nên trong một thời gian khá dài ở nước ta mối quan hệ giữa giới doanh nghiệp với giới luật sư chưa được gần gũi và gắn bó. Nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu luật sư sẽ giúp được gì cho họ và ngược lại, không ít luật sư lại đặt vấn đề doanh nghiệp đang cần gì ở mình. Tuy nhiên, không có nghĩa luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư nào cũng có thể làm tốt được các vai trò nêu trên. Chỉ những luật sư thực sự có chất lượng và uy tín mới hoàn thành tốt những vai trò ấy một cách tốt nhất. Điều này càng khẳng định tiêu chí đánh giá khả năng một doanh nghiệp là luật sư nào tư vấn và điều đó sẽ góp phần quyết định sự thành công của doanh nghiệp đó trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào WTO như hiện nay cũng như khẳng định rõ nét vai trò, vị thế của giới luật sư.
PGS. TS Phạm Hồng Hải
Về pháp lý, sự trợ giúp cho doanh nghiệp đã được luật hóa tại Điều 22 Luật Luật sư 2006 trên tất cả lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giới luật sư giúp doanh nghiệp trong suốt quá trình thành lập, hoạt động và phát triển, cho tới lúc chấm dứt. Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý thông qua tư vấn thường xuyên hoặc theo vụ việc dưới nhiều hình thức. Chẳng hạn, tư vấn pháp lý thành lập công ty như về mô hình công ty phù hợp khả năng và quy định pháp luật; tư vấn về Điều lệ Công ty, Nội quy lao động và hỗ trợ doanh nghiệp về con dấu và mã số thuế. Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp, giới luật sư sẽ tư vấn về các vấn đề pháp lý. Thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp muốn thành công thì hầu như tất cả các công việc tư vấn của luật sư là làm ngay từ đầu. Ví dụ, trước khi sa thải một nhân viên, lãnh đạo cần xin ý kiến luật sư để đề phòng công ty có thể bị kiện. Khi làm một chương trình quảng cáo, luật sư xét xem những nội dung này có tạo ra những vấn đề pháp lý gây bất lợi cho công ty trong tương lai hay không.
Luật sư có thể làm đại diện cho công ty trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khi liên quan đến các vấn đề về thuế, vốn… Luật sư còn đóng vai trò là người xúc tiến thương mại, cầu nối giữa các doanh nghiệp thúc đẩy quan hệ thương mại, hợp tác và đầu tư. Ví dụ, luật sư tiến hành và chủ trì các cuộc gặp gỡ giữa các công ty cùng khai thác tiềm năng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp tác. Các luật sư đại diện cho doanh nghiệp thương thảo hợp đồng kinh tế với các đối tác. Ngoài ra, giới luật sư còn hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng phạm vi kinh doanh và sản xuất như tiến hành các thủ tục xin dự án, mặt bằng... và đại diện cho các doanh nghiệp trước toà án trong các vụ kiện. Giới luật sư còn đại diên cho doanh nghiệp bàn thảo hợp đồng với các nghiệp đoàn.
Riêng về hợp đồng, các luật sư tự mình hoặc phải cùng doanh nghiệp để thương thảo. Ngay cả các hợp đồng nhỏ không cần bàn thảo thì cũng cần được luật sư hoặc xem qua hoặc đóng góp ý kiến. Trên thực tiễn kinh doanh, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã thuê luật sư đến Việt Nam tìm hiểu thị trường, đại diện cho doanh nghiệp tham gia đàm phán, thương thảo hợp đồng với các đối tác tiềm năng Việt Nam.
Trong thời gian doanh nghiệp đang hoạt động, giới luật sư đóng vai trò cố vấn, rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý doanh nghiệp như việc quá trình thành lập, Quy chế hoạt động, Điều lệ doanh nghiệp... luật sư sẽ tìm ra những vấn đề pháp lý còn thiếu và chưa đúng pháp luật của doanh nghiệp và kịp thời tư vấn để doanh nghiệp chỉnh sửa, bổ sung. Một loạt các vấn đề pháp lý khác của doanh nghiệp về lao động, an toàn và vệ sinh lao động, chính sách thuế sẽ được giới luật sư tư vấn theo đúng pháp luật.
Khi có tranh chấp thương mại, giới luật sư sẽ giúp thương lượng hoà giải tránh tình trạng mẫu thuẫn, tranh chấp đi đến xung đột kéo nhau ra toà, gây ra những lãng phí mọi mặt của doanh nghiệp. Trong trường hợp các doanh nghiệp kiện nhau ra tòa, luật sư đại diện cho doanh nghiệp tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Luật sư có thể thay mặt doanh nghiệp tham gia trọn vẹn các hoạt động tố tụng.
Các dịch vụ pháp lý khác mà giới luật sư cung cấp cho doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động như việc cập nhật các quy định về thuế, lao động, tiền lương, các loại hàng hoá kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, trong vai trò tư vấn thường xuyên, giới luật sư thông tin các rủi ro có thể xảy ra khi kinh doanh trong và ngoài nước, hoặc về tình hình đầu tư nước ngoài. Giới luật sư hỗ trợ doanh nghiệp chống lại các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh gây tổn hại cho uy tín và thương hiệu của mình. Ngoài ra, luật sư tiến hành các dịch vụ pháp lý như đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, đăng ký bản quyền, phát minh sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.
Trên thực tiễn, nhiều doanh nghiệp và thậm chí là các hiệp hội ngành nghề, đã thuê luật sư như đội quân tác chiến chiến lược, như một lực lượng tấn công. Ví dụ, trong thời gian qua, Hiệp hội nuôi cá da trơn của Mỹ đã dùng luật sư để tấn công các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam và các nước khác trong việc bảo vệ và chiếm lĩnh thị trường…