Kinh tế Việt Nam năm 2015: Dự báo lạc quan về tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 05:06, 01/01/2015

Theo nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Kinh tế thế giới và Viêt Nam: Thực trạng 2014 và triển vọng 2015”, nền kinh tế đang có dấu hiệu khả quan.

Nếu duy trì tốt quá trình tái cấu trúc, Việt Nam còn có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới.

Điểm sáng của nền kinh tế

Theo ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, hai năm qua, kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi khá tích cực, bền vững. Niềm tin của nhà đầu tư đã tăng lên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm đến thị trường Việt Nam, đánh giá xếp hạng môi trường đầu tư cũng tăng lên. Nhiều cá nhân bắt đầu tập trung đầu tư vào các nước trong khu vực, điều đó tác động lớn tới Việt Nam nên sự duy trì tính bền vững của nền kinh tế là rất quan trọng, đặc biệt là kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều chính sách để bình ổn nền kinh tế như giảm lãi suất huy động và cho vay, đưa ra nhiều chương trình tín dụng cho thủy sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhà ở xã hội…

Kinh tế Việt Nam năm 2015: Dự báo lạc quan về tăng trưởng

Tăng trưởng kinh tế năm 2015 có thể đạt mức 6,2%

Cũng đánh giá khá tích cực về kinh tế Việt Nam, ông Barry Weisblatt, Giám đốc Khối Phân tích Công ty chứng khoán VPBank (VPBS) cho rằng, hầu hết các lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam như: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… đều có triển vọng tăng trưởng, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đều tăng… “Việt Nam đang có cơ hội khi năm 2015 gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc gia nhập TPP sẽ giúp Chính phủ và DN có những cải cách phù hợp hơn. Các hiệp định với EU, Hàn Quốc... sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam thời gian tới. Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng” - ông Barry Weisblatt nhận định.

Sự hồi phục của nền kinh tế trong năm 2014 với dự báo tăng trưởng cả năm đạt 5,8%, là cơ sở quan trọng để các chuyên gia kinh tế thống nhất quan điểm rằng, đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,2% và lạm phát khoảng 5% trong năm 2015 là hợp lý.

Thậm chí, có cái nhìn khá lạc quan, các chuyên gia phân tích của VPBS còn cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Việt Nam còn có thể cao hơn mục tiêu đề ra (5,8%). Trên thực tế, đây cũng là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình, sau khi tăng trưởng GDP quý III/2014 bất ngờ đạt mức 6,19%, nâng tăng trưởng GDP của cả 3 quý lên 5,62%. Và đây là một trong những dấu hiệu rõ nét nhất của sự đi lên.

Tăng trưởng bền vững

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chúng ta vừa trải qua một giai đoạn khó khăn nên giai đoạn trước mắt cũng không hề dễ dàng. Cũng theo chuyên gia này, cần đổi mới thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng thì nền kinh tế mới có thể đi lên. Bên cạnh đó, cần có những chính sách khuyến khích DN nội địa phát triển, tăng trưởng.

Ông Thiên cho rằng, điểm mấu chốt để Việt Nam chuẩn bị cho những nấc tăng trưởng mới trong dài hạn vẫn là thể chế. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang cấu trúc hiện đại hóa cao hơn, hay cần tôn trọng thị trường để phân bổ nguồn lực, tích cực cải cách hành chính… là những cách giúp Việt Nam duy trì đà đi lên bền vững.

TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho rằng, việc cần làm trước tiên là rà soát lại đầu tư công. Tiếp đó phải làm sao để khu vực DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn để đầu tư cho sản xuất - kinh doanh. Nếu giải quyết được các vấn đề về vốn, về đầu tư công, thì năm 2015 chúng ta sẽ tăng trưởng cao hơn, tạo đà cho giai đoạn phát triển sau.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Mại cũng kiến nghị, các ngân hàng thương mại điều chỉnh lại lãi suất, tài sản thế chấp… để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều cơ hội tiếp cận được vốn. Hệ thống ngân hàng năm 2015 cần đặt mục tiêu là năm phục vụ doanh nghiệp, cải cách cơ bản quan hệ ngân hàng và doanh nghiệp, cho vay theo dự án, nâng cao năng lực hệ thống về thẩm định dự án. Như vậy sẽ cứu hệ thống doanh nghiệp đang gặp khó khăn, giúp doanh nghiệp phát triển.

Đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp FDI trong sự phát triển kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Mại nhấn mạnh, trong 4 động lực tăng trưởng hiện nay thì FDI đang là khối tốt nhất. Các động lực còn lại lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân vẫn chưa thể phát huy tốt vai trò của mình. Do vậy, theo ông Mại, vấn đề không phải là giảm thiểu khối doanh nghiệp FDI ngược lại cần đẩy nhanh động lực tăng trưởng này.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, giai đoạn trước mắt, Việt Nam vẫn nên chú trọng vào duy trì ổn định hơn là tăng trưởng nhanh. Theo TS. Thành, năm 2015, khả năng đạt mức tăng trưởng khoảng 5,8% như năm nay là không hề khó. Theo ông Thành, thời gian tới, nền kinh tế có nhiều điều kiện để tăng trưởng cao như: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện nhờ một số luật sửa đổi được thông qua như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp...

Kinh tế năm 2015 sẽ khả quan hơn

Theo nhận định của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại,  kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ có tốc độ phục hồi cao hơn và có khả năng đạt mức tăng trưởng từ 6% - 6,2%. Lý do là yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và sẽ có chuyển biến trên hầu hết các tiêu chí trong nửa đầu năm 2015. Bên cạnh đó, nhiều khả năng hầu hết các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đang đàm phán sẽ được hoàn thành trong khoảng 6 tháng đầu năm 2015. Điều này sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan về kinh tế.  Trên đà này, Chính phủ tiếp tục đề ra các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn cho năm 2015.

Năm 2015, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định năm 2015, Việt Nam phấn đấu GDP tăng khoảng 6,2%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức 5%...

Để đạt được những mục tiêu này, theo Thủ tướng, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô: Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá, kiểm soát tốt lạm phát. Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Song  song với đó, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, nhất là trong quản lý giá, phân bổ nguồn lực, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và vận hành hiệu quả các loại thị trường.

Đặc biệt, năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia một số hiệp định thương mại tự do mới, trong đó nổi bật là Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương… Đó sẽ là những điều kiện và yếu tố mới để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, là cơ hội mới đối với DN Việt, nhất là xét về khả năng hấp dẫn vốn quốc tế cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2015 cũng là thời gian cơ quan chức năng cần đưa ra nhiều biện pháp, với tinh thần quyết tâm để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thường xuyên quan tâm hỗ trợ DN… Ông Vương Đình Huệ cũng dự báo lạc quan rằng, tình hình kinh tế năm 2015 sẽ sáng sủa và tăng trưởng cao hơn năm 2014.

Ngân hàng Thế giới vừa chính thức công bố Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam, ghi nhận: nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ cải thiện từ mức 5,4% (2013) lên mức 5,6% năm (2014). Đạt được kết quả này, theo đánh giá của WB là do Việt Nam đã ổn định được tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động tốt của các ngành chế biến chế tạo hướng về xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài.

Phát biểu tại diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2014, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định việc giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào năm 2015 là hoàn toàn khả thi. Bên cạnh đó, Thủ tướng cam kết sẽ thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, lạm phát sẽ được kiểm soát ở 5%, bội chi ở mức 5% GDP, tăng trưởng kinh tế ở mức 6,2%. Nợ công sẽ bảo đảm không vượt quá trần cho phép và bảo đảm trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch.

 

Phương Nam