Chuyển đổi đất nuôi tôm thịt sang nuôi tôm giống là đúng đắn

Kinh tế - Ngày đăng : 10:59, 22/10/2014

Vừa qua, có thông tin UBND huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) “xé rào” trong việc cấp chuyển đổi 10,02 ha đất từ nuôi tôm thịt sang nuôi sản xuất tôm giống là “tùy tiện”.

Trong khi đó, nhiều người dân (trong đó có người không nằm trong diện được chuyển đổi) vẫn ủng hộ chủ trường này. Vì sao?


Hình minh họa
Một doanh nghiệp sản xuất tôm giống được đầu tư quy mô và bài bản.

Tỉnh Bình Thuận xác định tôm giống là 1 trong 6 sản phẩm lợi thế của Bình Thuận gồm: Cao su, thanh long, chế biến thủy sản xuất khẩu, tôm giống, nước khoáng Vĩnh Hảo và du lịch (Quyết định số 2055/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - Lê Tiến Phương ký ngày 18/10/2012). Theo kế hoạch của chương trình phát triển được ban hành kèm theo Quyết định này đối với tôm giống gồm: Phát triển sản xuất giống tôm trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá trị hàng hóa lớn để đáp ứng nhu cầu con giống nghề nuôi nước lợ. Trong đó, xác định giống tôm sú vẫn là sản phẩm chủ lực đến 2020, tập trung nâng cao chất lượng con giống gắn với tổ chức tốt khâu tiêu thụ; phấn đấu đến 2020 sản lượng tôm giống đạt trên 11 tỷ post (con giống) để đảm bảo cung ứng cho khoảng trên 25% nhu cầu giống tôm cả nước. Chú trọng đa dạng hóa các giống tôm biển khác (chân trắng) theo quy mô công nghiệp tạo ra khối lượng giống lớn, chất lượng cao để cung ứng như cầu trong nước.

Từ năm 1993 đến nay, riêng xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã phát triển nghề nuôi - sản xuất tôm giống, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 10 tỷ con post, được mệnh danh là “vương quốc” tôm giống của Việt Nam. Chính quyền huyện Tuy Phong thấy được hiệu quả kinh tế từ con tôm giống mang lại trong nhưng năm qua là rất lớn và muốn xây dựng Vĩnh Tân thành một vùng nuôi - sản xuất tôm giống có chất lượng cao, góp phần đáp ứng nhu cầu của bà con nuôi tôm trên cả nước.

Căn cứ theo quy hoạch tổng thể vùng nuôi tôm thịt và sản xuất tôm giống của tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 tại Quyết định 109/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2008, thì tại xã Vĩnh Tân diện tích nuôi tôm thịt là 100ha, tôm giống là 77ha. Đến nay, diện tích tôm giống mới chỉ đạt 68,49ha. Để đáp ứng nhu cầu bứt thiết của người dân và doanh nghiệp, UBND huyện Tuy Phong đã xin UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi thêm 10,02 ha đất nuôi tôm thịt chuyển sang nuôi tôm giống. Theo tờ trình số 1359/UBND-KT, do Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong - Phạm Thị Minh Hiếu ký trình Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận nêu rõ: Qua xem xét Báo cáo số 207/BC-PTNMT ngày 04/07/2014 của Phòng Tài nguyên - Môi trường về kiểm tra diện tích xin chuyển đổi mô hình sản xuất từ nuôi tôm thịt sang nuôi tôm giống tại xóm 7, xã Vĩnh Tân, UBND huyện Tuy Phong có ý kiến như sau: Từ những năm trước đây và đến nay, tại khu vực Vùng Đưng, xã Vĩnh Tân có các hộ dân nuôi tôm thịt sử dụng nguồn nước, thức ăn nuôi tôm khá lớn và xả lượng nước thải từ nuôi tôm thịt khá nhiều ra môi trường gây ngập úng tuyến kênh mương; xảy ra tình trạng tuyến kênh mương không thoát được nước vào mùa mưa; làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến đời sống của người dân; qua nhiều lần tiếp xúc cử tri người dân đã đề nghị chính quyền địa phương sớm quan tâm giải quyết vấn đề môi trường từ nước thải nuôi tôm thịt của các người dân tại khu vực này, do vậy vị trí này không còn phù hợp để nuôi tôm thịt.

Về đất đai thì có 3 hộ gia đình, cá nhân đề nghị xin chuyển đổi mô hình sản xuất từ nuôi tôm thịt sang nuôi tôm giống tại khu vực này, với diện tích 10,02 ha, cụ thể: Một hộ đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 2,66 ha và được UBND huyện chấp thuận việc chuyển đổi mô hình sản xuất từ nuôi tôm thịt sang nuôi tôm giống; hiện nay, đã xây dựng được các công trình nuôi tôm giống và đang hoạt động sản xuất ổn định. Hộ này cũng đã thực hiện việc việc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định Nhà nước (Thông báo số 241/TB-UBND ngày 15/10/2013 của UBND huyện về chấp nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường dự án) và đối với 2 hộ còn lại, khi có ý kiến của UBND tỉnh về việc giải quyết chuyển đổi mô hình sàn xuất từ nuôi tôm thịt sang nuôi tôm giống thì UBND huyện sẽ hướng dẫn các trình tự, thủ tục về cam kết môi trường đúng theo Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT ngày 18/7/2011 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường.

Ông Nguyễn Thanh Sang - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, nói: “Việc chuyển đổi 10,02 ha từ đất nuôi tôm thịt sang nuôi - sản xuất tôm giống không chỉ đáp ứng nhu cầu của người nuôi trồng thủy sản và mà còn thỏa mãn nguyện vọng của người dân, vì nuôi tôm thịt, khi xả đìa, người nuôi xả bừa bãi gây ô nhiễm môi trường nặng, người dân đã rất nhiều làn phản ảnh với chính quyền địa phương. Trong khi đó, việc chuyển đổi đất từ nuôi tôm thịt sang nuôi - sản xuất tôm giống thì doanh nghiệp phải hội đủ những điều kiện nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, cam kết bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Vì vậy, về mặt quản lý chất lượng con giống cũng như môi trường được chặt chẽ và tốt hơn. Hơn nữa, việc chuyển đổi này vẫn phù hợp với quy hoạch mà UBND tỉnh đã phê duyệt. Riêng một đơn vị đã được cấp phép họ đã xây dựng theo mô hình sản xuất tôm giống hiện đại không thua kém các thương hiệu sản xuất tôm giống trong khu vực Đông Nam Á. Điều này đáng biểu dương vì đúng với tinh thần của Quyết định số 2055/QĐ-UBND là khuyến khích và tạo điều kiện các thành phần kinh tế đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, sáng kiến cải tiến kỹ thuật sản xuất tôm giống chất lượng cao, bảo vệ môi trường…”.

Hoàng Minh