Giá xăng, người dân vẫn bị quẩn quanh với lời giải đáp
Kinh tế - Ngày đăng : 10:16, 10/07/2014
Chỉ trong hơn 10 ngày, giá xăng tăng liên tiếp 2 lần, xác lập đỉnh giá mới cao kỷ lục, với 26.140 đồng/lít với xăng RON 95 và 25.640 đồng/lít với RON 92.
Với mức giá này hiện xăng dầu ở Việt Nam đang cao hơn một số nước, thậm chí cao hơn ở Mỹ vài ngàn đồng/lít. Nhiều ý kiến cho rằng chính do tỷ lệ thuế, phí và nhiều khoản thu khác đã làm giá xăng dầu Việt Nam cao kỷ lục.
Sau một thời gian dài đối mặt với suy giảm kinh tế, thu nhập eo hẹp, người dân ngày càng thận trọng với các khoản chi tiêu. Kết quả nghiên cứu mới công bố của hãng Nielsen cho thấy 77% người được khảo sát cho rằng tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu. Tại doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước, từ lãnh đạo cao nhất tới từng nhân viên lúc nào cũng canh cánh nỗi lo cắt giảm chi phí, thận trọng mở rộng đầu tư, ngừng mua sắm mới, hạn chế tối đa chuyện liên hoan, lễ hội.
Dù muốn tiết kiệm, điện và xăng là hai thứ trong bất cứ điều kiện nào cũng phải dùng. Do vậy, giá xăng, tiền điện luôn là chủ đề nóng hổi đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Khi người dân Hà Nội chưa được giải tỏa thắc mắc vì hóa đơn tiền điện tăng bất thường thì tối ngày 7/7, giá xăng lại có đợt tăng thứ hai chỉ trong nửa tháng, lên 25.640 đồng một lít - kỷ lục từ trước đến nay.
Những nhà chuyên gia kinh tế nghiên cứu thị trường đưa ra nhận định của mình về vấn đề này. Họ đều nói đây không phải chủ quan của các doanh nghiệp muốn như vậy.
Như ông Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho biết: "Lúc này đừng bàn làm thế nào để giảm giá xăng mà phải xem nhà quản lý, doanh nghiệp xăng dầu có muốn giảm hay không? Thực ra bản chất của câu chuyện là người ta không muốn giảm giá xăng dầu vì họ có rất nhiều lợi ích trong đó. Thế nên tôi cho rằng bàn chuyện giảm giá xăng dầu là hết sức vô nghĩa nếu cơ chế điều hành giá xăng vẫn như hiện tại."
TS. Vũ Đình Ánh
Xong việc điều chỉnh giá đã cân nhắc để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng tâm sự xăng dầu tăng giá khiến hoạt động kinh doanh thêm bộn bề. Nhu cầu vận chuyển suy giảm, đã vậy từ vài tháng trở lại đây Bộ Giao thông Vận tải siết chặt kiểm tra trọng tải xe, khiến doanh nghiệp chật vật căn cơ chuyện tăng giá cước. Nay đến lượt giá xăng tăng liên tục, rủi ro với doanh nghiệp như ông là không thể tránh khỏi.
"Đặc thù của ngành vận tải là xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành, do vậy mỗi lần tăng giá là doanh nghiệp lại phải đàm phán với khách hàng. Trong bối cảnh kinh doanh sa sút như hiện nay, đàm phán không dễ chút nào", ông ca thán.
Anh Sơn - một tài xế taxi có thâm niên 10 năm chạy tuyến Hà Nội - Nội Bài cũng than thở về việc xăng tăng giá chóng mặt. Trung bình một ngày anh chở khách kiếm được một triệu đồng, song phải nộp lại cho hãng một nửa, trong 50% còn lại lái xe phải chịu tiền xăng nên nếu giá xăng tăng thì phần thu về ngày càng giảm. “Thu nhập giảm một phần ba, thậm chí một nửa so vói trước đây nhưng vẫn phải chấp nhận. Vì không chạy thì sẽ đói”, anh chia sẻ.
Đưa ra lý do cho lần tăng giá xăng ngày 7/7, Liên bộ Tài chính - Công Thương cho biết giá bán lẻ xăng Ron 92 thấp hơn giá cơ sở 918 đồng một lít (bao gồm giá nhập khẩu, thuế, lợi nhuận định mức và các loại chi phí khác). Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thay vì tăng giá, Bộ Tài chính có thể giảm thuế phí, bởi những chi phí này đang chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu giá xăng dầu bán lẻ hiện nay.
Theo phụ biểu cơ cấu tính giá của Bộ Tài chính, một lít xăng RON 92 về Việt Nam phải chịu 8.244 đồng tiền thuế và phí, bằng 35% giá bán lẻ và bằng gần một nửa giá CIF nhập xăng dầu về cảng (16.444 đồng một lít). Trong đó, thuế nhập khẩu (18%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng) và thuế giá trị gia tăng (10%). Đây cũng là nguyên nhân khiến giá xăng dầu Việt Nam cao hơn nhiều nước, thậm chí là cả Mỹ - một cường quốc kinh tế và có thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 30 lần Việt Nam.
Một báo cáo của Hiệp hội Xăng dầu từng cho biết, tại Mỹ, các khoản thuế phí áp cho xăng gồm thuế liên bang, thuế bang, thuế doanh thu, thuế địa phương, phí bể chứa ngầm, phí môi trường… chiếm khoảng 12%, tính ra tiền mặt chỉ bằng một phần ba lần các khoản thuế phí cùng thời điểm tại Việt Nam.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý giá đã bác khả năng có thể giảm thuế, vì cho rằng thuế là một khoản thu quan trọng của ngân sách nên phải cân nhắc kỹ, nếu tăng hoặc giảm và cũng không thể thực hiện ngay lập tức.
Việc tăng giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian ngắn đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, quỹ bình ổn giá - công cụ giúp bình ổn thị trường cũng được chuyên gia mổ xẻ còn nhiều điểm chưa hợp lý. Theo ông Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), hiện việc trích lập quỹ bình ổn được thực hiện ở hầu hết mọi thời điểm và do người mua xăng đóng góp, trong khi đáng ra chỉ nên trích lập khi giá xuống thấp để tạo nguồn bình ổn khi giá cao và doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghĩa vụ này. "Đây là điều vô lý, đáng lẽ doanh nghiệp cũng phải đóng góp chứ không phải người dân tự móc tiền túi ra để bình ổn", ông thẳng thắn.
Tác động dài hơn mà xăng dầu có thể mang tới là ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả những tháng cuối năm cũng như chỉ tiêu lạm phát, vốn đã được đánh giá kiềm chế thành công trong suốt nửa năm qua. "Trong bối cảnh xăng dầu là yếu tố đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến giá nhiều mặt hàng khác thì lạm phát tháng 7 và những cuối năm sẽ bị ảnh hưởng", ông Lê Đăng Doanh nói.
Trước đó, dù dự báo dư địa cho lạm phát còn rất rộng trong những tháng cuối năm (6 tháng đầu năm mới tăng 1,38%), song ông Nguyễn Đức Thắng - Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) cũng không ngoại trừ đến cuối năm chỉ số giá tiêu dùng có thể biến động nếu xảy ra mưa bão hoặc vào mùa khai giảng, và nay lại thêm yếu tố xăng dầu.
Theo ông Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả nhận định "Để giải quyết được vấn đề này cần phải tách quyền lợi nhà nước ra khỏi quyền lợi doanh nghiệp.
Bây giờ lợi ích nhà nước và doanh nghiệp gắn với nhau. Doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước, nếu doanh nghiệp mà thua lỗ thì nhà nước cũng thiệt, thế nên cũng muốn tăng giá để có lãi, để tăng thu thuế vì thuế đều nằm trên tỷ lệ phần % trên giá, giá càng tăng thì càng thu được nhiều. Cứ điều hành xăng dầu kiểu này thì nhà nước và doanh nghiệp sẽ bắt tay nhau tăng giá là đương nhiên, cuối cùng chỉ người tiêu dùng chịu thiệt.
Nếu không tách được quyền lợi nhà nước ra khỏi quyền lợi doanh nghiệp thì có kêu trời cũng không thay đổi được, kể có có sửa đổi Nghị định 84 cũng vô nghĩa, vì lợi ích của họ ở đó sao họ lại giảm.
Phải tách quyền lợi nhà nước ra khỏi doanh nghiệp bằng cách không thu thuế tương đối nữa, mà thu thuế tuyệt đối, ví dụ mỗi lít xăng thu 5.000 đồng, kệ giá bao nhiêu.
Nghiễm nhiên nhà nước chẳng có lợi ích gì trong việc tăng giá cả. Tăng hay giảm thì cũng vẫn thu thế. Nếu tăng giá sai thì xử lý doanh nghiệp… Vấn đề này tôi đề xuất lâu rồi nhưng không được làm."