Cổ phiếu Nông nghiệp: Hàng không “nóng” nhưng vẫn được “ngóng”
Kinh tế - Ngày đăng : 09:28, 26/06/2014
Theo phân ngành của Vietstock trên sàn thì hiện có 8 mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành Nông nghiệp, bao gồm: HAG, PHR, DPR, HRC, TRC, SSC, NSC và HRC. Đây hầu hết là các mã thuộc các công ty tập trung lĩnh vực trồng trọt và thị giá đều ở mức trên mệnh giá tính đến thời điểm bài viết thống kê.
Với nền kinh tế còn thuần nông 70% thì con số 8 mã cổ phiếu thuộc ngành phản ánh quá ít ỏi quy mô nông nghiệp Việt Nam nếu nhìn từ góc độ TTCK. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận tích cực là 8 DN này đều là những đơn vị có được sự tăng trưởng doanh thu và duy trì lợi nhuận khá ổn định. Mặc cho nông nghiệp vẫn hay bị cho là có nhiều rủi ro bởi ảnh hưởng của thiên nhiên và nghịch cảnh được giá mất mùa, mất giá được mùa, nhưng đó là trên phương diện người nông dân. Còn đứng dưới góc độ một DN niêm yết thì hoạt động sản xuất nông nghiệp được kiểm soát chặt chẽ các khâu từ gieo trồng đến thu hoạch và chế biến. Và chỉ khi làm chủ được các khâu sản xuất, DN mới kiểm soát rủi ro và biết điểm mạnh điểm yếu thực sự của mình.
Bên cạnh đó, ngành nghề này có được chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cho DN từ 10-20% theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ giữa tháng 2/2014; các chính sách về đất đai và một số gói tín dụng cũng ưu đãi hỗ trợ cho các DN.
Trong 3 năm gần đây, tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu của các DN niêm yết ngành Nông nghiệp trung bình là 26%, trong đó có những DN có tỷ lệ này trên 40% như TNC, DPR, TRC.
Tuy nhiên nhìn lại giai đoạn trên, tỷ suất này có sự sụt giảm lần lượt qua 3 năm 2011, 2012, 2013 là 32%, 25%, 23%, có phải các DN trong ngành đang có dấu hiệu sa sút? Không hẳn là vậy, bởi phần đông các DN trên đều là trồng trọt nên cần có thời gian để cây sinh trưởng và thu hoạch. Điều này phản ánh một đặc thù cho việc đầu tư vào ngành mang tính lâu dài, không như con tôm, con cá trong vòng vài ba tháng mà trong vòng vài ba năm và lâu hơn nữa đối với cây công nghiệp.
“Hái tiền” từ cổ tức
Một điều đáng để quan tâm tới cổ phiếu Nông nghiệp đó là mức cổ tức khá cao so với mặt bằng chung, trung bình 25%/năm. Hầu hết được chia bằng tiền mặt, một trong những yếu tố khuyến khích các nhà đầu tư gắn bó lâu dài với cổ phiếu ngành này.
Cây công nghiệp càng lâu năm thì kết quả thu hoạch càng cao, đánh dấu sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận về sau, trong khi vốn đầu tư đã được phân bổ trước đó. Phần lợi nhuận ở mức ban đầu được sử dụng chia cổ tức cho cổ đông, còn phần lợi nhuận tăng trưởng tiếp tục được sử dụng để đầu tư mới, được sự tròn vẹn đôi bên cho DN và nhà đầu tư.
Cổ tức các DN niêm yết ngành Nông nghiệp năm 2013-2014 |
Có thể thấy trong năm 2013, 7/8 DN chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ cao, hầu hết trên 20%, chỉ có TNC là 14%, nổi bật nhất là DPR với 40%. Sang năm 2014, mặc dù một số đơn vị có tình hình kinh doanh quý 1 có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn đảm bảo mức chia cổ tức tương đương với năm trước và tất cả đều bằng tiền mặt. Một quy luật tự nhiên của việc trồng cây rồi sẽ có ngày được “hái quả” cho cả người góp sức và người góp vốn.
Tiềm năng phát triển lâu dài
Điển hình như Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG), cái tên quá nổi tiếng trong giới Sản xuất đồ gỗ, Bất động sản nay chuyển sang lĩnh vực Nông nghiệp. Năm 2013 lợi nhuận gộp là 1,196 tỷ đồng thì hoạt động Nông nghiệp chiếm gần 60%, tương đương hơn 700 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng năm vừa qua đạt gần 972 tỷ đồng, gấp 2.5 lần năm 2012, tỷ suất lợi nhuận tăng từ 8% lên 35%.
Trong nỗ lực trồng trọt đến nay HAG có 44,500 ha diện tích đất cao su và độ tuổi khai thác đem lại tốc độ tăng trưởng từ năm 2014. HAG cho biết sẽ đa dạng hóa cây trồng như mía đường, cọ dầu, bắp cùng với việc giữ nguyên diện tích cao su hiện có, đồng thời xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm ngay sau thu hoạch. Cuối tháng 3 vừa qua, HAG huy động thành công 1,000 tỷ đồng trái phiếu bổ sung vốn cho dự án cao su, dầu cọ. Quý 1/2014 HAG thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu năm khi đạt 925 tỷ đồng, lãi ròng cao nhất trong 13 quý trở lại với 372 tỷ đồng, tương đương 25% kế hoạch. Như vậy khả năng vượt 50% lãi ròng năm trước có phải là “cực kỳ đơn giản” như lời phát biểu của vị Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức?
Kết quả kinh doanh quý 1/2014 các DN niêm yết ngành Nông nghiệp |
Nhóm DN cao su như Phước Hòa (HOSE: PHR), Đồng Phú (HOSE: DPR), Tây Ninh (HOSE: TRC) những năm gần đây cùng chung xu hướng doanh thu và lợi nhuận sụt giảm. Tuy nhiên, các đơn vị đều duy trì được tỷ suất lợi nhuận cao. PHR ở tỷ lệ 26%, DPR duy trì trên 30%. Trong đó, Cao su Phước Hòa là DN lâu đời trong ngành, công ty tiếp tục đưa kế hoạch 2014 thấp hơn năm 2013 bởi hiện tại các vườn cao su tại Campuchia trong giai đoạn sinh trưởng, đến năm 2015 mới bắt đầu khai thác. Tín hiệu tốt là trong quý 1/2014, PHR đạt lãi ròng 76.7 tỷ đồng, tăng 64% cùng kỳ và thực hiện 36% kế hoạch.
Còn lại Cao su Hòa Bình (HOSE: HRC) và Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) tăng trưởng trái ngược nhau. TNC từng có thời điểm đỉnh cao của tỷ suất lợi nhuận là 50% thì nay giảm đi đáng kể. Quý 1 vừa rồi chỉ còn 1%, khi mà doanh thu 5.6 tỷ đồng chỉ mang lại lợi nhuận 41 triệu đồng. Ngược lại, HRC qua các năm giữ đều tỷ suất lợi nhuận khoảng 18%, quý 1/2014 doanh thu tuy giảm một nửa cùng kỳ nhưng lãi ròng lại gấp hơn 16 lần, đạt 19.7 tỷ đồng.
Hai đơn vị khác là Giống cây trồng Miền Nam (HOSE: SSC) và Giống cây trồng Trung ương (HOSE: NSC) có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất trong 8 DN với 14%. Tuy nhiên lại giữ được đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định. Quý 1/2014, SSC ghi nhận lãi ròng tăng 44% cùng kỳ, đạt 16 tỷ đồng, còn NSC lãi 26.5 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ.
Yếu thế thanh khoản cổ phiếu
Xem xét về tính thanh khoản cũng như sự biến động giá trong thời gian qua có thể thấy chỉ tập trung vào một số cổ phiếu chủ chốt như HAG với trung bình 3.5 triệu cp/phiên; DPR được gần 200,000 cp/phiên; còn lại chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn cp/phiên. Giá cổ phiếu trong 3 tháng qua hầu hết là giảm theo xu hướng chung của TTCK, có được SSC và NSC tăng lần lượt 30% và 5%.
Nhìn về vạch xuất phát, SSC và NSC có được đà gia tăng đáng kể khi giá cổ phiếu tăng lần lượt 563% và 430% so với thời điểm mới lên sàn, HAG tăng 55%. Còn lại tuy giảm nhưng giá vẫn ở mức cao so với nhiều cổ phiếu trên thị trường.
Biến động giá cổ phiếu Nông nghiệp trong 3 tháng và từ ngày mới niêm yết |
Cổ phiếu ngành này đang được khối ngoại ưa chuộng. Tính đến thời điểm các công ty này ra báo cáo thường niêm năm 2013 thì tỷ lệ sở hữu của các khối ngoại trung bình là 20% vốn điều lệ các DN. Cao nhất là HAG với gần 36%, và thời gian gần đây vẫn liên tục được khối này mua vào đáng kể.
Bên cạnh đó, sự gom mua thâu tóm của của những ông lớn như trường hợp của SSC và NSC từ nhóm cổ đông lớn SSI cho thấy nông nghiệp đang rất có tiềm năng đầu tư. Tại ĐHĐCĐ năm 2014 của SSI, Ban lãnh đạo cũng cho biết trong năm sẽ tham gia đầu tư trọng điểm vào mảng Nông nghiệp. Mới đây công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSIAM) nhận hơn 1 triệu cp thưởng từ NSC, nâng tỷ lệ sở hữu lên 15.84%.
Trao đổi với ông Phan Dũng Khánh-Giám đốc Tư vấn Đầu tư CTCK Maybank Kim Eng, ông nhấn mạnh Nông nghiệp là ngành nghề có thể định giá được, có thể “sờ” vào sản phẩm làm ra một cách rõ ràng, không vô hình như Chứng khoán hay Ngân hàng. Vì vậy những nhà đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu là dài hạn, nhóm đầu cơ rất ít tham gia vào các mã này nên không thu hút được dòng tiền ngắn hạn, dẫn đến thanh khoản không cao.
Bàn về nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay “tấn công” vào nông nghiệp, ông Khánh nhìn nhận họ chuyển sang nông nghiệp nhưng về cơ bản vẫn giữ ngành nghề kinh doanh chính, và NĐT vẫn nhìn nhận nông nghiệp không phải là ngành chính của doanh nghiệp đó. Việc chuyển sang như vậy chủ yếu là để thu hút các dòng tiền dài hạn. Kết quả hay không phải đợi ít nhất một năm nữa.
Nông nghiệp có thể sẽ không rầm rộ như Bất động sản, Chứng khoán hay Ngân hàng nhưng là ngành kinh tế cơ bản và có tiềm năng phát triển lâu dài. Tùy theo khẩu vị của mỗi nhà đầu tư mà “món ăn” Nông nghiệp sẽ mang đến sự hài lòng ở mức độ nào như câu nói của dân gian - “Nhai kỹ no lâu”.
Thiên Minh