Bức tranh nền kinh tế 2014 qua kỳ vọng của các doanh nghiệp niêm yết
Kinh tế - Ngày đăng : 08:56, 17/06/2014
Để đưa ra các kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo mỗi doanh nghiệp phải phân tích và đánh giá rất nhiều yếu tố |
Kế hoạch kinh doanh chính là ước tính của ban lãnh đạo doanh nghiệp về doanh thu, lợi nhuận có thể đạt được trong thời gian tới. Để hoạch định nên các kế hoạch này, ban lãnh đạo mỗi doanh nghiệp phải dựa trên yếu tố nội tại đang có và những nhân tố tác động để phân tích và ước tính các nguồn thu, khoản chi chắc chắc cũng như dự báo những yếu tố bất ngờ có thể gặp phải để loại trừ trường hợp quá lạc quan hay quá bi quan. Qua số liệu kế hoạch, có thể thấy các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết có những kỳ vọng và nhìn nhận năm 2014 với nhiều điểm khởi sắc.
Cụ thể, theo thống kê của Vietstock, tính đến giữa năm có khoảng 500 doanh nghiệp niêm yết đã công bố kế hoạch kinh doanh 2014. Trong đó, có 55% doanh nghiệp đưa chỉ tiêu năm nay khả quan hơn năm trước, 8.4% đặt mục tiêu có lãi trong khi năm 2013 bị lỗ, 33% doanh nghiệp bi quan hơn khi đặt kế hoạch lợi nhuận giảm, 0.4% doanh nghiệp cho rằng sẽ bị lỗ trong năm 2014.
Số liệu thống kê cho thấy tuy số lượng doanh nghiệp kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay sẽ khả quan hơn năm trước chiếm phần hơn nhưng con số này vẫn rất dè dặt và không chênh lệch nhiều so với chiều ngược lại.
Kế hoạch lãi tăng đến cả trăm lần
Hàng loạt doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi tăng đến cả chục lần so với thực hiện năm trước. Thậm chí tăng vài chục lần đến vài trăm lần, điển hình như CTCP Phát triển Hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (HOSE: PPI) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng gần 367 lần, từ mức lãi 136 triệu đồng lên 50 tỷ đồng. Đây có thể nói là một kế hoạch rất đột biến so với mức lãi chưa tới 1 tỷ đồng thực hiện được ở hai năm trước.
Phát biểu về kế hoạch tham vọng này tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014, ông Phạm Đức Tấn - Chủ tịch HĐQT tin tưởng vào khả năng hoàn thành nhờ các hợp đồng trị giá 500 tỷ đồng đang có trong tay và một số dự án dân cư tại Vĩnh Phúc, Bến Lức mang về lợi nhuận 15 tỷ đồng từ đầu năm 2014 đến nay.
Kết quả kinh doanh quý 1/2014 của PPI cũng khá đột biến khi lãi ròng thực hiện 5 tỷ đồng, tăng trưởng 62 lần so với cùng kỳ năm trước. Song so với kế hoạch năm thì chỉ mới thực hiện được 13% chặng đường.
Không hoành tráng bằng nhưng SDY, KSQ, GTT, NHA, VBH… cũng đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng đến vài chục lần.
Top doanh nghiệp tăng mạnh kế hoạch lợi nhuận năm 2014 so với thực hiện năm 2013 |
Bên cạnh các doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh tăng trưởng ấn tượng thì các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ thoát lỗ với mức lãi lớn cũng cần được nhắc đến. Thép Pomina (HOSE: POM) là một trong những doanh nghiệp như vậy, năm 2013 POM gây sốc với khoản lỗ lên đến 218 tỷ đồng, nguyên nhân chính đến từ việc doanh số bị hao hụt do nhà máy thép Pomina 2 ngưng hoạt động trong vòng 9 tháng. Tuy nhiên năm nay, với việc Pomina 2 hoạt động trở lại, HĐQT cho rằng mục tiêu kế hoạch lãi 200 tỷ đồng là hoàn toàn có thể thực hiện được. HĐQT cho biết việc nhà máy Pomina 2 đi vào hoạt động đã giúp doanh nghiệp có lãi 23 tỷ đồng trong tháng 3 và giúp cả quý chỉ còn lỗ 5 tỷ đồng, dự kiến các quý tiếp theo sẽ lãi 70-80 tỷ đồng mỗi quý.
Hay Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) kỳ vọng đạt lãi trước thuế 160 tỷ đồng trong năm 2014 dù năm trước lỗ 26 tỷ đồng, đây là mức lãi khá đột biến so với các năm trước đây (từ năm 2010 đến nay, BCC luôn chỉ ghi nhận lãi ròng ở mức 60 tỷ đồng đổ lại). Dù vậy, mục tiêu doanh thu của BCC chỉ tăng trưởng 7%.
BCC cho biết năm 2013 bị lỗ là bởi dự án dây chuyền nghiền xi măng công suất 500,000 tấn/năm (công ty con – CTCP Xi măng Miền Trung đầu tư) mới đi vào hoạt động vào tháng 5/2013 nên chưa ổn định và thị trường mới tiêu thụ còn khó khăn. Do vậy Xi măng Miền Trung chỉ sản xuất được 18% công suất không thể bù đắp chi phí lãi vay, khấu hao và chi phí cố định khác. Song sang năm 2014, khi hoạt động ổn định hơn, BCC kỳ vọng Xi măng Miền Trung sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn cho công ty mẹ.
Top doanh nghiệp đặt kế hoạch có lãi trong năm 2014 dù năm 2013 lỗ nặng |
33% doanh nghiệp đặt kế hoạch giảm
Ở chiều ngược lại, trên sàn cũng không hiếm doanh nghiệp đặt mục tiêu kinh doanh thụt lùi. Giảm mạnh nhất phải kể đến Fideco (HOSE: FDC), kế hoạch kinh doanh của FDC khá khiêm tốn với tổng doanh thu 78 tỷ đồng, giảm 69% và lợi nhuận trước thuế 51.4 tỷ đồng, giảm 84% so với thực hiện năm trước.
Một điểm đáng lưu ý của FDC là năm 2013 nhờ bán tòa nhà Fideco Tower mà lợi nhuận mới đột biến lên 242 tỷ đồng trong khi các năm trước đó lãi ròng chỉ khoảng 30 tỷ đồng. Năm 2014, sau khi bán Fideco Tower, FDC chuyển sang đầu tư tài chính và mua bán sáp nhập (M&A) là chủ yếu.
Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) - một doanh nghiệp trong lĩnh vực Vận tải thủy cũng có cái nhìn bi quan về tương lai với kế hoạch lãi giảm 80%. Và kết quả kinh doanh quý 1 đã phần nào phản ánh màu xám xịt trong năm 2014 dành cho VIP với khoản lỗ 15 tỷ đồng, quý đầu tiên báo lỗ từ năm 2010. Nguyên nhân là do trong quý VIP đưa tàu Petrolimex 16 vào sửa chữa định kỳ nên doanh thu vận tải giảm và chi phí sửa chữa thì tăng.
Theo thống kê có khoảng 160 doanh nghiệp niêm yết công bố kế hoạch kinh doanh năm 2014 giảm so với thực hiện năm 2013, ứng với 33% trên tổng số doanh nghiệp đã công bố kế hoạch. Trong đó, 14% doanh nghiệp giảm lãi đến trên 50% với những cái tên nổi bật có kết quả kinh doanh ổn định qua nhiều năm như NBC, SLS, LHC, PVS.
Top doanh nghiệp giảm mạnh kế hoạch năm 2014 so với thực hiện năm 2013 |
Ngoài các trường hợp trên, thống kê cho thấy có 2 doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh lỗ, đó là Vitranschart (HOSE: VST) và Dược và Thiết bị Y tế Việt Mỹ (HNX: AMV).
VST đặt kế hoạch lỗ 179 tỷ đồng (năm 2013 lỗ 223 tỷ đồng), theo đó chắc chắn VST sẽ phải rời sàn nếu hoàn thành kế hoạch vì 3 năm liên tiếp thua lỗ. Với AMV, trong những năm gần đây, kết quả kinh doanh khá èo uột và giảm dần. Năm 2013 doanh nghiệp có lãi 145 triệu đồng và thoát án hủy niêm yết nhưng năm nay, AMV lại đặt kế hoạch lỗ 2.8 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất từ trước đến nay.
Cuối cùng, một doanh nghiệp đình đám với những công bố mới đây gây thất vọng lớn cho nhà đầu tư là PVX. Tuy trong Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên, PVX bỏ ngỏ kế hoạch lợi nhuận nhưng chia sẻ tại Đại hội, Ban lãnh đạo nêu ra hai kịch bản, trường hợp khả quan nhất doanh nghiệp lỗ 400 tỷ đồng và trường hợp xấu nhất lỗ cả 1,000 tỷ đồng. Với cả hai phương án, PVX nắm chắc việc phải rời sàn.
Mỹ Hà