Doanh nghiệp họ Dầu khí: Kéo nhau đắm tàu

Kinh tế - Ngày đăng : 12:57, 10/06/2014

Ngoài ngân hàng thì có lẽ ngành Dầu khí là có mối quan hệ “dây nhợ” chằng chịt nhất, đó là chưa tính tới việc cho vay nợ lẫn nhau mà mới xét đến sở hữu cổ phần giữa các đơn vị trên sàn chứng khoán.

Khi các doanh nghiệp này làm ăn khấm khá thì hẳn là một tương lai tươi sáng cho cả đôi bên. Nhưng khi một doanh nghiệp sa cơ thì sẽ kéo theo một hệ lụy vô cùng lớn và khả năng “đắm tàu” cùng nhau là không tránh khỏi. Và những ai đang bị mắc kẹt vốn trong mớ bòng bong này?

“Thân lừa ưa nặng”

Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) dù chỉ mới qua 2 năm và 1 quý làm ăn thua lỗ từ năm 2012 nhưng lỗ lũy kế (31/03/2014) xếp hạng “khủng” nhất thị trường với 3,360 tỷ đồng, gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Báo cáo kiểm toán 2013 bị kiểm toán lưu ý hàng loạt vấn đề… Bởi thế mà từ khi niêm yết (2009) giá cổ phiếu PVX sau khi đạt đỉnh giữa năm 2010 (đồng thời với mức lãi cao nhất từ trước đến nay 586 tỷ đồng) thì lao dốc thảm cho đến nay. Điểm đặc biệt, đây lại là cổ phiếu có thanh khoản ngày càng tăng và đạt mức “cực cao” trên thị trường chứng khoán trong 3 tháng qua khi bình quân có đến gần 10 triệu cp được giao dịch mỗi phiên.

Biến động cổ phiếu PVX từ khi niêm yết đến nay

Doanh nghiệp họ Dầu khí: Kéo nhau đắm tàu

Nguồn: VietstockFinance

Hiện cổ đông lớn nhất của PVX là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với tỷ lệ nắm giữ 54.45% vốn. Trước đó (2011) thì có Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVF - nay là PVCombank) với tỷ lệ sở hữu 3.52%, hay Chứng khoán Dầu khí (PSI) nắm 1.63%...

Trong khi đó, PVX lại đang sở hữu “một mớ vệ tinh” cùng họ hàng khác mà hoạt động kinh doanh rất èo uột và đa số cùng chung số phận cổ phiếu bị kiểm soát và cảnh báo như PFL, PTL, PXL, PVV, PVL... Bởi thế mà hồi tháng 3 vừa qua, PVX cho biết sẽ thoái vốn tại 13 doanh nghiệp niêm yết với lượng cổ phiếu nắm giữ đều từ hàng triệu trở lên. Đáng chú ý trong danh sách này có PSG, PXM và PVA đã phải “hạ cờ” do lỗ 3 năm liên tiếp và vốn chủ sở hữu bị âm. Nghĩa là câu tuyên bố “bán theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng sẽ không thấp hơn giá trị cổ phiếu khi góp vốn” của PVX xem ra không khả thi.

Với tình trạng bầy nhầy của PVX, chính PVN cũng đã lên tiếng tái cấu trúc PVX và sẽ dành toàn bộ công việc thi công xây lắp các công trình dầu khí trên bờ cho đơn vị này như: Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Long Phú 1; Kho chứa LPG lạnh Thị Vải; đường ống dẫn khí Lô B Ô Môn; khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn… Đây cũng là tín hiệu mừng cho PVX nhưng cũng là điều đáng lo ngại trước áp lực vốn. Tuy nhiên, PVX cho biết sẽ làm việc với ngân hàng để cơ cấu lại các khoản nợ, đàm phán giảm lãi suất và thu xếp đủ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, với kế hoạch lợi nhuận 2014… với hai kịch bản đều lỗ lớn, quý đầu tiên của năm đã lỗ thì khả năng PVX được tiếp tục niêm yết là rất bấp bênh!

“Có họa cùng chịu!”

Không có may mắn được cổ đông lớn hỗ trợ như PVX, Đầu tư và Xây lắp Dầu khí (PSG) đã chính thức phải chia tay thị trường chứng khoán từ ngày 03/06 vừa qua tại mức giá 700 đồng/cp do thua lỗ 3 năm liên tiếp và vốn chủ sở hữu âm 242 tỷ đồng.

Điều đáng nói, sau khi đủ tiêu chuẩn có lãi 2 năm liên tiếp (2009 và 2010) để lên sàn vào năm 2011 thì năm này cũng đánh dấu bắt đầu sự trượt dốc của PSG với chuỗi lỗ hàng loạt sau đó. Nghĩa là PSG chưa kịp thực hiện mục đích của việc niêm yết là huy động vốn thì đã phải ngậm ngùi ra đi.

Biến động giá cổ phiếu PSG trong vòng 12 tháng qua

Doanh nghiệp họ Dầu khí: Kéo nhau đắm tàu

Nguồn: VietstockFinance

PSG cho biết thua lỗ liên tục do vốn bị thắt chặt, chi phí vật tư tăng cao, lãi vay cũng tăng, vì thế các công trình bị ngừng thi công và bàn giao cho nhà thầu khác. Công ty sẽ khắc phục khó khăn bằng cách chuyển nhượng các dự án đầu tư để thanh toán các khoản nợ ngân hàng và khách hàng, tìm kiếm việc làm mới để đạt mục tiêu hòa vốn và có lãi trong các năm kế tiếp.

Tại ngày 30/09/2013, cổ đông lớn của PSG là PVX (26.19%), Đầu tư Xây dựng và Thương mại Dầu khí Idico (HNX: PXL) với 8.15%. Ngoài ra, Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (HOSE: PTL) cũng nắm 0.85% vốn PSG.

Trong khi đó PXL cũng hoạt động kinh doanh đang ngày càng đi xuống khi năm 2013 đã báo lỗ gần 6 tỷ đồng. Cổ phiếu này cũng đang bị cảnh báo do tại BCTC kiểm toán năm 2012, công ty kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ có ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh làm lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi thành lỗ. Sau gần 4 năm niêm yết thì cổ phiếu PXL hiện cũng chỉ quanh mốc 3,800 đồng/cp.

Tương tự, PVX cũng đang bị chôn 51% vốn tại Xây lắp Dầu khí miền Trung (PXM) khi doanh nghiệp này hủy niêm yết từ 14/05 do lỗ lũy kế vượt vốn thực góp 106 tỷ đồng và kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với BCTC kiểm toán 2013.

Điều đáng nói, nếu như trước khi bị hủy niêm yết thì đa số các cổ phiếu đều giảm sàn kịch liệt thì một ngày trước khi bị hủy niêm yết, cổ phiếu PXM tăng khá mạnh tới 12% lên mức 900 đồng/cp.

Biến động giá cổ phiếu PXM trong vòng 12 tháng qua

 

Doanh nghiệp họ Dầu khí: Kéo nhau đắm tàu

Nguồn: VietstockFinance

Ngoài ra, PVX nắm gần 23% vốn Xây lắp Dầu khí Nghệ An (HNX: PVA) nhưng cổ phiếu này cũng phải rời sàn ngày 09/06. PVA vừa lỗ 3 năm liên tiếp vừa bị kiểm toán không chấp thuận đối với BCTC kiểm toán 2013. Tuy nhiên, điểm sáng của PVA đối với các doanh nghiệp khác là quý 1/2014 đã có lãi 203 triệu đồng nhưng lại nhờ… bán tài sản.

Tương tự như PVX, giá cổ phiếu PVA đạt đỉnh hơn 80,000 đồng/cp vào năm 2010 rồi từ đó trượt dài xuống dưới 2,000 đồng/cp sau gần 6 năm gia nhập thị trường chứng khoán.

Biến động giá cổ phiếu PVA từ khi niêm yết đến nay

Doanh nghiệp họ Dầu khí: Kéo nhau đắm tàu

Nguồn: VietstockFinance

Đây mới chỉ là một góc của bức tranh những doanh nghiệp niêm yết đầu tư sở hữu chồng chéo. Thời điểm đỉnh cao của trào lưu nhà nhà chơi chứng, nhà nhà đầu tư bất động sản đã qua. Bởi thị trường sẽ tự đào thải những doanh nghiệp quản trị yếu kém, đầu tư tràn lan, sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà tạo nên sự bấp bênh trong kinh doanh.

Hẳn nhiên, cổ phiếu bị hủy niêm yết chưa phải là tình huống xấu nhất đối với các cổ đông nắm giữ. Bởi nếu luận một cách lạc quan thì sau khi hủy niêm yết, nếu những doanh nghiệp này tái cấu trúc thành công và làm ăn có lãi thì việc lên sàn trở lại với mức giá tham chiếu 10,000 đồng/cp sẽ lợi hơn rất nhiều cho cổ đông nào chịu… chờ. Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (SBS) là một minh chứng cho việc tái cấu trúc thành công sau khi bị hủy niêm yết. Và hiện cổ phiếu này cũng đang “khuynh đảo” trên thị trường UPCoM.

Nhưng sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp hồi sinh được như vậy?

Thanh Nụ