VPBank sẽ mua lại Công ty tài chính Than-Khoáng sản Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 16:05, 03/06/2014
Theo đó, Chính phủ đã đồng ý về chủ trương và yêu cầu việc mua, bán phải tuân thủ quy định của pháp luật về sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng và pháp luật liên quan. Phó Thủ tướng cũng cho phép Hội đồng thành viên Vinacomin quyết định theo thẩm quyền việc bán vốn điều lệ tại CMF cho VPBank trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn, hiệu quả. Hai bên đang tiến hành các bước tiếp theo để hoàn tất thương vụ.
“Sau khi hoàn tất việc mua lại CMF, VPBank sẽ chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng hiện nay sang công ty mới,” đại diện Ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank khẳng định.
Theo lãnh đạo của VPBank và Vinacomin, việc Vinacomin bán lại phần vốn tại CMF cho VPBank nhằm thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, đồng thời hiện thực hóa định hướng tập trung cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng, là một phần của chiến lược bán lẻ của VPBank.
Bên cạnh đó, Ngân hàng cho biết vào ngày 30/05/2014, Ngân hàng nhà nước cũng đã chấp thuận nguyên tắc việc VPBank mua lại CMF.
Được biết, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tổ chức lễ ra mắt Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (VINACOMINFC) vào tháng 04/2007 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Các lĩnh vực hoạt động của công bao gồm huy động vốn thông qua nhận tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên của các tổ chức, cá nhân; phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các loại giấy tờ có giá khác; vay các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và quốc tế; tiếp nhận vốn uỷ thác của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Năm 2008, vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam được tăng lên 600 tỷ và tiếp tục đạt 1,000 tỷ đồng vào năm 2009.
Đối với VPBank, ngân hàng cũng chưa sở hữu công ty tài chính nào. Đến cuối năm 2013, VPBank có 2 công ty con là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) và Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPAMC).
Minh Hằng