Cổ phiếu ngành Thép nào đáng đầu tư?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:56, 26/05/2014

Mở rộng sản xuất, thành lập nhà máy, đẩy mạnh khả năng tiêu thụ ở các phân khúc truyền thống và giá đang ở mức hợp lý nhà những điểm nhấn ở một số đơn vị ngành thép.
Theo đó, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên quan tâm và có thể giải ngân ở một số cổ phiếu trong ngành như NKG, HSG, TLH và VIS.

NKG: Mua với giá mục tiêu 11,100 đồng

Theo CTCK FPT (FPTS), CTCP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) là nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm tôn mạ và ống thép với thị phần tôn mạ lớn thứ 2 tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình 38%/năm trong giai đoạn 2009-2013. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2011-2012 không khả quan do thị trường bất động sản, xây dựng khó khăn và hoạt động thương mại chiếm tỷ trọng cao. Bên cạnh đó, đòn bẩy tài chính quá cao tạo ra áp lực lãi vay lớn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và những rủi ro về dòng tiền, thanh khoản đối với công ty.

Năm 2013, công ty có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất với 1 dây chuyền cán nguội công suất 200,000 tấn/năm và 1 dây chuyền nhôm kẽm mỏng công suất 100,000 tấn/năm. 2 dây chuyền này sẽ được đưa vào hoạt động vào quý 1 và quý 2/2015. Với dây chuyền cán nguội mới, công ty kỳ vọng sẽ tự chủ hoàn toàn nguồn nguyên liệu thép cán nguội (CRC), là nguyên liệu đầu vào của các dây chuyền sản xuất.

FPTS dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2014 của NKG đạt khoảng 57 tỷ đồng, tương ứng EPS forward 2014 là 1,900 VND/cổ phiếu. Qua đó, FPTS khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu NKG với mức giá mục tiêu 11,100 VND, tương ứng với P/E hợp lý là 5.85x.

>> Xem báo cáo chi tiết

Theo dõi TLH và VIS

Năm 2014, Tập đoàn thép Tiến Lên (HOSE: TLH) đặt khá cao với kế hoạch doanh thu thuần 4,000 tỷ đồng (tăng 31%) và lãi ròng là 125 tỷ đồng (tăng 9%).

Tại thời điểm cuối năm 2013, TLH góp 46.8% vốn vào dự án Nhà máy thép hình Bắc Nam với quy mô là 300,000 tấn/năm. CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VBCS) cho rằng nhà máy này được đánh giá là có quy mô lớn nhất cả nước khi hiện nay, thép hình của Việt Nam chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu. Việc nhà máy đi vào hoạt động kỳ vọng tạo ra sự tăng trưởng tốt cho TLH, cung cấp ổn định nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do khuôn mẫu chưa chuẩn bị xong nên dự kiến năm 2015 TLH mới đi vào vận hành nhà máy này. Do đó biên lợi nhuận gộp trong năm 2014 của TLH khó có thể cải thiện nhiều do doanh thu từ hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Theo VBCS, TLH đang dần chuyển mình từ công ty thương mại thành công ty sản xuất thép hình. Tỷ lệ nợ của TLH sẽ giảm dần trong thời gian tới khi TLH phát hành thành công trái phiếu chuyển đổi cũng như huy động vốn vay từ các cổ đông lớn. Tuy nhiên tăng trưởng kết quả kinh doanh trong thời gian gần đây của TLH không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu là là từ các khoản hoàn nhập dự phòng và doanh thu khác.

Do đó, VBCS khuyến nghị theo dõi vận hành của nhà máy thép hình và quá trình cơ cấu nợ để ra quyết định đầu tư vào TLH.

>> Xem báo cáo chi tiết

Bên cạnh TLH, VCBS cũng khuyến nghị theo dõi việc tiêu thụ thép trong quý 2 và quý 4 của CTCP Thép Việt Ý (VIS) để ra quyết định đầu tư.

Tính đến tháng 3/2014, thị phần thép xây dựng của VIS trong ngành đạt 4.5%, đứng sau nhiều doanh nghiệp lớn như: HPG, Pomina, Tisco… Các doanh nghiệp lớn đầu ngành với lợi thế về quy mô, giá bán đã tranh thủ bối cảnh khó khăn của chung của ngành thép trong thời gian qua để đẩy mạnh cạnh tranh và chiếm lĩnh dần thị phần của các doanh nghiệp nhỏ hơn.

Theo VCBS, đầu ra của VIS chủ yếu là cung cấp cho các dự án, chiếm khoảng 80% sản lượng tiêu thụ, trong đó tiêu thụ tại các dự án công nghiệp và dân sự chiếm khoảng 65%, dự án giao thông chiếm 35%. Sản phẩm thép VIS được sử dụng cho các dự án của Sông Đà đặc biệt là công trình thủy điện, các dự án của Bộ Giao thông – Vận tải như Cienco1, Cienco4… Do đó, mặc dù trong thời gian qua, các doanh nghiệp lớn đầu ngành như HPG đã tiến hành mở rộng cạnh tranh tại phân khúc kinh doanh của VIS, VCBS đánh giá tác động của ảnh hưởng này là không quá lớn do đây vẫn là phân khúc truyền thống và thế mạnh của VIS.

Năm 2014, VCBS dự báo VIS đạt 3,392.5 tỷ đồng (giảm 0,7%) doanh thu thuần và 19.7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên kết quả kinh doanh (KQKD) của VIS cũng giống các doanh nghiệp sản xuất thép khác biến động khá mạnh theo khả năng tiêu thụ thép, công suất vận hành lò, và giá các nguyên liệu đầu vào. Các dự báo về KQKD của VIS đều ở mức thận trọng nhất. VCBS đánh giá mức lợi nhuận ước tính này cho năm 2014 là tương đối khả quan đối với VIS sau hai năm lỗ liền trước đó.

>> Xem báo cáo chi tiết

Nắm giữ HSG do giá đang ở mức hợp lý

CTCK Sài Gòn (SSI) cho rằng kết quả kinh doanh quý 2/2014 của Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) gây nhiều thất vọng. Mặc dù doanh thu tăng 28.5% so với cùng kỳ và tăng 1.3% so với quý trước, lợi nhuận ròng lại giảm 70% so với cùng kỳ và giảm 34% so với quý trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp quý 2/2014 giảm xuống 11.6%, so với 19.6% trong quý 2/2013 và 14.6% trong năm 2013.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu HSG đạt 6,641 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận 6 tháng đầu năm chỉ đạt 170 tỷ đồng, giảm 51.7% so với cùng kỳ. Nhờ công suất nhà máy tăng thêm, sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm đạt 358,507 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ nhưng giá bán trung bình giảm 3.5%.

Năm ngoái, HSG được hưởng lợi nhờ xu hướng tăng giá thép cán nóng do công ty đã mua thép cán nóng khi giá thấp. Song, năm 2014, giá thép cán nóng liên tục giảm từ tháng 9/2013 (từ khoảng 580 USD/tấn xuống 550 USD/tấn). Do đó, SSI cho rằng HSG không có được lợi nhuận từ đầu cơ nguyên liệu, tỷ suất lợi nhuận của HSG giảm do giá thép biến động không thuận lợi.

SSI dự báo trong năm 2014 doanh thu của HSG sẽ đạt 14,373 tỷ đồng, tăng 22% so với năm trước, với sản lượng tiêu thụ tăng 26.6% (đạt khoảng 762,000 tấn) và giá bán giảm 3.5%. Lợi nhuận ròng sẽ đạt 466 tỷ đồng, giảm 19.8% so với năm trước, tương ứng EPS đạt 4.834 đồng. HSG đang được giao dịch với mức giá cao gấp 9.7 lần EPS 2014, khá hợp lý với một công ty có rủi ro cao. Qua đó, SSI khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu HSG.

>> Xem báo cáo chi tiết

-----------------------------------------

Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.

Duy Hoàng