Margin vọt lên 10,000 tỷ đồng, thị trường có bị ảnh hưởng tiêu cực?
Kinh tế - Ngày đăng : 09:11, 23/05/2014
TTCK Việt Nam trong quý 1 đã có mức tăng trưởng khá cả về điểm số và thanh khoản so với cuối năm 2013. Cụ thể, VN-Index đã tăng 17%, trong khi đó HNX-Index tăng mạnh hơn gần 32% trong quý đầu năm 2014. Trong quý này, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 132.2 triệu đơn vị, cao gấp 1.7 lần so với quý 4/2013 và gấp hơn 3 lần so với quý 3/2013; trên sàn HNX là 81.2 triệu đơn vị, cao gấp đôi quý 4/2013 và gấp 4.2 lần quý 3/2013.
Top 10 CTCK: Quy mô margin hơn 10,000 tỷ đồng, giải ngân mạnh trong quý 1/2014
Giao dịch tăng vọt này có đóng góp không nhỏ từ dòng tiền vay ký quỹ (margin) ở các CTCK, đặc biệt là công ty chiếm thị phần môi giới lớn.
Thống kê của Vietstock đối với 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên HOSE trong quý 1/2014 cho thấy, tổng quy mô tín dụng margin ở các công ty này đã tăng lên đến 10,149 tỷ đồng; so với mức 6,043 tỷ đồng trong quý 4/2013, tức tăng đến 68%! Số liệu tín dụng margin, tùy theo hạch toán của từng công ty, được ước tính từ các khoản Phải thu giao dịch ký quỹ, Phải thu khác hay Phải thu hoạt động giao dịch chứng khoán.
Về thời điểm, tất cả các CTCK lớn này bắt đầu tăng cường vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ từ quý 4/2013 và tăng rất mạnh trong quý 1/2014. Điển hình là CTCK Ngân hàng ĐT và PT Việt Nam (BSI) có mức tăng mạnh nhất, gần gấp 3 lần so với trong quý 4/2013, tiếp theo là CTCK Sài Gòn (SSI) tăng 2.5 lần, FPTS và VCBS đều tăng gấp 1.9 lần,…
Xét về quy mô tuyệt đối, HCM dẫn đầu với số dư tín dụng margin cuối quý 1/2014 ở mức 1,884 tỷ đồng, tiếp đến là ACBS với 1,876 tỷ đồng, SSI với 1,567 tỷ đồng và MBS với 1,500 tỷ đồng…
Với giao dịch thị trường sôi động, doanh thu môi giới chứng khoán và doanh thu khác của các CTCK đã cải thiện rõ rệt trong quý 1/2014, cũng như đóng góp đáng kể vào doanh thu hoạt động kinh doanh chứng khoán của VND, ABCS, VCSC, FPTS, MBKE, BSI, … Tổng doanh thu môi giới của top 10 CTCK này đạt 404 tỷ đồng trong quý 1/2014, tăng vọt 63% so với quý 4/2013.
Quy mô margin của Top 10 CTCK trên HOSE trong quý 1/2014
Margin lớn có tác động tiêu cực đến thị trường?
Đà tăng của thị trường đã khựng lại từ cuối quý 1 và liên tục điều chỉnh giảm điểm mạnh hơn một tháng qua khiến các chỉ số chính về lại gần mức đầu năm 2014. Đà giảm mạnh của thị trường tất yếu sẽ dẫn đến hoạt động call margin từ các CTCK và chúng ta đã chứng kiến điều này trong một vài phiên lao dốc đầu tháng 5.
Tuy nhiên, rất có thể các tác động tiêu cực do hoạt động call margin này sẽ không quá mạnh và kéo dài lâu, khi:
(1) Các CTCK vẫn đã và đang kiểm soát rủi ro khá tốt. Theo quy định của UBCKNN hướng dẫn về nghiệp vụ giao dịch ký quỹ, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của CTCK không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu. Các CTCK trong top 10 ở trên có tỷ lệ dư nợ margin/VCSH cao trong quý 1/2014 như MBKE, MBS, BSI, ACBS vẫn đang cách mức báo động khá xa.
(2) Dòng vốn hỗ trợ từ các ngân hàng sẽ không bị thu hẹp. Bên cạnh nguồn vốn tự có thì các CTCK cũng sử dụng vốn vay từ các ngân hàng để hỗ trợcho hoạt động margin. Dòng vốn này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong thời gian tới khi:
(i) Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đang còn ở mức thấp trong quý 1/2014 và cách xa chỉ tiêu cần đạt được trong năm.
(ii) Kênh hút vốn vay nhiều nhất từ các ngân hàng là thị trường bất động sản. Tuy thị trường này đã có sự khởi sắc gần đây nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và chưa thể hồi phục nhanh; và sẽ chưa thu hút vốn mạnh. Do đó, các ngân hàng nhiều khả năng sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh cho hoạt động của các CTCK.
(3) Đầu tư chứng khoán hiện đang được đánh giá là kênh đầu tư hiệu quả hơn cả so với các kênh đầu tư khác như vàng, tiết kiệm, bất động sản,... Tâm lý giới đầu tư đã tích cực trở lại và xu hướng tăng dài hạn của thị trường vẫn đang giữ vững, do đó hoạt động tín dụng margin tiếp tục được khơi thông mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thu Hoa