Góc nhìn 19-23/05: Xu hướng giảm vẫn chiếm ưu thế?
Kinh tế - Ngày đăng : 16:41, 18/05/2014
Chưa xuất hiện xu hướng tích lũy tin cậy
CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS): Chỉ số VN-Index giảm điểm đầu tuần, tăng trở lại về nửa cuối tuần khi tiến gần ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh +/-500 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng tăng trở lại về nửa cuối tuần khi tiếp cận ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật của đường MA200 ngày. Lực cầu bắt đáy trải rộng hầu khắp toàn thị trường, khi đa số mã cổ phiếu đã về mức giá hấp dẫn trước giai đoạn tăng điểm từ đầu năm. Động thái mua ròng mạnh của khối ngoại cũng hỗ trợ tích cực thị trường chung.
Với diễn biến phục hồi kỹ thuật nửa cuối tuần, chỉ số VN-Index đã tăng lên trên đường MA200 ngày và đang dao động tích lũy quanh mốc hỗ trợ này. Diễn biến thị trường tăng điểm với độ rộng cao cho tín hiệu tích cực về lực cầu bắt đáy. Thị trường có thể tiếp tục tăng điểm với ngưỡng cản kỹ thuật của VN-Index là khoảng +/-550 điểm, của HNX-Index là khoảng +/-74 điểm. Tuy nhiên, tâm lý giao dịch ngắn hạn dự báo vẫn ở mức cao, khi vấn đề Biển Đông chưa được giải quyết và thị trường chưa xuất hiện xu hướng tích lũy tin cậy.
SHS duy trì quan điểm nhà đầu tư ngắn hạn duy trì trạng thái, chưa tham gia thị trường trong thời điểm hiện tại.
Đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC):Hai sàn HSX và HNX tăng nhẹ lên 529.49 điểm (+1.04%) và 72.31 điểm (2.28%). Tuy nhiên, thanh khoản giảm 40% cho thấy rõ ràng sự thận trọng với tình trạng không lường trước được về căng thẳng hiện nay với Trung Quốc và các sự kiện sắp tới như việc mở lại phiên tòa xử ông Nguyên Đức Kiên vào thứ ba tuần sau.
VCSC cho rằng hai chỉ số có thể duy trì đà tăng và kiểm định lại vùng kháng cự 535 – 540 của chỉ số VN-Index và 75 của chỉ số HNX-Index. Khối lượng giao dịch sụt giảm trong phiên tăng điểm là dấu hiệu tiêu cực cho thấy đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Đồng thời, hệ thống chỉ báo định lượng ngắn hạn cho thấy áp lực bán có thể gia tăng trong vài phiên tới và hệ thống chỉ báo xu hướng vẫn duy trì đà giảm ngắn và trung hạn. Chính vì vậy, vị thế mua mới hoặc mua đuổi sẽ có rủi ro cao trong tuần giao dịch tới. Do đó, nếu các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn còn tỷ trọng cổ phiếu cao nên xem xét bán ra ở các nhịp hồi và đưa tỷ lệ về mức an toàn cho đến khi thị trường xác nhận xu hướng rõ ràng.
Mức giảm vẫn trội hơn
CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): Chứng khoán Việt Nam chốt tuần với một phiên tăng điểm. Biến động có phần “êm ả” hơn ở phiên này, VN-Index mở cửa giảm nhẹ, đà giảm mạnh hơn đôi chút vào cuối buổi sáng nhưng sự hồi phục đã đến ở khoảng thời gian sau đó. VN-Index đóng cửa phiên tại 529,49 điểm, tăng 5,44 điểm (+1,04%).
Khối ngoại tiếp tục mua ròng và đây là phiên mua ròng thứ 18 liên tiếp của họ, dù vậy lực mua đã giảm lại đáng kể so với vài ngày gần đây. Cụ thể NĐTNN mua ròng thêm 11,4 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE với giá trị đạt 143 tỷ đồng, bằng 45% so với phiên liền trước. HAG là mã được khối ngoại mua vào mạnh nhất với giá trị gần 60 tỷ đồng, tiếp đó là ITA với mức mua ròng 27 tỷ đồng.
Thị trường đang hình thành các phiên tăng giảm đang xen dù vậy mức giảm vẫn trội hơn và điều này khiến xu hướng hiện tại vẫn là giảm.
Với nhìn nhận thị trường di chuyển theo xu hướng giảm, MBKE khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục đứng ngoài thị trường và không nên liều lĩnh bắt đáy thị trường vì rủi ro phải đánh đổi không hề nhỏ.
Khó thoát khỏi kênh giảm ngắn hạn
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Về kỹ thuật, đường giá VN-Index tái lập ngưỡng hỗ trợ động SMA 200 cho thấy xu hướng trung – dài hạn vẫn được duy trì. Với diễn biến thực tế thì FPTS cho rằng VN-Index có thể sẽ thực hiện kiểm tra lại khu vực 550 điểm ở những phiên giao dịch tiếp theo. Tuy nhiên trong bối cảnh các yếu tố gây bất ổn vẫn hiện diện sẽ khó có cơ hội thoát khỏi kênh xu thế giảm ngắn hạn. Nhà đầu tư theo đó có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu có thông tin cơ bản tốt cho mục tiêu trung hạn, trong khi đó thì các danh mục lướt sóng vẫn cần thận trọng đối với việc mua bắt đáy ở các mã đầu cơ.
Tiếp tục hồi phục
CTCP Chứng khoán MB (MBS): Các thông tin chính thức về việc tăng cường an ninh để ổn định tình hình cũng như các phát biểu của Chính phủ trấn an dư luận đã giúp tâm lý thị trường ổn định hơn. Đáng chú ý là nhóm midcap và nhiều cổ phiếu đầu cơ tăng trần điển hình là cổ phiếu ngành chứng khoán, BĐS cho thấy dòng tiền nóng đã có xu hướng trở lại. NĐTNN tiếp tục mua ròng mạnh trên cả hai sàn với hơn 3 phiên mua ròng trên 200 tỷ. Tính chung kể từ đầu tháng 5, NĐTNN đã mua ròng khoảng trên 1,500 tỷ trên cả hai sàn. Động thái này cho thấy quan điểm kỳ vọng về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp cũng như kinh tế Việt Nam của NĐTNN là không thay đổi. Do đó, khi thị trường giảm về mức hợp lý là cơ hội để họ mua vào các cổ phiếu tốt với mức giá hấp dẫn.
Ngắn hạn, khả năng thị trường có thể tiếp tục hồi phục tuy nhiên nếu không mua được trong các vùng thấp NĐT cũng không nên nóng vội đua mua giá cao trong thời điểm này. Việc trading lướt cổ phiếu trong các phiên tăng điểm có thể nên xem xét còn việc giải ngân cho trung và dài hạn nên bình tĩnh chọn các vùng giá hợp lý.
Đức Phương tổng hợp