ĐHĐCĐ VHC: 2014 tự cung 65% nguyên liệu cá, tăng xuất khẩu gạo vào Trung Quốc
Kinh tế - Ngày đăng : 14:12, 14/05/2014
Thuế suất cá tra vào Mỹ chỉ 0%
Mở đầu Đại hội, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT thông báo cho cổ đông được biết thuế suất mặt hàng cá tra vào thị trường Mỹ (trong giai đoạn từ 1/8/2011 đến 31/7/2012 – POR9) được giảm từ 0.03 USD/kg xuống còn 0% do những sai sót trong tính toán của Bộ Thương mại Mỹ (DOC).
Điều này tạo ra lợi thế rất lớn cho VHC tiến sâu vào thị trường Mỹ và giúp Công ty tiết kiệm được 1.6 triệu USD trong năm 2014. VHC cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được hưởng mức thuế suất trên.
ĐHĐCĐ thường niên VHC với sự tham dự của 95.32% cổ phần có quyền biểu quyết |
Năm 2014 sẽ tự cung 65% nguyên liệu cá
Trao đổi về tình hình sản xuất cá tra liên tục giảm tỷ suất lợi nhuận trong những năm qua, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ cho biết Công ty sẽ tiến hành tăng công suất thêm 30% vào cuối năm sau, tối ưu hóa về chi phí, đồng thời giá bán được cải thiện thì tỷ suất lợi nhuận sẽ nâng cao hơn.
Đối với thị trường cá tra ở châu Âu, bà Khanh cho biết hiện đang gặp khó khăn về vấn đề thương hiệu do một số kênh truyền thông được bảo hộ “bôi xấu”, làm mất uy tín các doanh nghiệp nhập khẩu. Song, Nghị định về sự phát triển ngành cá tra của Chính phủ sẽ là một hành lang pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp đi vào lộ trình xuất khẩu cá tra hiệu quả.
Bà Khanh nhấn mạnh, thị trường châu Âu có đặc thù là họ sẵn sàng chi trả giá cao cho những sản phẩm thật sự chất lượng. Cho nên, nếu kiểm soát tốt chất lượng và khôi phục lại niềm tin của thị trường này để khách hàng nhận diện thương hiệu thì sẽ có được cơ hội bán giá cao.
Về tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam với Indonesia, thuận lợi của Việt Nam là cá tra có được môi trường nuôi tự nhiên tốt, sản phẩm thu hoạch được chuyển ngay đến nhà máy chế biến nên sẽ đảm bảo được chất lượng. Trong khi đó tại Indonesia, chất lượng cá bị ảnh hưởng rất nhiều vì cá thu hoạch xong họ tiến hành ướp đá rồi mới chuyển đến nhà máy. Bởi vậy, bà Khanh khẳng định Vĩnh Hoàn hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với Indonesia trong lĩnh vực này.
Trong năm 2014, Công ty sẽ tự cung 65% nguyên liệu cá trên cơ sở mở rộng diện tích khai thác và tăng hiệu suất khai thác của các vùng nuôi. Hiện tại, mật độ nuôi cá của VHC là 60%, đặc thù cá tra là lớn rất nhanh, nếu tăng mật độ nuôi trong khi khả năng vận hành của các khâu chế biến không thể đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng fillet cá.
Bên cạnh các vấn đề trên, cổ đông lo ngại tình hình hàng tồn kho của một số công ty xuất khẩu tại Mỹ ảnh hưởng đến VHC. Bà Khanh cho rằng đây là quy luật tự nhiên của ngành. Tuy nhiên, những hệ thống siêu thị tại Mỹ luôn cải tiến sản phẩm, nên lượng hàng tồn kho khoảng 3 tháng thì sẽ được giải quyết. Nếu đơn vị nào có chi phí lưu kho cao và giá bán không đúng như kỳ vọng thì sẽ bị ảnh hưởng.
Tăng xuất khẩu gạo vào Trung Quốc
Báo cáo tại Đại hội, bà Tâm cho hay hoạt động sản xuất gạo xuất khẩu được vận hành hồi tháng 4/2012 đến nay đã thâm nhập vào các thị trường. Ví như gạo đồ xuất khẩu được 13 triệu USD sang châu Phi, Nga, Ukraine, Canada, Úc, Hồng Kông. Tuy nhiên giá bán thấp, thị phần bị thu hẹp trong khi phải chịu khấu hao lớn cho những năm đầu hoạt động nên xuất khẩu gạo vẫn chưa đem lại lợi nhuận.
Dự báo năm 2014, Thái Lan sẽ tiếp tục xả hàng tồn kho, Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu khối lượng lớn và giá cạnh tranh, Campuchia và Myanmar cũng tăng cường xuất khẩu. Do đó, VHC có kế hoạch sẽ tiếp tục phát triển gạo thơm, tận dụng kênh bán hàng mảng thủy sản để tìm kiếm đối tác xuất khẩu gạo, mở rộng thị phần sang Trung Quốc. Bởi Trung Quốc là thị trường mới mở, đầy tiềm năng về nông sản.
Trước diễn biến tình hình chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc, bà Khanh nhận định quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay không còn là quan hệ song phương nữa mà mang tính toàn cầu. Hơn nữa, Trung Quốc không chỉ có mối quan hệ xuất nhập khẩu với Việt Nam mà còn nhiều quốc gia khác, do đó tình hình chính trị có lẽ sẽ không tác động lớn đến kinh tế. Tuy nhiên, để thận trọng, công ty sẽ hết sức dè dặt trong xuất khẩu gạo và tùy theo tình huống mà có những ứng xử riêng cho phù hợp.
Về kế hoạch đầu tư, VHC sẽ mở rộng quy mô và công suất nhà máy đông lạnh với vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng, xây dựng nhà máy Vĩnh Hoàn Collagen 5 khoảng 345 tỷ đồng, đầu tư vùng nuôi cá 100 tỷ đồng và đầu tư thêm thiết bị nhà máy khoảng 60 tỷ đồng.
Còn nhà máy sản xuất Collagen dự kiến sẽ vận hành vào cuối năm 2014, đến năm 2017 sẽ đạt 80% công suất thiết kế. Dự kiến, bắt đầu từ năm 2015 sẽ đem lại lợi nhuận 28 tỷ đồng, năm 2016 là 62 tỷ đồng và 2017 là 100 tỷ đồng.
Năm 2014, cổ tức cổ phiếu 50%
Trong năm nay, VHC đặt mục tiêu kinh doanh gồm doanh thu hợp nhất là 5,500 tỷ đồng, tăng 7.9%; lợi nhuận sau thuế là 200 tỷ đồng, tăng 26.6% so với năm trước.
Năm 2014, Công ty sẽ thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 50% từ nguồn lợi nhuận năm 2013. Như vậy Công ty sẽ phát hành thêm 30.8 triệu cp để chi trả cổ tức.
Ngoài ra, trong năm 2014 VHC cũng sẽ thực hiện đợt phát hành cuối cho chương trình phát hành cổ phiếu thưởng cho các bộ công nhân viên (ESOP) với 197,790 cp, mệnh giá 10,000 đồng/cp.
Nhìn lại năm 2013, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 5,095 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2012 và vượt 6% kế hoạch đặt ra; lợi nhuận sau thuế 158 tỷ đồng, giảm 25% và chỉ đạt 75% kế hoạch.
Về hoạt động xuất khẩu đạt 196 triệu đồng, tăng 13% cùng kỳ, vượt 2% kế hoạch. Trong đó thủy sản 163.4 triệu USD, gạo 12.7 triệu USD, bột và mỡ các loại 19.7 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chính là Mỹ chiếm tỷ trọng 51%, châu Âu là 25%.
Với kết quả kinh doanh đạt được năm qua, Đại hội thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2013 tỷ lệ 15%, được chi trả vào ngày 14/05/2014.
Cuối cùng, Đại hội cũng thông qua bầu ông Trần Minh Hảo thay thế bà Hồ Thanh Huệ trong BKS.
Trần Hạnh