Vietstock Weekly 05 – 09/05: Khó bứt phá nếu thiếu NĐT lớn!
Kinh tế - Ngày đăng : 18:27, 04/05/2014
Chứng khoán Tuần 28 - 29/04: Bluechip chi phối - Giao dịch èo uột
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 05.05 – 09.05.2014
Thiếu vắng thông tin hỗ trợ cùng với kỳ nghỉ lễ dài đã khiến giao dịch thị trường diễn ra thận trọng. Đà tích cực ở các cổ phiếu chủ chốt đã giúp cho giao dịch thị trường giảm bớt tiêu cực do dòng tiền vẫn đang tiếp tục thoát khỏi các cổ phiếu đầu cơ. Kết quả kinh doanh quý 1 và thông tin từ đại hội cổ đông cùng với giao dịch tích cực hơn từ khối ngoại được xem là lực đẩy cho nhóm cổ phiếu bluechip trong tuần qua.
Tuần giao dịch tới, thị trường sẽ chịu tác động từ các yếu tố dưới đây. Nhiều khả năng giao dịch thị trường sẽ tiếp tục giằng co khi thông tin hỗ trợ mạnh vẫn chưa xuất hiện.
(1) Giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4. Nhiều khả năng giao dịch thị trường diễn ra sôi động hơn vì tâm lý e ngại về kỳ nghỉ lễ dài sẽ qua đi. Điểm lo ngại lớn nhất là nhà đầu tư lớn vẫn chưa trở lại. Chỉ số giao dịch lô lớn của Vietstock (VS-Large Block Ratio) đã liên tục sụt giảm trong vài tuần qua (dưới 0.65) và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Thị trường sẽ rất khó bứt phá nếu không có sự tham gia của nhà đầu tư có tiềm lực vốn mạnh.
(2) Khoảng trống thông tin là lực cản lớn và giới đầu tư sẽ khó có thể tìm thấy động lực để đẩy mạnh mua vào. Điểm tích cực hỗ trợ tâm lý cho thị trường là khối ngoại vẫn đang tiếp tục mua ròng. Tuy lực mua là khá nhỏ nhưng cũng đã phần nào hỗ trợ cho giao dịch.
(3) Hoạt động đầu tư theo kết quả kinh doanh quý 1 và thông tin đại hội cổ đông cũng sẽ giảm bớt khi hầu hết các doanh nghiệp có ảnh hưởng lên thị trường đã công bố kết quả cũng như tổ chức đại hội.
(4) Thông tin tích cực nhất có được trong tuần qua đó là Chỉ số PMI Việt Nam trong tháng 4 đã tăng lên 53.1điểm, mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện vào tháng 4/2011. Bên cạnh đó, tổng cầu (bao gồm đầu tư, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) đã có dấu hiệu cải thiện. Điều này mang đến tín hiệu tích cực về sự hồi phục của nền kinh tế.
PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
VN-Index – Đà giảm đã chững lại. VN-Index biến động khá mạnh trong tuần qua với hai phiên tăng giảm mạnh xen kẽ nhau. Mẫu hình nến xanh dài xuất hiện trở lại cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã ổn định.
Chỉ báo MACD hiện đang trong quá trình đi ngang. Nếu VN-Index không có hiện tượng sụt giảm sâu trong các phiên tới thì có thể kỳ vọng tín hiệu mua của MACD xuất hiện trở lại. Tuy nhiên, hai đường +DI, –DI của Directional Movement System vẫn đang duy trì khoảng cách khá xa nên khả năng có bứt phá mạnh trong tuần sau không thực sự cao.
Thanh khoản tiếp tục lao dốc khi khối lượng khớp lệnh vẫn đang ở dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 93 triệu đơn vị). Điều này cho thấy nhà đầu tư đang hạn chế giao dịch để phòng ngừa rủi ro trong ngắn hạn.
Nếu đường SMA100 (tương đương 554-557 điểm) tiếp tục trụ vững và không bị phá vỡ trong tuần tới thì khả năng hồi phục bền vững sẽ tăng lên. Còn nếu kịch bản phá vỡ xảy ra thì nguy cơ đảo ngược đà tăng trưởng dài hạn là rất lớn.
HNX-Index – Vùng 78.5 – 80 điểm vẫn trụ vững. HNX-Index đang tích lũy rất tốt và và đã hồi phục nhẹ vào phiên cuối cùng trước khi nghỉ lễ. Trong thời gian tới, HNX-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục test ngưỡng hỗ trợ Fibonacci Retracement 261.8% (tương đương vùng 78.5 – 80 điểm). Trong đợt điều chỉnh vừa qua, ngưỡng này đã hỗ trợ rất tốt cho HNX-Index nên được kỳ vọng sẽ tiếp tục trụ vững trong thời gian tới.
Chỉ báo Stochastic Oscillator đang tích lũy trong vùng oversold và nếu Stochastic Oscillator thoát khỏi vùng oversold trong tuần sau thì triển vọng ngắn hạn sẽ được cải thiện.
Nếu HNX-Index tiếp tục hồi phục trong thời gian tới thì nhóm MA ngắn hạn (tương đương vùng 81.5 – 83 điểm) sẽ đóng vai trò kháng cự mạnh. Trong bối cảnh thanh khoản xuống thấp và các ngưỡng hỗ trợ bên trên khá dày thì khả năng giằng co mạnh trong tuần tới là khá cao.
Phân tích Market Strength
VS-Arms VN duy trì mức thấp trong phiên giao dịch ngày 29/04/2014 cho thấy bên mua chiếm ưu thế trở lại trong phiên này. Bên cạnh đó, EMA 5 ngày của VS-Arms VN cũng dịch chuyển về mức trung bình cho thấy cung cầu cân bằng nên rủi ro của thị trường không quá cao.
VS-LBR VN tiếp tục duy trì mức thấp trong phiên giao dịch ngày 29/04/2014 và EMA 5 ngày tiếp tục giảm xuống dưới mức 0.65. Điều này chứng tỏ nhà đầu tư lớn không tham gia mạnh vào thị trường trong thời gian gần đây.
Phân tích Dòng tiền
Biến động của dòng tiền thông minh: Trong phiên giao dịch ngày 29/04/2014, VS-NVI VN tiếp tục giảm mạnh và duy trì bên dưới EMA 5 ngày và EMA 20 ngày. Điều này cho thấy dòng tiền thông minh đang rút ra khỏi thị trường. Nếu tình trạng này không được cải thiện trong các phiên tới thì rủi ro sẽ tăng lên đáng kể.
Biến động của dòng tiền từ khối ngoại: Khối ngoại mua ròng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 29/04/2014. Đường EMA 5 ngày của NetValForVN đã vượt lên trên đường zero-base và là tín hiệu giúp cải thiện khả năng hồi phục trong ngắn hạn.
Nguyễn Đức Cường & Nguyễn Quang Minh (Phòng Nghiên cứu Vietstock)