Chứng khoán Tuần 28 - 29/04: Bluechip chi phối - Giao dịch èo uột
Kinh tế - Ngày đăng : 17:26, 02/05/2014
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 28.04 – 29.04.2014
Giao dịch: Bluechip chi phối thị trường. Chốt lại tuần giao dịch ngắn ngủi cuối cùng của tháng 4 với chỉ hai phiên, các chỉ số thị trường chính cùng giảm điểm nhẹ so với tuần trước. Cụ thể, VN-Index giảm 0.17% về 578.0 điểm, còn HNX-Index giảm 0.86% dừng tại 79.88 điểm. VS 100 giảm 0.11% chốt ở mức 95.89 điểm và VN30 giảm 0.67% về 632.1 điểm.
Các nhóm theo Market Cap đều giảm điểm, trong đó VS-Small Cap giảm nhiều nhất với -1.54%, tiếp theo VS-Micro Cap (-1.43%), VS-Large Cap (-1.09%) và VS-Mid Cap giảm ít nhất với -0.29%.
Sự thận trọng của giới đầu tư vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại cùng với kỳ nghỉ lễ kéo dài đã khiến nhà đầu tư tiếp tục ”ngồi nhìn” thị trường. Điều này đã dẫn tới thanh khoản tiếp tục tụt dốc về những mức thấp hơn. Tuần này, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trên sàn HOSE chỉ đạt 49.5 triệu đơn vị, giảm 29%; trong khi trên sàn HNX là 30 triệu đơn vị, giảm tới 41% so với khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên của tuần trước.
Đây cũng là điều dễ hiểu khi thị trường giao dịch tẻ nhạt trong hai phiên vừa qua. Đồng thời, các cổ phiếu vốn hóa lớn đã thể hiện sự chi phối lên hai chỉ số thị trường chính. Phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu gồm MSN, VNM, VIC, VCB, STB, BVH tác động giảm điểm mạnh lên VN-Index tới 0.8% (riêng MSN là 0.22%) trong mức giảm 1.01% của chỉ số này. Tương tự, phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu gồm GAS, MSN, VCB, STB, BID tác động tăng điểm lên VN-Index với tổng mức tăng là 0.82% trong mức tăng 0.85% của chỉ số này (trong đó GAS tác động tới 0.48%).
Giao dịch tăng giảm diễn ra xen kẽ cùng với sự thụt lùi của thanh khoản tiếp tục cho thấy giới đầu tư vẫn đang khá thận trọng. Điểm tích cực đó là thị trường đã lấy lại sắc xanh giúp giới đầu tư giảm bớt lo lắng trước kỳ nghỉ lễ.
Nhà đầu tư nước ngoài: Giảm giao dịch, mua ròng gần 18.2 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng tuần này nhưng chỉ ở mức khiêm tốn.
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 14.2 tỷ đồng, tập trung mạnh nhất vẫn là VCB (11.8 tỷ đồng), KDC (9.9 tỷ đồng), FCN (7.3 tỷ đồng), HPG (7.2 tỷ đồng). Giao dịch bán ròng mạnh nhất tiếp tục diễn ra ở HAG (30.0 tỷ đồng), VIC (17.7 tỷ đồng), BVH (12.8 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng gần 4 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở PVS (10.5 tỷ đồng) và tiếp tục bán ròng mạnh nhất ở SHB (3.3 tỷ đồng).
Khối tự doanh CTCK: Bán ròng mạnh gần 178 tỷ đồng, và có thể là do giao dịch trái phiếu. Trong phiên đầu tuần, khối tự doanh các CTCK đã bán ròng 729 nghìn đơn vị, tương đương 177.9 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý giá trị trung bình lệnh bán phiên này lên tới 90,000 đồng nên nhiều khả năng do ảnh hưởng từ giao dịch trái phiếu BIDV.
Cổ phiếu đáng chú ý: Trong tuần qua, số nhóm ngành giảm điểm chiếm áp đảo với 19 nhóm, trong khi chỉ có 4 nhóm ngành tăng điểm bao gồm: Dược phẩm (0.65%), Sản xuất Thủy sản (0.11%), Sản xuất Cao su (0.11%), Khai khoáng (0.05%). Nhóm giảm điểm nhiều nhất là Sản xuất Cơ khí (-3.7%), Bảo hiểm (-2.7%), Bất động sản (-2.25%), Chứng khoán (-2.07%),...
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là TLH tăng 5.62%, trên HNX là KHL tăng 8.57%.
TLH tăng 5.62%. TLH vừa công bố BCTC quý 1/2014 của công ty mẹ với LNST 15.1 tỷ đồng. Đây có thể là nguyên nhân giúp TLH tăng điểm trong hai phiên tuần này.
KHL tăng 8.57%. Không có thông tin gì nổi bật liên quan đến KHL, thậm chí cổ phiếu này còn bị đưa vào diện bị kiếm soát. Do đó, nhiều khả năng dòng tiền đầu cơ đang chú ý đến cổ phiếu này hơn là tăng giá vì những yếu tố nội tại.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là FLC giảm 9.4%, AGR giảm 8.9%, DLG giảm 6.32%; trên sàn HNX, không có mã nào giảm điểm đáng chú ý.
FLC giảm 9.4%. FLC đã có thông báo về giao dịch bổ sung 77.18 triệu cổ phiếu vào ngày hôm qua và ngày giao dịch chính thức là 09/05. Điều này sẽ khiến lượng cung tăng mạnh nên việc bán mạnh cổ phiếu FLC trong của tuần này là điều dễ hiểu. Cần để ý rằng lượng cổ phiếu phát hành thêm này chỉ có mức giá 10,000 đồng.
AGR giảm 8.9%. Không có thông tin gì đáng chú ý, việc giảm giá của AGR có thể là do hoạt động chốt lời của dòng tiền đầu cơ khi cổ phiếu này đã tăng mạnh thời gian trước.
DLG giảm 6.32%. DLG vừa báo lãi ròng công ty mẹ quý 1/2014 đạt 15.6 tỷ đồng, gấp 32.6 lần cùng kỳ 2013. Ngoài ra, trong tuần qua, Chủ tịch HĐQT DLG cũng lên tiếng về chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ trong năm 2014. Việc giảm giá của DLG có thể là do hoạt động chốt lời của dòng tiền đầu cơ khi cổ phiếu này đã tăng mạnh thời gian trước, đồng thời đại hội cổ đông cũng đã kết thúc trong tuần qua.
I. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Trịnh Thị Thu Hoa