ĐHĐCĐ Bảo Việt: Chưa thể trả lời về thiệt hại tài chính vụ việc Nguyên TGĐ bị khởi tố
Kinh tế - Ngày đăng : 08:56, 24/04/2014
Mấy ngày gần đây, thông tin Nguyên Tổng giám đốc Trần Trọng Phúc vừa thôi nhiệm chưa đầy 1 tháng bị khởi tố gây xôn xao dư luận. Kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 diễn ra sáng hôm nay (24/04) của Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) cũng rất nóng xoay quanh vụ việc này.
11h50: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.
10h40: Thảo luận
Chưa thể trả lời về thiệt hại tài chính vụ việc Nguyên TGĐ bị khởi tố
Về vụ việc nguyên Tổng giám đốc Trần Trọng Phúc sẽ khắc phục như thế nào?
Vụ việc sẽ ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin của Tập đoàn, BVH đã triển khai rà soát việc chi hoa hồng, kênh phân phối đại lý…đáp ứng tiêu chuẩn về chuyên môn cũng như các quy định của Bộ tài chính.
Sau khi ông Phúc từ nhiệm Thành viên HĐQT và Tổng giám đốc, BVH cũng bổ nhiệm vị trí thay thế nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn.
Giải pháp tạm thời của BVH là chỉ đạo toàn bộ các thành viên trong hệ thống Tập đoàn Bảo Việt rà soát lại việc chi hoa hồng đại lý đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quy định của Bộ Tài chính về Luật kinh doanh bảo hiểm, rà soát lại các kênh phân phối đại lý để chuẩn hóa các tiêu chuẩn về chuyên môn. BVH đảm bảo hoạt động kinh doanh hàng ngày không bị gián đoạn.
Giải pháp căn cơ nhất, đang triển khai giải pháp phân công cơ bản, khắc phục hoàn toàn phần còn lại của mô hình chuyển đổi của doanh nghiệp Nhà nước, từ quản lý kinh doanh phân tán sang quản lý tập trung với sự hỗ trợ của công nghệ, phần mềm về kế toán, đại lý, kiểm soát từ trụ sở chính đến các đơn vị thành viên. Vấn đề này không làm vội vàng được và phải có lộ trình.
Liên quan đến vụ việc ông Trần Trọng Phúc vừa qua, ảnh hưởng về mặt tài chính đến BVH như thế nào và việc xử lý đến đâu?
Đại diện BVH cho biết vụ việc xảy ra từ năm 2010-2011, lợi nhuận của Tập đoàn thời gian này tương đối tốt.
Về thiệt hại tài chính cụ thể thì BVH không thể trả lời chính xác do đang trong quá trình điều tra.
BVH đã chọn cổ đông chiến lược nào?
Cổ đông chiến lược cần đáp ứng các tiêu chí để nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn về lĩnh vực bảo hiểm, dịch vụ tài chính... BVH sẽ lựa chọn cẩn trọng đối tác chiến lược nhưng chưa đưa ra đối tác cụ thể nào.
Có thông tin Ngân hàng TMCP lớn đang gom cổ phiếu BVH đúng không?
Bảo Việt chưa nghe phản ánh thông tin gì và sẽ tiếp tục theo dõi.
Việc mua bán sáp nhập rất quan trọng với Ngân hàng Bảo Việt
BVH có giảm tỷ lệ sở hữu tại BaoVietBank không? BaoVietBank có định tham gia mua bán, sáp nhập với TCTD khác không?
Theo Luật TCTD 2010, một tổ chức không được sở hữu quá 15% và bên liên quan không được sở hữu quá 20% vốn tại một TCTD. BVH cũng có đề án tái cơ cấu đã phê duyệt, theo đó, BVH sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu tại BaoVietBank đúng với quy định của Luật TCTD. Tuy nhiên, BVH sẽ không bán cổ phần BaoVietBank cho tổ chức khác. Theo quy định của NHNN, các TCTD phải tăng vốn rất nhanh, BVH sẽ giảm vốn đến khi thực hiện đúng theo quy định.
Về việc mua bán sáp nhập ngân hàng, đây cũng đang là xu thế và là khuyến khích của Chính phủ cũng như NHNN. Với BaoVietBank, việc mua bán sáp nhập rất quan trọng để tìm đối tác thích hợp cùng phát triển. Với thực tế hiện nay chưa có quyết định nào để nói BaoVietBank có sáp nhập hay không sáp nhập.
Tại sao kế hoạch 2014 tăng trưởng doanh thu nhưng lại giảm lợi nhuận?
Do thời điểm cuối năm 2012, VN-Index ở mức 413 điểm, BVH đã trích lập dự phòng đủ cho chứng khoán trong năm 2012. Đến cuối năm 2013, VN-Index tăng điểm, do đó BVH đã thực hiện hoàn nhập dự phòng 268 tỷ đồng giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận hợp nhất năm 2013.
Đến năm 2014, HĐQT Tập đoàn không thể biết chắc chỉ số VN-Index đạt bao nhiêu điểm, do đó chưa thể tăng kế hoạch lợi nhuận cho năm 2014. Nếu chứng khoán đến cuối năm vẫn giữ mức hiện nay hoặc tăng lên 600 điểm thì hoàn nhập của BVH ít nhất giữ như năm 2013.
Định hướng kinh doanh 2014 của BVH trong lĩnh vực chủ chốt như thế nào?
Về dịch vụ tài chính, công ty mẹ đầu tư vào công ty con với lãi suất cố định, năm 2014 dự kiến lãi suất huy động sẽ còn giảm theo chính sách của NHNN.
Về hoạt động đầu tư, BVH sẽ chuyển dần đầu tư lãi suất từ ngắn hạn sang dài hạn (trái phiếu) để tăng doanh thu, nắm cổ phiếu tốt, thanh khoản cao, cổ tức tốt (cao hơn tiền gửi ngân hàng).
Về đầu tư tài chính, định hướng các Tập đoàn và Tổng công ty phải tập trung ngành nghề chính, do đó trong lĩnh vực bảo hiểm, BVH sẽ tăng cường chuyên nghiệp hơn để tăng doanh thu, kiểm soát chi phí.
9h40: Lãi sau thuế quý 1/2014 ước đạt 344 tỷ đồng
Đại diện Tập đoàn Bảo Việt cho biết trong quý 1/2014, Tập đoàn ước kết quả kinh doanh hợp nhất với tổng doanh thu 4,538 tỷ đồng, tương đương 25% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế ước đạt 344 tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch năm (1,183 tỷ đồng). Về kết quả công ty mẹ, Tập đoàn Bảo Việt đạt lãi sau thuế 277 tỷ đồng trong quý 1/2014 trên kế hoạch 1,183 tỷ đồng.
Đại diện Tập đoàn chia sẻ thêm, hầu hết các chỉ tiêu trong quý 1/2014 của BVH đều đạt trên 25% kế hoạch năm.
08h55: Không bầu bổ sung thành viên HĐQT thay thế ông Trần Trọng Phúc từ nhiệm
Đại diện HĐQT báo cáo hoạt động 2013 và kế hoạch 2014.
Sau khi ông Trần Trọng Phúc từ nhiệm Thành viên HĐQT và Tổng giám đốc, số lượng thành viên HĐQT BVH giảm xuống 8 thành viên, HĐQT sẽ không trình cổ đông bầu bổ sung thêm thành viên HĐQT và giữ nguyên 8 người.
08h50: Khai mạc đại hội
ĐHĐCĐ thường niên của Tập đoàn Bảo Việt sáng ngày 24/04/2014 |
Trước thềm đại hội
Khởi tố nguyên Tổng giám đốc Trần Trọng Phúc
Cuối tháng 03/2014, Bảo Việt thông báo ông Trần Trọng Phúc thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT sau 1 năm đảm nhiệm. Thay vào đó, BVH tạm thời bổ nhiệm ông Dương Đức Chuyển - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc Khối Đầu tư giữ chức vụ Tổng giám đốc đến khi HĐQT có quyết định mới.
Đến ngày hôm qua (22/04), theo thông tin từ báo chí, Cơ quan điều tra đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét đối với 3 bị can nguyên là lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt:
- Ông Trần Trọng Phúc – Nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt
- Ông Tạ Văn Cần – nguyên Kế toán trưởng Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt
- Ông Trần Minh Thái – nguyên Kế toán chuyên quản Tổng công ty bảo hiểm Bảo Việt.
Tội danh khởi tố của các bị can là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến các khoản duyệt, quyết toán các khoản chi trái quy định, trong đó cóviệc duyệt chi hoa hồng cho các đại lý tại Công ty Bảo Việt Bến Tre, gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 4.5 tỷ đồng.
Phát hành 40-61.5 triệu cp cho đối tác ngoại
Theo thông tin từ HĐQT, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, hiện Sumitomo Life đang cam kết hỗ trợ cho Bảo Việt, tuy nhiên Tập đoàn cũng cần có thêm cổ đông chiến lược ngước ngoài có kinh nghiệm trong các lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, dịch vụ tài chính.
Do đó, HĐQT Tập đoàn trình cổ đông phương án phát hành 40-61.5 triệu cp để tăng vốn lên 7,205-7,420 tỷ đồng, chào bán cho 1-3 nhà đầu tư theo giá thỏa thuận. Thời điểm phát hành trước ngày 31/03/2015. Cổ đông hiện hữu của BVH sẽ đồng ý từ bỏ quyền ưu tiên mua trước cổ phần mới được chào bán này.
Với số vốn thu được từ đợt phát hành, BVH sẽ bổ sung 2,000 tỷ vốn điều lệ cho các công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, dịch vụ tài chính và bổ sung 400 tỷ đồng cho công ty mẹ .
Về kế hoạch kinh doanh năm 2014, BVH sẽ trình cổ đông kế hoạch năm 2014 với tổng doanh thu hợp nhất 18,329 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2013; lợi nhuận trước và sau thuế dự kiến lần lượt 1,500 tỷ và 1,183 tỷ đồng, giảm 4% so với năm trước. Công ty mẹ BVH dự kiến đạt 1,416 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 1,120 tỷ đồng. Cổ tức 13%, tương đương 885 tỷ đồng.
Trả 1,020 tỷ đồng cổ tức 2013
Năm 2013, BVH thực hiện được 17,096 tỷ đồng tổng doanh thu hợp nhất, đạt 96% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 1,138 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Tập đoàn dự kiến trả cổ tức năm 2013 là 15%, tương đương 1,020 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ, BVH đạt lợi nhuận sau thuế 1,104 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước đó.
Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Bảo Việt đạt lợi nhuận trước thuế 703 tỷ đồng bảo hiểm nhân thọ và 398 tỷ đồng bảo hiểm phi nhân thọ. Năm 2013 cũng xảy ra các sự kiện tổn thất lớn gây ảnh hưởng nặng đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong năm 2013, BVH đã tăng vốn điều lệ cho Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Tổng công ty Bảo hiểm Nhân thọ cùng lên mức 2,000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực quản lý quỹ và dịch vụ chứng khoán, lợi nhuận trước thuế của Công ty Quản lý quỹ Bảo Việt (BVFMC) đạt 49 tỷ đồng, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVS) đạt 86 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực ngân hàng (BaoVietBank), lợi nhuận trước thuế đạt 142 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2012.
Trong lĩnh vực đầu tư và quản lý bất động sản, Công ty Đầu tư Bảo Việt đạt lãi trước thuế 21 tỷ đồng, tăng 70% so với năm trước.
Minh Hằng