ĐHĐCĐ Ngân hàng MB: HĐQT xuất hiện 5 nhân vật mới, MBB trả lời về khoản cho vay Trường Ngân

Kinh tế - Ngày đăng : 08:23, 23/04/2014

ĐHĐCĐ thường niên 2014 của Ngân hàng TMCP Quân đội (HOSE: MBB) sẽ trình cổ đông phương án chào bán 390.6 triệu cp cho đối tác chiến lược. HĐQT ngân hàng có sự thay đổi khá nhiều thành viên.

Tiếp tục cập nhật...

12h50: Đại hội thông qua các tờ trình

Khó tìm đối tác chiến lược nước ngoài

12h00: Thảo luận

Lương nhân viên ngân hàng là cao?

MBB cần có chế độ đãi ngộ nhân viên ngân hàng, lương của nhân viên MBB chưa phải cao nhất thị trường mà chỉ ở mức khá, gắn với năng suất lao động.

MBB có nhận sáp nhập như rất nhiều ngân hàng đang thực hiện không, đối tượng ngân hàng hướng đến như thế nào?

MBB đã tiếp xúc một vài đối tác đến bước tìm hiểu chi tiết chất lượng tài sản của nhau, tuy nhiên yêu cầu của MBB khá khắt khe về đối tác hợp nhất/sáp nhập. Về đối tác hợp nhất sáp nhập, MBB muốn tìm tổ chức tài chính có hệ thống chi nhánh để hỗ trợ MBB trong điều kiện NHNN hạn chế việc phát triển chi nhánh mới. Thứ hai là phải có cơ sở khách hàng để tăng mạng lưới khách hàng cho MBB. Thứ ba là đối tác có nợ xấu thấp, chất lượng tài sản cao để đảm bảo chất lượng khi hợp nhất với MBB. Đối tác phải có chung tầm nhìn để xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài với MBB.

Về khoản cho vay 80 tỷ tại Công ty Trường Ngân, trong HĐQT và BKS có ai dính vào vụ này không? Ai chịu trách nhiệm với vấn đề 80 tỷ đồng này? Cổ đông tham gia góp vốn vào ngân hàng chứ không phải cho vay, trong khi đó cổ tức của ngân hàng ngày càng kém đi.

Liên quan đến Công ty cà phê Trường Ngân, đại diện ngân hàng cho biết, hiện MBB cho vay 80 tỷ đồng có thế chấp bằng tài sản cố định của công ty và 600 tấn cà phê ở trong kho tại tỉnh Bình Dương. MBB đã có chủ trương phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn để lấy số cà phê này ra, hóa đơn chứng từ để chứng minh cà phê ở kho các cơ quan đến kiểm tra là đúng. Uy nhiên khi MBB lấy ra khỏi kho thì các ngân hàng khác không đồng ý mặc dù chi nhánh NHNN TpHCM đã đồng ý. MBB vẫn quản lý tốt 600 tấn cà phê trong kho và giữ tài sản đảm bảo. Số cà phê trong kho và tài sản đảm bảo của Trường Ngân đủ năng lực trả nợ. Cổ đông yên tâm vì MBB đã làm rất chặt chẽ.

Về vấn đề cổ tức, ngân hàng sẽ duy trì cổ tức từ 10% trở lên và cao hơn lãi suất ngân hàng.

MBB có cần đối tác chiến lược nước ngoài không khi đã có thế mạnh ở trong nước?

Đại diện MBB cho biết mục đích tìm kiếm đối tác nước ngoài của MBB là để nhanh chóng tiếp cận công nghệ, bí quyết kinh doanh, những lĩnh vực mà MBB chưa mạnh. Đồng thời MBB sẽ tận dụng mạng lưới hoạt động để vươn ra những thị trường mới.

Về đối tác nước ngoài, MBB đặt ra tiêu chí ưu tiên đối tác có năng lực tài chính tốt, cam kết cao, tránh xung đột quyền lợi với MBB và mang lại giá trị gia tăng cho ngân hàng và cổ đông.

Tuy nhiên, trong thời gian qua MBB đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm đối tác chiến lược, qua tiếp xúc một số đối tác nhưng chưa đáp ứng tiêu chí ngân hàng đề ra. Do đó, HĐQT MBB hy vọng trong nhiệm kỳ tới sẽ tìm được đối tác.

Một cổ đông hiện là Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Nhật Bản tại Hà Nội cho biết phía Nhật bản đã đầu tư vào nhiều ngân hàng Việt Nam và quan tâm trở thành đối tác chiến lược của MBB. MBB có chủ trương hợp tác với Nhật Bản không?

Đại diện MBB cho biết trong 3 năm vừa qua, HĐQT đã tổ chức tìm kiếm cổ đông chiến lược, MBB rất mong muốn hỗ trợ tìm kiếm đối tác có vốn, tài sản quy mô lớn. Nhiều khách hàng đầu tư tại Nhật Bản đồng thời còn có đầu tư tại Việt Nam, do đó có thể tận dụng mạng lưới khách hàng này.

MBB sẵn sàng làm việc với cổ đông Nhật Bản.

Quan hệ với đối tác chiến lược Viettel như thế nào, mang lại lợi ích gì cho MBB?

Viettel tạo ra nhiều giá trị cho MBB, cam kết hỗ trợ MBB phát triển mạnh về sản phẩm liên kết trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin. Theo đó, MBB đã đi tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên nền điện thoại di động. Đồng thời MBB khai thác dựa trên nền tảng khác hàng từ 50 triệu thuê bao của Viettel.

Ngoài ra, MBB cũng muốn phát triển mạng lưới chi nhánh nước ngoài tại châu Phi, các nước châu Á như Myanmar… Viettel còn là khách hàng lớn về huy động, cho vay của MBB.

Tỷ lệ cổ tức 2013 là 11%, thấp hơn so với năm 2012, nên giữ như năm trước?

Trong năm 2013, tình hình kinh doanh rất khó khăn, lợi nhuận tạo ra của nhiều ngân hàng giảm sút, cổ tức thấp. Tỷ lệ cổ tức năm 2012 của MBB là 12%, còn năm 2013 là 11% (8% bằng tiền mặt và 3% bằng cổ phiếu). Nếu quy theo giá thị trường (13,900 đồng/cp), tỷ lệ cổ tức 2013 cũng xấp xỉ năm 2012.

Các công ty con của MBB hoạt động không hiệu quả? MBB muốn đầu tư góp vốn gì vào công ty con và liên kết nữa?

Đầu tư vào các công ty con, chủ trương của MBB là bán chéo sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, nhiều lĩnh vực thành công trên thế giới như liên kết ngân hàng với bảo hiểm, ngân hàng với tổ chức tài chính như chứng khoán. Trong năm 2013 các công ty con hoạt động có lãi.

Về phương án tăng vốn, cổ đông góp vốn nhưng hiệu quả lợi nhuận không bằng tỷ lệ tăng vốn thì làm sao thuyết phục được cổ đông tin tưởng phương án tăng vốn? Giá phát hành chiết khấu 25% là thấp?

MBB đã tính toán cho chương trình tăng vốn điều lệ trên cơ sở tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. MBB vẫn đảm bảo kết quả kinh doanh tăng trưởng hợp lý.

Về tỷ lệ chiết khấu, Ban chủ tọa cho biết, từ năm 2012 MBB có định hướng phát triển là tìm kiếm cổ đông chiến lược. Để thu hút chiến lược thì phải có ưu đãi nhưng đảm bảo không thấp hơn mệnh giá.

Cổ đông chiến lược sẽ mang lại giá trị mới cho ngân hàng, tăng giá trị của MBB, tăng mạng lưới khách hàng, công nghệ, tăng năng lực trong tương lai, và đã được ĐHĐCĐ hai năm gần gây thông qua, nay ngân hàng tiếp tục xin cổ đông ủng hộ để MBB có cổ đông chiến lược đóng góp lâu dài cho ngân hàng.

HĐQT xuất hiện nhiều nhân vật mới?

10h35: Danh sách ứng viên HĐQT nhiệm kỳ mới (2014-2019)

  1. Lê Công (Tổng giám đốc đương nhiệm, ứng viên mới)
  2. Hà Tiến Dũng (ứng viên mới)
  3. Nguyễn Văn Hùng (ứng viên mới)
  4. Nguyễn Thị Ngọc (ứng viên mới)
  5. Nguyễn Thị Thủy (ứng viên mới)
  6. Lê Hữu Đức
  7. Nguyễn Mạnh Hùng
  8. Nguyễn Đăng Nghiêm
  9. Lưu Trung Thái
  10. Trần Thị Kim Thanh

Như vậy, một số thành viên HĐQT cũ không có trong danh sách nhiệm kỳ này là ông Đậu Quang Lành (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28 - Bộ Quốc phòng), ông Lê Văn Bé và bà Lê Minh Hồng.

Năm 2014 chịu ảnh hưởng bởi Thông tư 02, Thông tư 09

9h30: Ông Lê Công - Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2014 dự kiến 3,100 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm trước.

Ngoài ra, NHNN có chính sách mới sẽ triển khai Thông tư 02, Thông tư 09 về hệ số an toàn, rủi ro..., do đó nợ xấu toàn ngành ngân hàng dự kiến tăng lên, MBB phải có chính sách kiểm soát các rủi ro này và sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.

9h00: Khai mạc đại hội

ĐHĐCĐ Ngân hàng MB: HĐQT xuất hiện 5 nhân vật mới, MBB trả lời về khoản cho vay Trường Ngân

ĐHĐCĐ thường niên 20144 của MBB

Kế hoạch lãi trước thuế 3,100 tỷ, tìm cơ hội sáp nhập ngân hàng

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 sáng ngày 23/04 tại Hà Nội về việc ổn định cơ cấu cổ đông, tìm kiếm và lựa chọn các đối tác chiến lược trong và ngoài nước, tận dụng các cơ hội để thâu tóm, sáp nhập một ngân hàng có điều kiện phù hợp với tình hình của MBB.

Lợi nhuận trước thuế năm 2014 dự kiến 3,100 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm trước, trong đó riêng ngân hàng là 3,000 tỷ đồng. Tỷ lệ trả cổ tức 10%, giảm so với mức 11% của năm 2013.

ĐHĐCĐ Ngân hàng MB: HĐQT xuất hiện 5 nhân vật mới, MBB trả lời về khoản cho vay Trường Ngân

Vốn điều lệ dự kiến tăng 38% từ 11,256 tỷ lên 15,500 tỷ đồng. Việc tăng vốn sẽ chia thành 2 đợt. Đợt 1 tăng vốn thêm 337.7 tỷ thông qua việc phát hành 33.77 triệu cp trả cổ tức đợt 2/2013 theo tỷ lệ 3% trong quý 2/2014. Trong đợt 2, MBB sẽ chào bán 390.6 triệu cp cho cổ đông, đối tác chiến lược. Giá chào bán là giá thỏa thuận có chiết khấu tối đa 25% nhưng không thấp hơn mệnh giá. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3, 4/2014.

Trong năm 2013, MBB đạt 3,022 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 2% so với năm 2012 và tương đương 86% kế hoạch năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1.84% lên 2.45%. Tỷ lệ cổ tức năm 2013 sẽ trình cổ đông thông qua là 11%, trong đó 8% bằng tiền mặt đã tạm ứng tháng 11/2013 và 3% bằng cổ phiếu sẽ chi trả sau ĐHĐCĐ thường niên 2014.

Minh Hằng