Vụ án “Tranh chấp giữa các thành viên với công ty” ở Gia Lai: Chấp nhận đơn kháng cáo, hủy một số quyết định liên quan đến việc bồi thường thiệt hại

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 11:42, 01/06/2017

Do việc thu cổ phần của Công ty in Gia Lai là không đúng quy định của pháp luật nên các nguyên đơn vẫn được sở hữu số cổ phần của mình, đồng thời được hưởng cổ tức các năm 2013, 2014 và 2015 theo quy định.

Đó là phán quyết của Tòa án về vụ án“Tranh chấp giữa các thành viên với công ty” ở Gia Lai

Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

Năm 2006, Xí nghiệp in Gia Lai (Tiền thân của Công ty in Gia Lai) chuyển sang mô hình cổ phần và có tên là Công ty cổ phần In và dịch vụ văn hóa Gia Lai, nhà nước chiếm cổ phần chi phối.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan (1958, trú 323-Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku, Gia Lai) là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và đại diện phần vốn nhà nước. Lúc này bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (1970, trú 16-Tô Vĩnh Diện, P.Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai) được bổ nhiệm Phó giám đốc phụ trách công việc sản xuất, bà Nguyễn Thị Phượng (1975, trú 225/9 Phạm Văn Đồng, P.Thống Nhất, Pleiku, Gia Lai) được bổ nhiệm kế toán trưởng.

Từ năm 2010 đến nay, Công ty cổ phần hóa 100% vốn cổ đông, bà Lan chiếm phần vốn cao nhất và tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Cuối năm 2007, bà Lan quyết định thành lập Siêu thị Phố Núi (gọi tắt là STPN-102-Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku, Gia Lai). Năm 2008, siêu thị kinh doanh không hiệu quả, năm 2009, lúc này bà Nguyệt đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Công ty được bổ nhiệm làm Giám đốc Siêu thị. STPN hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào Công ty in Gia Lai. Tháng 5/2009, lấy lý do STPN có vị trí không thuận lợi nên phải mở thêm một địa điểm khác để kinh doanh nhưng chi nhánh này làm ăn cũng không hiệu quả nên chỉ kéo dài đến tháng 1/2013 thì ngưng hoạt động.

Từ những lý do trên, bà Lan quyết định tổ chức kiểm kê hàng hóa siêu thị vào ngày 28/2/2013. Để thực hiện việc kiểm kê, bà Lan đã ký hợp đồng với Công ty CP mã vạch sáng tạo trẻ TP. HCM hỗ trợ. Kết quả, bà Lan tuyên bố siêu thị kiểm kê thiếu 1,117 tỷ đồng  và quy trách nhiệm cho 3 người (bà Nguyệt- Giám đốc siêu thị; bà Phượng-Kế toán trưởng Công ty và bà Liễu- kế toán phụ trách siêu thị). Sau đó, bức xúc vì cho rằng bà Lan xúc phạm nặng nề nên cả 3 bà đều làm đơn xin nghỉ việc…

Theo bà Nguyệt trình bày, việc làm của bà Lan có nhiều khuất tất, sự thật không hề có việc thất thoát tiền như bà Lan tuyên bố. Tuy nhiên các ý kiến này đều bị bà Lan bác bỏ. Không đồng ý với cách giải quyết vụ việc của Công ty in Gia Lai và người đứng đầu là bà Lan nên 3 bà đã khởi kiện ra TAND tỉnh Gia Lai. Tại bản án Số 03/2016/KDTM-ST  ngày 16/6/2016, TAND tỉnh Gia Lai đã không chấp nhận đơn khởi kiện của các bà. Trong đó các bà cho rằng tài liệu mà bị đơn cung cấp cho Tòa án không đúng theo quy định của pháp luật; Công ty in Gia Lai cố tình tạo những chứng cứ không có thật nhằm chiếm đoạt tiền của cổ đông…

Vụ án “Tranh chấp giữa các thành viên với công ty” ở Gia Lai: Chấp nhận đơn kháng cáo, hủy một số quyết định liên quan đến việc bồi thường thiệt hại

Biên bản kiểm kê không có mặt, không có chữ ký của các bà Nguyệt, Phượng và Liễu

Các bà Nguyệt, Phượng và Liễu cho rằng còn nhiều vấn đề họ yêu cầu trong phiên tòa sơ thẩm vẫn chưa được cấp này làm rõ.  Trong đó, bà Nguyệt là Giám đốc siêu thị nhưng danh sách kiểm kê không có tên bà Nguyệt. Cụ thể, tại biên bản ghi ngày 24/2/2013 “V/v chênh lệch số liệu kiểm kê hàng hóa ở kho tổng và kho siêu thị…” theo nguyên tắc những người bị buộc bồi thường (Nguyệt-Phượng-Liễu) phải ký tên xác nhận thiệt hại nhưng ở đây chỉ có ông Nguyễn Đức Huyền (1959- Phó Tổng giám đốc phụ trách nội chính và sản xuất) và những người khác làm biên bản, như vậy là chưa phù hợp. Và điều “chưa phù hợp” này lại được Công ty in Gia Lai nộp làm chứng cứ tại tòa, được thể hiện tại bút lục số 95-96.

Mặt khác, tại công văn Số 02303/13. CV-PHONUI, của Công ty CP mã vạch sáng tạo trẻ về việc hỗ trợ kết quả kiểm kê gửi Công ty CP In và dịch vụ Văn hóa Gia Lai ngày 23/3/2013 không có người ký tên, đóng dấu. Ở đây, Công ty mã vạch sáng tạo trẻ là công ty có tư cách pháp nhân, vậy nên đã là văn bản hợp lệ dùng làm căn cứ xác đáng để giải quyết trong vụ việc này thì tại sao không đóng dấu ký tên?

Vấn đề nữa cần được làm rõ là việc sử dụng con dấu của Công ty CP In và dịch vụ văn hóa Gia Lai không đồng nhất. Trong đó, công ty này có 2 con dấu có mã số khác nhau đó là “3903000077” và “5900182182”, trong đó có con dấu Công ty CP in và đầu tư phát triển giáo dục Gia Lai cũng có mã số là “5900182182”. Điều khó hiểu ở đây là trong số những tài liệu mà bị đơn cung cấp tại tòa, con dấu được thể hiện trong những văn bản cũ được đóng con dấu của hiện tại (thay vì còn dấu trước đây). Cụ thể, tại quyết định tặng cổ phần cho người lao động được ghi ngày 19/7/2008, thời điểm này theo Luật Doanh nghiệp “Mã số trong con dấu được quy định là mã trên Giấy phép kinh doanh 3903000077” nhưng hiện tại con dấu được đóng có mã số của doanh nghiệp “5900182182”. Sau năm 2010, Luật Doanh nghiệp sửa đổi mới quy định lại mã số trong con dấu là mã số thuế, vậy nhưng không hiểu vì sao Công ty in Gia Lai lại có con dấu này từ ngày 19/7/2008. Đây là lý do các đồng nguyên đơn cho rằng chứng cứ này mới được làm để… hợp thức hóa. Vì các lẽ trên, các nguyên đơn đã kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm hủy các văn bản, nghị quyết, quyết định của Công ty in Gia Lai về thu hồi cổ phần và yêu cầu công ty trả lại cổ tức của các năm 2013, 2014 cho các cổ đông là nguyên đơn khi bị thu hồi.

Hủy các quyết định trái pháp luật

Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định, căn cứ báo cáo kết luận của Ban kiểm soát Công ty ngày 13/8/2013, STPN đã làm hàng hóa thất thoát hơn 1,117 tỷ đồng. Ngày 22/8/2015, Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 của Công ty in Gia Lai đã ra nghị quyết buộc các bà Nguyệt, Phượng và Liễu chịu trách nhiệm. Cụ thể, bà Nguyệt với vai trò Giám đốc STPN- người điều hành trực tiếp chịu 40% tương ứng với số tiền hơn 665 triệu đồng; bà Phượng- Kế toán trưởng phụ trách STPN chịu 25% tương ứng hơn 415 triệu đồng và bà Liễu- Phó kế toán trưởng chịu 15% tương ứng 249 triệu đồng. Ngoài ra, quyết định thu tiền cổ phần của các bà như sau: bà Nguyệt hơn 449 triệu đồng, bà Liễu 50 triệu đồng và bà Phượng hơn 165 triệu đồng.

Vụ án “Tranh chấp giữa các thành viên với công ty” ở Gia Lai: Chấp nhận đơn kháng cáo, hủy một số quyết định liên quan đến việc bồi thường thiệt hại

Phiên tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp giữa các thành viên với công ty

Theo đó, ngày 5/2/2016, Hội đồng quản trị Công ty in Gia Lai ban hành quyết định thu số tiền này để trừ vào số tiền bị tổn thất nói trên. Vấn đề này cho thấy, bà Nguyệt, Phượng và Liễu vừa là cổ đông đồng thời cũng là người lao động của công ty. Việc công ty buộc các bà Nguyệt, Phượng và Liễu chịu trách nhiệm như trên là không tuân thủ đúng nguyên tắc và trình tự xử lý bồi thường thiệt hại được quy định tại các Điều 130, Điều 131 và 132 Bộ luật lao động. Đồng thời, việc thu hồi cổ phần của cổ đông để trừ vào tiền bồi thường thiệt hại như nêu trên là không đúng với quy định việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, sử dụng cổ phần để trả nợ của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Cũng vì việc thu cổ phần của Công ty in Gai Lai là không đúng quy định của pháp luật nên các bà Nguyệt, Phượng và Liễu vẫn được sở hữu số cổ phần của mình, đồng thời được hưởng cổ tức các năm 2013, 2014 và 2015 theo quy định. Căn cứ vào các nghị quyết, quyết định của Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 và Hội đồng quản trị Công ty in Gia Lai về phân chia trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bà Nguyệt, Phượng và Liễu để trừ vào số tiền bồi thường thiệt hại là không đúng nên chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn, hủy các nghị quyết, quyết định của Đại hội cổ đông thường niên năm 2014 và Hội đồng quản trị Công ty in Gia Lai về phần chia trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn.

Mạnh Cường