ĐHĐCĐ CII: Cổ đông lo lắng lợi suất đầu tư ngành nước

Kinh tế - Ngày đăng : 09:33, 15/04/2014

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của CTCP Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (HOSE: CII) diễn ra sáng ngày 15/04, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh bao gồm doanh thu đạt 768.2 tỷ đồng, lãi ròng (chưa trừ lợi ích cổ đông thiểu số) 233.7 tỷ đồng.

11h45: Đại hội thông qua tất cả tờ trình

10h30: Cổ đông lo lắng lợi suất đầu tư ngành nước

Đại hội bước vào thời gian thảo luận.

Việc tập trung phát triển ngành nước, cổ đông mong muốn biết được lợi suất đầu tư là bao nhiêu?

Ông Bình xin phép không tiết lộ ra ngoài bởi yếu tố cạnh tranh, song ông vẫn khẳng định lợi suất mang lại sẽ không khiến nhà đầu tư thất vọng.

Bổ sung thêm, ông Hoàng cho biết hiện có khá nhiều doanh nghiệp cả trong nước hay ngoài nước quan tâm, CII có lợi thế là bắt đầu trước và quy trình tiến hành được tính toán kỹ lưỡng. Đối với đầu tư dự án BOT, CII bỏ vốn ban đầu và nhà nước cam kết hoàn vốn cho nên các dự án của CII là ít rủi ro.

Việc tái cấu trúc liệu có ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của công ty không?

Ông Bình cho hay công ty chỉ tái cấu trúc quản lý, không thay đổi ngành nghề. Đối với các mảng kinh doanh, công ty phân ra để chuyên môn hóa và dễ dàng trong công tác quản lý cho nên ông bình cho rằng sẽ không gặp rủi ro tái cấu trúc.

Cơ cấu doanh thu năm 2014 ra sao?

Doanh thu năm 2014 sẽ chủ yếu đến từ CII Bridge & Road, CII E & C và CII Service; riêng CII Land, CII Water thì chưa thể mang lại doanh thu ngay được.

Huy động vốn từ đâu để đáp ứng các dự án?

Vốn điều lệ CII khoảng 1,126 tỷ đồng, không đủ để đáp ứng chi phí cho các dự án. Ông Hoàng cho biết công ty ưu tiên huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (ít tốn kém nhất, lãi suất thấp hơn vay tín dụng ngân hàng) và trái phiếu chuyển đổi. Nguồn thứ hai là tăng vốn điều lệ, thứ 3 là vay tín dụng ngân hàng, hiện nay CII hợp tác toàn diện với Vietinbank (HOSE: CTG).

Ông Hoàng chia sẻ thêm hiện các ngân hàng đang dư vốn, đã có nhiều ngân hàng tìm đến CII và HĐQT sẽ cân nhắc kỹ để tìm được nguồn vốn tốt nhất để đầu tư các dự án.

ĐHĐCĐ CII: Cổ đông lo lắng lợi suất đầu tư ngành nước

09h45: Phát triển mảng cấp thoát nước qua Sài Gòn Water

Đánh giá tiềm năng của ngành cấp thoát nước, xử lý nước sạch là rất cao, ông Lê Vũ Hoàng - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết trọng điểm trong năm 2014 là dự án về sản xuất nước và xử lý nước thải. Bên cạnh các dự án đang triển khai, CII đã xúc tiến dự án có quy mô tổng vốn đầu tư trên 10,000 tỷ đồng và một dự án quy mô khoảng 8,200 tỷ đồng. Trong đó, CII dự kiến sẽ khởi công cụm dự án 10,000 tỷ đồng ngay trong năm 2014.

Ông Hoàng chia sẻ, với những dự án lớn như trên, trong ngắn hạn công ty có thể gặp những khó khăn về dòng tiền và gây lo ngại cho cổ đông. Những xét về dài hạn, ông khẳng định phương hướng hoạt động tập trung vào ngành xử lý nước là rất tiềm năng, cổ đông có thể yên tâm.

Về chỉ tiêu kế hoạch năm nay, CII đặt mục tiêu doanh thu đạt 768.2 tỷ đồng, giảm 25% so với năm trước; lãi ròng 233.7 tỷ đồng; tăng gấp đôi so với năm 2013 nhưng vẫn thấp hơn đã thực hiện năm 2012; kế hoạch cổ tức duy trì ở mức 12%.

 

 

Kế hoạch lãi ròng 2014 của CII so với thực hiện các năm trước (tỷ đồng)

ĐHĐCĐ CII: Cổ đông lo lắng lợi suất đầu tư ngành nước

Lãi ròng chưa trừ lợi ích của cổ đông thiểu số (Số liệu năm 2014 là kế hoạch).

9h15: Lãi ròng 118.8 tỷ đồng năm 2013, bằng 20% cùng kỳ và chỉ hoàn thành 28% kế hoạch

Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII trình bày kết quả đạt được trong năm 2013.

Kết quả tài chính năm 2013 của CII gồm doanh thu đạt 1,012 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước và vượt 30% kế hoạch năm; lãi ròng 118.8 tỷ đồng, bằng 20% năm 2012 và chỉ đạt 28% kế hoạch.

Doanh thu vẫn duy trì nhờ doanh thu thu phí tăng mạnh. Cụ thể, trong năm 2013, công ty đã dừng thu phí hoàn vốn dự án chuyển nhượng quyền thu phí đường Điện Biên Phủ và đường Kinh Dương Vương, đồng thời bắt đầu thu phí hoàn vốn xây dựng cầu Rạch Chiếc, trạm thu phí Cam Thịnh, trạm thu phí cầu Bình Triệu 1.

Tuy nhiên, lợi nhuận lại giảm mạnh, ông Bình cho biết nguyên nhân xuất phát từ việc thay đổi chính sách kế toán và thay đổi về định hướng chiến lược đầu tư từ chuyển nhượng dự án sang khai thác hết vòng đời dự án.

Một bước chuyển biến lớn trong cấu trúc hoạt động của công ty là phân chia lại hoạt động trong 5 mảng chính gồm cầu và đường, nước, thi công xây dựng, bất động sản, dịch vụ. Theo đó, CII trở thành CII Holdings, quản lý 5 công ty con chuyên biệt là CII Bridge & Road, CII Water, CII E & C, CII Land và CII Service. CII Holdings luôn duy trì tỷ lệ nắm giữ tối thiểu 40% tại các công ty thành viên và nắm giữ ít nhất một trong hai vị trí chủ chốt (Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc).

Trong năm 2013, công ty tập trung vào việc triển khai thi công các công trình trọng điểm về giao thông để có thể đưa vào khai thác và xúc tiến các dự án đầu tư mới cho các năm tiếp theo. Cụ thể, đối với dự án cầu đường giao thông, công ty đã hoàn thành dự án cầu Sài Gòn 2, dự án đường Liên tỉnh lộ 25B giai đoạn 2, dự án tuyến tránh Phan Rang – Tháp Chàm. Còn dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, CII đang triển khai thi công đường song hành phải trên địa bàn quận 2, từ Metro An Phú ra đến cầu Rạch Chiếc dài 1.7 km, dự kiến hoàn thành vào quý 2/2014; triển khai đường song hành từ UBND quận 9 đến nút giao thông Đại học quốc gia, dài khoảng 4.5 km, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Dự án BOT cầu Bình Triệu 2, phần 2, giai đoạn 2, công ty đang hoàn thiện phương án mặt cắt ngang nhỏ hơn quy mô cũ để trình Sở GTVT xem xét.

Đối với dự án sản xuất nước sạch, CII và Sài Gòn Water đang trình thành phố dự án giảm thất thoát nước vùng 4, 5, 6 và đặc biệt là dự án BOOT phân phối nước cho 5 quận huyện của thành phố.

Trong lĩnh vực bất động sản, CII chỉ còn lại dự án cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ và dự án Diamond Riverside. Với cao ốc văn phòng 152 Điện Biên Phủ đang xem xét chuyển đổi 1 phần công năng, còn Diamond Riverside sẽ khởi công trong năm 2014.

Cổ tức 2013 chỉ ở mức 12% tiền mặt, nguồn tiền chi trả đến từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2012 do năm 2013 không hoàn thành kế hoạch.

Mỹ Hà