ĐHĐCĐ BIC: Sẽ phát hành tối đa 30% vốn cho đối tác chiến lược
Kinh tế - Ngày đăng : 19:00, 11/04/2014
Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2014, Tổng CTCP Bảo hiểm NH Đầu tư & Phát triển Việt Nam (HOSE: BIC) đặt chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm (riêng lẻ) 1,000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế (hợp nhất gồm BIC và LVI, chưa bao gồm CVI do chưa xác định thời điểm chuyển nhượng) dự kiến tăng 3.5% lên 130 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức giữ nguyên 10% như năm 2013.
Trả lời cổ đông về mức tăng trưởng kế hoạch năm 2014 không cao như năm trước, đại diện công ty cho biết do HĐQT thống nhất ưu tiên cơ hội mở rộng tăng thị phần ưu tiên, tăng doanh thu bảo hiểm gốc, mở rộng mạng lưới nên chi phí dự kiến sẽ tăng. Bên cạnh đó, đối với hoạt động đầu tư, danh mục chủ yếu từ tiền gửi và trái phiếu, tuy nhiên xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.
Tăng đầu tư tại các tài sản rủi ro hơn
BIC có kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược và tăng vốn điều lệ trong năm 2014 hoặc đầu năm 2015.
Chia sẻ với cổ đông về câu hỏi đối tác chiến lược là ai, đại diện công ty cho biết đến thời điểm hiện nay chưa thể cho biết tên đối tác. Trong năm 2013, BIC đã tiếp cận khá nhiều đối tác là các nhà đầu tư tài chính, các công ty bảo hiểm cũng như nhiều nhà đầu tư khác. Sau khi có kết quả cụ thể công ty sẽ báo cáo với cổ đông. Thông tin BIC có thể chia sẻ là tỷ lệ sở hữu xin cổ đông phê duyệt tối đa là 30%.
Trên thị trường có nhiều công ty cũng phát hành cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư tài chính với tỷ lệ 10%. Tuy nhiên, mục tiêu của BIC trong việc tìm đối tác chiến lược là các công ty bảo hiểm để có thể hỗ trợ công ty về quản trị, kỹ thuật.
Sau khi phát hành thêm vốn cho cổ đông chiến lược, vốn dự kiến sẽ khoảng 1,400-1,500 tỷ đồng. Công ty sẽ sử dụng để phân bổ đa dạng hóa danh mục đầu tư. Nhiều năm qua BIC chưa chú trọng đến các kênh đầu tư như bất động sản, cổ phiếu và trong 4 năm gần đây BIC đã thoái và thanh lý danh mục rất nhiều. Gần đây bộ phận đầu tư tài chính của công ty đã tăng hạn mức đầu tư vào các hạng mục rủi ro hơn như trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh, cổ phiếu.
Tại thời điểm trước khi tăng vốn theo chương trình ESOP, có nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ trên 10% cổ phần của BIC. Sau khi tăng vốn theo chương trình ESOP, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài này giảm xuống 9.8%, là cổ đông lớn của BIC bên cạnh Ngân hàng BIDV (BID).
Liên doanh tại Lào và Campuchia ra sao?
Bên cạnh đó, BIC sẽ tăng vốn tại liên doanh bảo hiểm Lào (LVI) trong những năm tới, đây là thị trường có khả năng mở rộng kinh doanh và có tỷ suất sinh lời tốt. Quy mô của LVI đứng thứ 2 thị trường Lào, chỉ thua một công ty của Đức đã có mặt tại thị trường Lào 24 năm. Doanh thu năm 2013 của LVI xấp xỉ 10 triệu USD, lợi nhuận 700,000 USD, vốn là 3 triệu USD.
BIC có kế hoạch tăng vốn cho LVI do ở Lào có nhiều cơ hội mở rộng kinh doanh. Việc tăng vốn sẽ thực hiện bằng lợi nhuận để lại do nếu chuyển lợi nhuận về nước thì phải chịu thêm khoản thuế. Dự kiến đến năm 2015 LVI sẽ tăng vốn lên tối thiểu 6 triệu USD.
Tại liên doanh bảo hiểm Campuchia (CVI), đại diện công ty cũng chia sẻ thêm với cổ đông về việc chuyển nhượng vốn. CVI có doanh thu 3.9 triệu USD trong năm 2013, đứng thứ 4/6 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Campuchia, lợi nhuận năm 2013 đạt 420,000 USD. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận tại Campuchia thấp hơn Lào do tính chất rủi ro và chi phí cao hơn do chính sách thuế.
Trong năm 2013, BIC đã ký hợp đồng chuyển nhượng vốn 65% đối với CTCP Đầu tư Phát triển Campuchia, tuy nhiên thủ tục nhận chuyển nhượng vốn và đầu tư ra nước ngoài của BIC chưa xong, chưa tiếp cận được giấy phép đầu tư chính thức. Trong khi đó, một số cổ đông ở Campuchia có mong muốn tăng tỷ lệ sở hữu tại CVI, HĐQT BIC đã thống nhất chuyển nhượng một phần trong khoản cam kết mua 65% trước đây, dự kiến chuyển nhượng tối đa 14% cho cổ đông lớn thứ 2 cho một tập đoàn tài chính ngân hàng ở Campuchia.
Thông qua việc chuyển nhượng cho đối tác này, BIC sẽ có vốn để đầu tư tại thị trường khác hiệu quả hơn như ở Lào. Ngoài ra, CVI sẽ có sự hỗ trợ thêm từ tập đoàn này về tài chính cũng như các mối quan hệ và mạng lưới khách hàng. Một lý do khác là tại Campuchia có 7 công ty bảo hiểm phi nhân thọ thì chỉ có 1 công ty Nhà nước, còn lại là các công ty nước ngoài nên mức độ cạnh tranh tại cao.
Vì sao vẫn lỗ từ hoạt động bảo hiểm?
Được biết, tính hết năm 2013, thị phần bảo hiểm gốc của BIC ước đạt 3.2%, tăng 0.2% so với năm 2012 và đứng thứ 7 thị trường bảo hiểm phi nhân thọ về quy mô doanh thu bảo hiểm gốc. Công ty cho biết do ảnh hưởng của 3 cơn bão liên tiếp trong tháng 10, 11/2013 và đợt lũ lụt tại miền Trung trong tháng 11/2013 đã đẩy tỷ lệ bồi thường của BIC tăng đột biến so với các tháng đầu năm, ảnh hưởng đến mục tiêu không lỗ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của BIC. Bên cạnh đó là vụ tổn thất máy bay của Lao Air, tỷ lệ bồi thường của BIC tăng lên 39.4%.
Trong năm 2013, BIC đạt tổng doanh thu phí bảo hiểm hợp nhất 939 tỷ đồng (phí bảo hiểm gốc 856 tỷ và phí nhận tái bảo hiểm 83 tỷ đồng), tỷ lệ bồi thường 39.8%. Khi lãi suất giảm, BIC đã chuyển các hợp đồng tiền gửi từ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài, tỷ suất sinh lời trong hoạt động đầu tư tài chính của BIC mặc dù (tỷ trọng tiền gửi lớn trên 80%) duy trì khá cao so với lãi suất tiền gửi bình quân trên thị trường. Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính đạt 123 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 126 tỷ đồng.
Đối với nhiều công ty bảo hiểm quản lý chi phí tốt, tỷ lệ bồi thường dưới 50%, tại BIC tỷ lệ này là 39%. Chia sẻ thêm lý do vì sao tỷ lệ bồi thường của BIC thấp nhưng chưa có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại diện công ty cho biết do cơ chế hạch toán chưa phân bổ chi phí quản lý cho hoạt động đầu tư tài chính, tức là toàn bộ chi phí bỏ hết vào hoạt động bảo hiểm. Bên cạnh đó, BIC duy trì mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân thị trường để tăng thị phần, chi phí liên quan về phát triển mạnh lưới cao hơn.
Minh Hằng