Ông Nguyễn Đức Hùng Linh (SSI): ETFs khó lặp lại việc rút vốn trong thời gian còn lại năm 2014
Kinh tế - Ngày đăng : 10:32, 03/04/2014
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của CTCK Sài Gòn (SSI) phát biểu tại buổi hội thảo đầu tư 2014 về chuyên đề cơ hội sau khủng hoảng. |
Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của CTCK Sài Gòn (SSI) tại buổi hội thảo đầu tư 2014 về chuyên đề cơ hội sau khủng hoảng.
Theo ông Linh, lãi suất, dòng vốn ngoại và tin đồn là những yếu tố ảnh hưởng lớn lên thị trường chứng khoán năm qua.
Cụ thể, ông Linh cho rằng lãi suất giảm chính là nguyên nhân hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) trong dài hạn. Theo đó, lãi suất giảm một mặt giúp chính các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí sản xuất, từ đó nâng cao lợi nhuận, mặt khác chính nhà đầu tư (NĐT) cũng sẽ tìm kiếm cơ hội sinh lợi cao hơn (tiền đổ vào chứng khoán nhiều hơn).
Mối tương quan giữa lãi suất và VN-Index
Bên cạnh đó, dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là ETFs, có ảnh hưởng lớn đến xu hướng TTCK. Việc ETFs rút vốn ở thời gian gần đây là do ảnh hưởng từ cắt giảm QE3 và chiến tranh Syria, tuy nhiên, điều này sẽ khó lặp lại trong thời gian còn lại của 2014. Ngoài ra, ETFs rút vốn đã không gây ảnh hưởng nhiều đến VN-Index mà Việt Nam lại nằm ngoài làn sóng rút vốn mạnh mẽ khỏi các thị trường mới nổi.
Theo ông Linh, tại một số thời điểm nhất định, tin đồn có ảnh hưởng đến TTCK, trong đó hầu hết là những tin đồn “tích cực” chiếm ưu thế. Cụ thể, tin đồn được nhắc đến nhiều nhất là “mở room”, xuất hiện từ đầu 2013 và “nở rộ” vào quý 4/2013.
Ông Linh cho biết “trạng thái ổn định là mảnh đất tốt để tin đồn xuất hiện và kích thích thị trường”.
Tin đồn nới room và diễn biến của VN-Index
Đối với câu chuyện TTCK Việt Nam 2014, ông Linh chia sẻ 5 điểm hấp dẫn cho thị trường năm nay bao gồm:
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục với tốc độ tăng trưởng nhích dần trong khi lạm phát được kiểm soát sẽ giúp TTCK khởi sắc hơn.
Thứ hai, hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là EU và US (chiếm 36% tổng xuất khẩu) đang tăng trưởng tốt (năm 2013, tốc độ tăng trưởng xuất vào EU và US đều là 20%, cao hơn mức trung bình 15.4%).
Thứ ba, FDI vào Việt Nam tăng mạnh. Ngoài ra, Việt Nam đang gần tiến tới Hiệp định thương mại TPP, FTA với EU và nhóm Nga, Belarus, Kazakhstan, nhân tố tiếp tục thúc đẩy thương mại và FDI.
Thứ tư, cán cân thanh toán thặng dư giúp tỷ giá VNĐ ổn định, đối lập với sự mất giá đồng nội tệ của các nước trong khu vực.
Cuối cùng, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu đã đạt được bước tiến đáng kể. Quá trình tái cơ cấu DNNN đang tăng tốc tái cơ cấu đầu tư công bắt đầu chuyển động với dự thảo luật đầu tư công, luật đấu thầu sửa đổi.
Ông Linh cũng cho biết, với triển vọng chứng khoán 2014, nhóm cổ phiếu ngành Dược, Dầu khí, Dệt may, Cảng - Vận tải biển và Cơ sở hạ tầng, Xây dựng, Vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
TS. Nguyễn Xuân Thành: Có ngân hàng có nợ xấu đến 50% Tại buổi hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết có ngân hàng có nợ xấu bằng 50% tổng dư nợ. Theo đó, thanh khoản trong hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam năm 2014 vẫn tốt do tiền gửi tăng lên đều. Tuy nhiên, sức khỏe của hệ thống ngân hàng vẫn yếu do tỷ lệ nợ xấu hiện vẫn ở mức cao, trong đó có ngân hàng có nợ xấu bằng 50% tổng dư nợ. Cũng theo ông Thành, với lãi suất hiện đã hạ theo lạm phát, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng nên định hướng chính sách tiền tệ năm 2014 là nới cả về mặt tài khóa lẫn tiền tệ. Tuy nhiên, khả năng sẽ nới lỏng tài khóa và tiền tệ với quy mô bằng một nửa năm 2009. |
Sanh Tín