Chuyên gia dự báo: CPI tháng 3 sẽ không có đột biến, cầu tiêu dùng yếu
Kinh tế - Ngày đăng : 13:09, 18/03/2014
Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Tổng giám đốc Chứng khoán Sen Vàng nhận định: "CPI tháng 3 sẽgia tăng nhưng không tăng đột biến do cầu tiêu dùng chỉ ở mức thấp". Nhóm ngành tác động đáng kể đến chỉ số là hàng hóa, tiêu dùng và xăng dầu.
Mức cầu thị trường vẫn chỉ ở mức thấp cho thấy tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn. Hỗ trợ và tác động để chỉ số có thể được cải thiện hiện tại đến từ vấn đề lãi suất. Nếu Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất nữa thì có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời, các doanh nghiệp cũng có khả năng tiếp cận được nguồn vốn. Tuy nhiên việc giảm lãi suất và cho doanh nghiệp vay sẽ tác động đến nhiều yếu tố khác, trong đó có vấn đề nợ xấu. Vì vậy, ông cho rằng Nhà nước cần phải có những biện pháp giám sát chặt chẽ để kìm hãm vấn đề nợ xấu.
Tương tự ý kiến trên, ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường VCBS cũng cho rằng: “CPI tháng 3 có thể sẽ tăng nhẹ và dự báo mức tăng so với tháng 2 sẽ chỉ khoảng từ 0.05% đến 0.1%. Mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái trong khoảng từ 4.8% đến 5%".
Tuy nhiên, dự báo có thể có sai lệch nếu một số yếu tố thiết yếu như giá điện, giá nước, vấn đề y tế, giáo dục có biến động đáng kể.
Về các nhóm ngành trong rổ tính, ông cho rằng trong tháng 3 nhiều khả năng sẽ không có biến động đáng kể. Biến động có thể ở một số nhóm ngành như giao thông (do giá xăng tăng) và nhà ở. Tuy nhiên, xu hướng chung là biến động có thể sẽ chia đều ở các nhóm ngành.
"CPI tháng 3 sẽ phản ánh việc xăng tăng giá 300đ/lít từ cuối tháng 2, tuy nhiên mức độ tác động không lớn. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng tháng 3 cũng giảm so với tháng Tết nên tổng hợp các yếu tố đó, mức tăng CPI tháng 3 sẽ không có nhiều biến động so với tháng 2" là ý kiến nhận định của bà Nguyễn Mai Phương - Giám đốc nghiên cứu MSBS.
Về biến động ở các nhóm ngành, theo bà Phương, nhóm ngành giao thông vận tải, tiếp theo là nhóm hàng ăn uống/dịch vụ ăn uống sẽ có mức tăng và tác động nhiều nhất đến CPI tháng 3.
Bà cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, CPI tăng ở mức rất thấp do người dân tiết kiệm chi tiêu và mặt bằng giá cả hàng hóa ổn định hơn. Nhận định chung của MSBS, CPI đang tạo đáy trong quý 1 và có thể tăng trở lại từ quý 2. Theo đó, CPI cả năm dự kiến sẽ xoay quanh mức 7%.
Đối với tác động của CPI đến thị trường chứng khoán, bà Phương cho rằng, CPI cũng như các chỉ số khác đều cho thấy dấu hiệu kinh tế tạo đáy và chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, do đó dòng tiền vào TTCK hiện đang khá mạnh mẽ và tự tin.
Ông Nguyễn Hải Đăng – Trưởng phòng phân tích CTCK Saigonbank Berjaya nhìn nhận: “Dự báo tốc độ tăng của CPI tháng 3 sẽ tiếp tục giảm tốc và chỉ tăng 0.15% so với tháng 2/2014”.
Theo ông, nguyên nhân chính vẫn là nhu cầu còn yếu (do thắt chặt chi tiêu, tình hình dịch bệnh làm giảm nhu cầu ở nhiều mặt hàng thực phẩm, áp lực giảm giá các sản phẩm nông sản như gạo,…) và việc kiểm soát chặt giá cả của cơ quan quản lý trong dịp Tết vừa qua.
Về biến động của các nhóm ngành, ông Đăng nhận định, mặc dù giá xăng tăng vào cuối tháng 2 nhưng mức tăng này có tác động không quá lớn đến CPI và ông dự đoán nhóm ngành giáo dục, thuốc và dịch vụ y tế sẽ gia tăng hơn so với tháng 2.
Còn ông Trần Hoàng Sơn - Chuyên gia phân tích chiến lược thị trường MBS cho rằng: "CPI tháng 3 sẽ chỉ ở mức thấp do những yếu tố hỗ trợ cho CPI tăng không còn nhiều".
Ông cho biết: Mức cầu nền kinh tế đã được cải thiện nhưng chưa mạnh, tăng trưởng tín dụng thậm chí còn suy giảm trong tháng 2. Bên cạnh đó, một số hàng hóa công có tác động đến CPI thường kỳ như y tế, giáo dục cũng không có biến động là những nguyên nhân làm CPI tháng 3 chỉ ở mức thấp.
Duy Hoàng thực hiện