Góc nhìn 17-21/03: Giằng co và rung lắc trong phiên
Kinh tế - Ngày đăng : 16:10, 16/03/2014
VN-Index hướng đến 630 điểm
CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS): Thị trường ghi nhận trọn tuần tăng điểm trên cả hai sàn, phản ứng với mốc hỗ trợ kỹ thuật. Áp lực cung giá cao tăng mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần, khi VN-Index tăng đến ngưỡng cản 600 điểm, HNX-Index đến vùng kháng cự 84-85 điểm. Điểm tích cực là lực cầu giá thấp tốt và ổn định. Thị trường thiết lập thiết lập mức mức đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đà tăng điểm cùng chiều với sự gia tăng khối lượng giao dịch (KLGD) cho tín hiệu tích cực về dòng tiền và tâm lý nhà đầu tư.
Tâm điểm trong tuần giao dịch tiếp theo là động thái tái cơ cấu danh mục của quỹ đầu tư ETF. Quỹ VNM dự báo sẽ giảm tỷ trọng danh mục tại TTCK Việt Nam, khi tỷ lệ sở hữu chứng khoán của quỹ tại Việt Nam đạt trên 73%, cao hơn mức 70% theo quy định của quỹ. Diễn biến rút ròng CCQ liên tiếp của quỹ FTSE trước tình hình Ukraine bất ổn dự báo cũng ảnh hưởng đến việc mua bán của quỹ này. Động thái tái cơ cấu danh mục của quỹ ETF do vậy sẽ ảnh hưởng kém tích cực đến thị trường chung, tuy nhiên mức độ dự báo không nhiều.
Lượng cung giá cao dự báo ở mức cao trong tuần giao dịch tới, khi (1) hai chỉ số Index đã tiến sát ngưỡng cản kỹ thuật; và (2) nhà đầu tư thận trọng hơn trước giao dịch của quỹ ETF. Thị trường chung dự báo dao động tích lũy quanh ngưỡng cản kỹ thuật, trước khi tăng qua mốc điểm này. Dòng tiền dự báo sẽ tiếp tục dịch chuyển linh hoạt giữa từng nhóm cổ phiếu, chuyển từ cổ phiếu đã tăng nóng sang cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có thời gian tích lũy và kỳ vọng thông tin tích cực mùa ĐHCĐ.
Theo phân tích kỹ thuật (PTKT) trên đồ thị tuần của VN-Index, nếu trong những phiên tới, VN-Index tiếp tục bứt phá qua vùng giá 596-600 điểm thì mục tiêu hướng tới của VN-Index là vùng +/-630 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục xem xét MUA cổ phiếu Bluechip, midcap có yếu tố cơ bản tốt, đã có thời gian tích lũy và được dòng tiền quan tâm.
Mua ở vùng giá đỏ trong phiên khi chỉ số hiệu chỉnh
CTCP Chứng khoán SSI (SSI): Cây nến ngày 14/03 có bóng nến trên khá dài cho thấy áp lực bán khá lớn ở quanh mốc 600 điểm.
Khối lượng giao dịch ở mức hơn 160 triệu đơn vị, tăng 23% so với phiên trước. Theo SSI, khoảng gần 169 triệu đơn vị sẽ về tài khoản phiên đầu tuần tới sẽ tăng thêm lượng bán chốt lời ngắn hạn, có thể tiếp tục tạo biến động mạnh trong phiên giao dịch.
VN-30 có dấu hiệu yếu đi khi giảm khá mạnh trong phiên và hồi lại giảm 0.12% cuối phiên, SSI cho rằng những phiên của tuần giao dịch tới nhà đầu tư có thể mua ở vùng giá đỏ trong phiên khi chỉ số hiệu chỉnh. SSI tiếp tục nâng vùng hỗ trợ lên mức 580-585 điểm.
Duy trì đà tăng và xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC): VCSC cho rằng thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng và liên tiếp xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên. Đồng thời, dòng tiền có thể sẽ luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Hệ thống chỉ báo kỹ thuật của VCSC đánh giá cao khả năng vượt các mức kháng cự tâm lý 600 của chỉ số VN-Index và 85.0 của chỉ số HNX-Index, nhưng tâm lý nhà đầu tư có thể sẽ tỏ ra thận trọng và nghi ngờ trong giai đoạn này.
Do đó, các nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp rung lắc trong phiên để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và có thể dành một phần tỷ trọng danh mục cho nhóm cổ phiếu Penny đang trong trạng thái tích lũy.
Trong tuần giao dịch tới, quỹ Van Eck sẽ tiến hành kỳ cơ cấu danh mục của mình. Trường hợp nếu không xảy ra việc loại và thêm vào cổ phiếu thì các mã còn lại trong danh mục của quỹ này sẽ được hưởng lợi, tức là quỹ này có thể sẽ không bán mạnh ở các mã bị giảm tỷ trọng.
Theo đồ thị tuần, đà tăng trung hạn của hai chỉ số thể tiếp tục được mở rộng ở các mục tiêu cao hơn. Hệ thống chỉ báo kỹ thuật trung hạn tiếp tục duy trì đà tăng và rủi ro cảnh báo điều chỉnh đã không còn. Do đó, các nhà đầu tư trung hạn nên tiếp tục duy trì vị thế nắm giữ và tận dụng nhịp điều chỉnh trong tuần để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Áp lực điều chỉnh trên mốc kháng cự mạnh, có thể điều chỉnh trong phiên
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Hiện tại, nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn đang là động lực và cảm hứng cho thị trường đi lên khi liên tục tạo hiệu ứng lan tỏa đến những cổ phiếu còn lại. Trong khi đó, những thông tin lạc quan về kết quả kinh doanh đầu năm và cổ tức của nhiều doanh nghiệp niêm yết cũng đang được nhà đầu tư đón nhận tích cực qua nhiều kênh thông tin khác nhau.
Sang tuần giao dịch tiếp theo, cùng với việc giao dịch của các quỹ ETFs sẽ diễn ra mạnh hơn thì FPTS cho rằng thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với áp lực điều chỉnh trên mốc kháng cự mạnh, có thể là điều chỉnh trong phiên.
Ngưỡng 600 điểm của VN-Index là ngưỡng kháng cự quan trọng cả về tâm lý và kỹ thuật, do đó nhà đầu tư cần theo dõi kĩ diễn biến thị trường tại ngưỡng này, hạn chế việc mua đuổi giá cao trong phiên. Yếu tố thanh khoản và động thái của nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được đặc biệt lưu ý do việc mua bán của các quỹ ETF vẫn có thể gây ra những tác động nhất định thới xu hướng thị trường.
Cảnh báo phân kỳ tiêu cực, nên thận trọng
Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): Các quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam chính như FTSE Vietnam và Vaneck Market Vectors Vietnam vẫn còn cơ cấu danh mục trong một hai tuần tới.
MBKE lưu ý mức chênh lệch giữa giá các ETF này trên thị trường niêm yết nước ngoài với giá trị tài sản ròng của chúng đã giảm sút xuống khoảng 1-2% so với cao điểm khoảng 10% hồi cuối 2013 đầu 2014 – do đó, khả năng phát hành thêm các chứng chỉ quỹ này tại thị trường nước ngoài cũng như khả năng mua ròng các cổ phiếu thành phần tại Việt Nam giảm đi.
Đồ thị kỹ thuật phiên 14/3 tương đối đáng chú ý. VN-Index đã vượt qua mức đỉnh trước và lên mức cao mới (600.7), đánh dấu xu hướng tăng giá vẫn hợp lệ.MBKE cho rằng các nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao để tận dụng chiều hướng tăng của giá. MBKE lưu ý rằng các cảnh báo phân kỳ tiêu cực tiếp tục hiện diện trên đồ thị cho thấy tiếp tục nên thận trọng.
Giằng co trong biên độ hẹp quanh vùng đỉnh 590 – 600
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Độ rộng thị trường phiên 14/03 vẫn duy trì được mức cân bằng. Mặc dù thanh khoản tăng mạnh trên cả 2 sàn nhưng chưa tới mức nguy hiểm cảnh báo dấu hiệu phân phối đỉnh.
Trong tuần sau VNM ETF sẽ thực hiện cơ cấu danh mục (bán ròng) và điều có thể gây sức ép tương đối lên thị trường, dù vậy BSI cho rằng lực cầu nội ổn định vẫn sẽ giúp cân bằng lại lượng bán ra này. Thị trường do đó nhiều khả năng tiếp tục phân hóa và chỉ số sẽ giằng co trong biên độ hẹp quanh vùng đỉnh 590 – 600 điểm.
Minh Hằng tổng hợp