Cổ phiếu cơ bản tốt
Kinh tế - Ngày đăng : 13:17, 11/03/2014
NFC: Cổ phiếu tốt mới lên sàn
Theo CTCK Bảo Việt (BVSC), so với các doanh nghiệp sản xuất NPK, CTCP Phân Lân Ninh Bình (HNX: NFC) có lợi thế rất lớn khi có thể tự chủ được yếu tố Phốtpho thông qua nguồn phân lân của Công ty trong khi các doanh nghiệp khác gần như phải mua ngoài toàn bộ. Ngoài NFC, hiện tại chỉ có 4 doanh nghiệp có thể chủ động được nhu cầu lân để sản xuất NPK. Trong cơ cấu sản xuất NPK của NFC, lân chiếm khoảng 40%. Việc tự chủ được 40% nguyên liệu giúp NFC ổn định được hoạt động sản xuất và đạt được biên lợi nhuận tốt hơn so với các doanh nghiệp phải mua ngoài toàn bộ nguyên vật liệu.
BVSC cho rằng mặc dù chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất của NFC và giá các nguyên liệu cũng biến động qua các năm, nhưng nhờ thị phần tiêu thụ lớn, NFC có khả năng duy trì biên lợi nhuận ở mức cao, trung bình khoảng 27% trong giai đoạn 2009 - 2013.
Rủi ro chính của NFC là các thiết bị máy móc chính đều do Việt Nam chế tạo và nhiều thiết bị đã có tuổi đời khá lâu, đặc biệt là 2 lò cao và 4 máy nghiền lân là những máy móc chính để vận hành nhà máy đã được đưa vào sử dụng từ năm 1985-1986; tương đương tuổi thọ khoảng 30 năm. Việc vận hành với thời gian dài có thể khiến Công ty gặp rủi ro cao về khả năng hỏng hóc, ngừng hoạt động.
Năm 2014, NFC đặt kế hoạch khá thận trọng khoảng 690 tỷ doanh thu và 41.6 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương đương EPS khoảng 3,967 đồng. BVSC ước tính P/E trung bình của ngành phân bón dự báo trong năm ở mức 7.93 lần. Với mức giá chào sàn ngày 03/03 của NFC là 21,000 đồng/cp, tương ứng P/E forward 2014 là 5.3 lần, khá thấp so với trung bình ngành. Do đó BVSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NFC, với giá mục tiêu 31,500 đồng/cp.
>> Báo cáo chi tiết
BSI: Không phù hợp trading ngắn hạn
CTCK Maritime Bank (MSBS) cho rằng cổ phiếu BSI thích hợp với việc nắm giữ từ 2 – 3 tháng chứ không phù hợp với trading ngắn hạn.
Theo MSBS, CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BSI) là 1 thành viên của hệ thống Ngân hàng BIDV nên luôn nhận được sự hậu thuẫn lớn trong quá trình hoạt động. Năm 2013, doanh thu hoạt động môi giới của công ty tăng hơn 57% đạt 53 tỷ đồng, lọt vào top 10 thị phần môi giới HOSE với 3.03% thị phần và đứng thứ 9 thị phần môi giới HNX với 3.77% thị phần.
Bên cạnh đó, sau 5 lần tăng vốn, BSI là một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường Việt Nam. Năm 2013, BSI dẫn đầu về môi giới trái phiếu trên HNX với thị phần 38.1%.
Về xu hướng kỹ thuật, cổ phiếu BSI đang tạo mẫu hình cốc tay cầm điển hình với các phiên biến động xít giá với thanh khoản thấp. Chỉ báo kỹ thuật quan trọng Ichimoku đang phản ánh xu hướng tăng điểm mạnh trong thời gian tới. Các chỉ báo kỹ thuật khác như RSI, MACD, FastSTO đang phát tín hiệu mua vào. Cụm nến tăng giá nằm trên các đường MA20, 50 và 200 phản ánh xu hướng tăng điểm.
>> Báo cáo chi tiết
IMP: Mua cho mục tiêu 73,000 đồng/cp
Xét trong ngắn hạn, CTCK FPT (FPTS) cho rằng giá cổ phiếu IMP của CTCP Dược Phẩm Imexpharm vẫn chưa phản ánh đầy đủ kỳ vọng về những chuyển biến tích cực trong kết quả kinh doanh năm 2014. Lãi ròng ước tính năm 2014 là 92 tỷ đồng (+52% so với năm 2013), tương ứng EPS đạt 5,536 đồng.
Thách thức của IMP là nhận thức của đại bộ phận người dân Việt Nam về cách sử dụng và chất lượng thuốc còn thấp. Mạng lưới bán hàng qua kênh thương mại (OTC) chưa bao phủ cả nước mà chỉ mới phổ biến tại khu vực miền Trung và Miền Nam. Bên cạnh đó, khó khăn của IMP là các chính sách của cơ quan quản lý (Bộ Y tế - Cục quản lý dược) vẫn chưa nhất quán và gây không ít trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách này đang dần được cải thiện theo hướng có lợi cho các công ty quan tâm đầu tư về chiều sâu cho chất lượng.
Về dài hạn, FPTS cho rằng tiềm năng phát triển của IMP còn rất lớn khi doanh nghiệp vừa hoàn thành xong giai đoạn đầu tư cơ bản, xây dựng nền móng vững chắc cho quá trình phát triển trong tương lai, kết hợp với định hướng kinh doanh đúng đắn và có tầm nhìn dài hạn. IMP cũng đang là mục tiêu thâu tóm hàng đầu của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài. Với dự phóng FCFF, giá mục tiêu trong 12 tháng tới là 73,000 đồng/cp, cao hơn 36% so với thị giá hiện tại. Do đó, FPTS khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu IMP cho mục tiêu trung và dài hạn.
>> Báo cáo chi tiết
HPG: Nâng giá mục tiêu lên 56,200 đồng
Theo CTCK MayBank Kim Eng (MBKE), sự thành công của Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) trong 2013 ngoài việc được hưởng lợi từ xu hướng đi xuống của giá nguyên liệu đầu vào còn có sự đóng góp rất lớn từ việc đưa toàn bộ khu liên hợp thép tại Hải Dương vào vận hành. Khu liên hợp này sử dụng công nghệ lò cao với quy trình sản xuất khép kín từ quặng sắt và than cốc đến thép thành phẩm. Nhờ vậy, giá thành của thép HPG thấp các đối thủ từ 5-10%. Lợi thế này đã giúp HPG tăng mạnh thị phần lên trên 15% vào cuối 2013 từ mức 13.7% trong 2012.
Trong năm 2013 HPG đã ghi nhận gần 1,300 tỷ doanh thu và khoảng 200 tỷ lợi nhuận sau thuế từ dự án Bất động sản Mandarin Garden. Trong năm 2014, MBKE dự đoán HPG sẽ ghi nhận phần lớn doanh thu và lợi nhuận còn lại từ dự án này, ước tính khoảng hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế sẽ được ghi nhận trong năm 2014.
Ngoài ra, MBKE dự đoán cổ tức của HPG sẽ ổn định ở mức khoảng 20-30% trong thời gian tới do hiện tại các dự án đầu tư lớn của công ty gần như đã hoàn thành.
Với những điểm mạnh như trên, MBKE cho rằng cp HPG xứng với mức PE cao hơn bình quân ngành. PE mục tiêu của HPG ở mức 14x, bằng với PE thị trường hiện tại. Vì vậy MBKE nâng giá mục tiêu HPG từ 47,200 đồng hiện tại lên 56,200 đồng và nâng khuyến nghị từ nắm giữ lên mua.
>> Báo cáo chi tiết
Sanh Tín
---------------------------------------------------------------------
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.