Xét xử nguyên điều tra viên chuyên án Năm Cam: Tranh luận về chỉ đạo của tướng Nguyễn Việt Thành
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 13:01, 09/05/2017
Trong phần tranh luận, đại diện VKS, luật sư và bị cáo đã đối đáp “nảy lửa” về chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Việt Thành, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an chỉ đạo Dũng thời điểm bị cáo là điều tra viên cao cấp.
Vị đại diện VKSND tỉnh Tiền Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa đọc bản luận tội, đề nghị HĐXX phạt bị cáo Nguyễn Tuyến Dũng từ 5 đến 7 năm về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Đại diện VKS tại phiên tòa
Theo đó, thời điểm năm 2002, Bộ Công an điều tra Chuyên án Z.501 (Chuyên án Năm Cam); hai ông Nguyễn Văn Nên, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang và điều tra viên Nguyễn Tuyến Dũng tham gia chuyên án. Ngoài ra, ông Nên, Dũng được phân công điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Công ty Gas Bình Dương được Bộ Công an xác định có dấu hiệu liên quan đến băng nhóm tội phạm xã hội đen, trong đó có đối tượng Phạm Văn Luông (tự Luông “điếc”, đàn em Năm Cam).
Quá trình điều tra vụ án ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và ông Phạm Văn Hướng, Phó giám đốc Công ty Hưng Thịnh về tội “Gây rối trật tự công cộng”, ông Nên và Dũng đã giải quyết tranh chấp dân sự giữa Công ty Hưng Thịnh với vợ chồng bà Huỳnh Thị Thu (ngụ quận 10, TPHCM) liên quan đến 23.383m2 đất tại Bình Dương.
Việc này là nhằm giúp vợ chồng bà Thu, ông Cư lấy lại quyền sử dụng đất, đồng thời chiếm dụng số tiền do ông Cư và bà Thu nộp trả Công ty cổ phần Hưng Thịnh là 5,25 tỉ đồng. Số tiền được Dũng gửi vào ngân hàng để lấy lãi sử dụng. Đại diện VKS quy kết hành vi của Nguyễn Tuyến Dũng cấu thành tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 282 BLHS.
Tranh luận tại tòa, luật sư Phan Văn Bé (Văn phòng Luật sư Thiện Bá Vương - Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đưa ra các luận cứ chứng minh bị cáo Dũng không phạm tội. Trong quá trình điều tra vụ án, điều tra viên Dũng tuân thủ theo chỉ đạo của cấp trên là ông Nguyễn Văn Nên. Ông Nên đã chỉ đạo và thông báo cho Dũng việc đã xin ý kiến Ban chuyên án, để bị cáo mời ông Lân và bà Thu, ông Cư lên làm việc, giải quyết.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Luật Công an nhân dân (CAND), “CAND phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Cấp dưới phải phục tùng mệnh lệnh của cấp trên…”; Khoản 6 quy định: “Trong trường hợp phải thi hành mệnh lệnh và chỉ thị của cấp trên, người chấp hành không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành chỉ thị, mệnh lệnh đó”.
Thời điểm đó, bị cáo Nguyễn Tuyến Dũng là điều tra viên cấp cao, chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên theo đúng theo Luật CAND. Tướng Thành cũng đã có văn bản ngày 3/9/2016 xác định điều đó, đề nghị Tòa làm rõ công tâm, khách quan nhằm “tránh oan sai cho anh em”. Do đó, hành vi chấp hành chỉ đạo, mệnh lệnh từ cấp trên của Dũng không cấu thành tội phạm.
Luật sư Phan Văn Bé
Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Nguyễn Tuyến Dũng xác định: Trung tướng Nguyễn Việt Thành là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, thời điểm đó lại đang cao điểm tấn công tội phạm nên ông bận trăm công ngàn việc. “Việc tướng Thành chỉ đạo anh em cũng khác nhau tùy thời điểm, chỉ đạo miệng có, chỉ đạo văn bản cũng có hoặc gặp trực tiếp để chỉ đạo. Trong vụ án này, tướng Thành đã khẳng định bằng văn bản việc chỉ đạo cho ông Nên và điều tra viên là tôi thực hiện công việc”.
Bị cáo Dũng bày tỏ: “Cần xem xét toàn diện vụ án, bởi bị cáo chỉ là điều tra viên, thời điểm đó không có thẩm quyền ký giấy mời, ký tên đóng dấu… mà phải có chỉ huy cấp trên là ông Nên, ông Nguyễn Thế Bình (Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an), tướng Nguyễn Việt Thành. Bị cáo là cấp dưới, hoàn toàn là người lệ thuộc. Ông Nên từ khi bị khởi tố không có lời khai gì về vụ án, về việc chỉ đạo bị cáo (hiện ông Nên đang điều trị bệnh tâm thần). Điều đó chưa được làm sáng tỏ nhưng vẫn truy tố là rất oan cho bị cáo. Cần đợi ông Nên điều trị xong, xét hỏi ông Nên, làm rõ trắng đen, đảm bảo công bằng cho bị cáo”.
“Đặc biệt, chứng cứ trong vụ án có lời khai ông Bùi Mạnh Lân, lời khai tướng Nguyễn Việt Thành. Vì sao Viện tin lời khai ông Lân mà không tin lời khai ông Thành, là một vị tướng. CQĐT chỉ mới buộc tội chứ chưa xem xét yếu tố gỡ tội”, bị cáo Dũng trình bày.
Ngoài ra, bị cáo Dũng nêu Nghị quyết số 109/2015 ngày 27/11/2015 của Quốc hội và Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 13/9/2016 của TANDTC về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật hình sự 2015. Theo đó, người thi hành mệnh lệnh của chỉ huy hoặc cấp trên trong lực lượng vũ trang gây thiệt hại thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Mong HĐXX xem xét áp dụng.
Tranh luận lại về lời khai của tướng Nguyễn Việt Thành, đại diện VKS cho rằng đã mời ông Thành làm việc nhưng ông không đến. Dù ông Thành có biên bản xác định đã có bút phê đề xuất tổ chức xác minh làm rõ, điều tra viên Nguyễn Tuyến Dũng trực tiếp thực hiện nhưng ông Thành cũng có lời khai trước đây cho rằng không chỉ đạo. Do đó, văn bản của ông Thành sau này không có cơ sở để xem xét. VKS vẫn bảo lưu quan điểm buộc tội.
Nói lời sau cùng, bị cáo Dũng bày tỏ nguyện vọng mong HĐXX xem xét toàn diện các tình tiết vì bị cáo bị oan, soi xét từng khía cạnh cụ thể để minh oan và tuyên bị cáo không phạm tội.