Động đất, sóng thần ở Việt Nam: Không thể chủ quan

Chính trị - Ngày đăng : 10:48, 13/04/2012

Động đất, núi lửa và sóng thần là những dạng tai biến thiên nhiên xảy ra khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao, theo đó các nguy cơ khác có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì vậy các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh báo và cho rằng Vi

Hội nghị triển khai thực hiện các quy chế về động đất, sóng thần

Việt Nam không là ngoại lệ

Trong nhiều thế kỷ qua, hàng ngàn trận động đất mạnh, núi lửa phun trào và những đợt sóng thần “kinh thiên động địa” xảy ra đã gây những tổn thất vô cùng nặng nề về người và của cải cho nhiều quốc gia trên thế giới. Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn có mối hiểm họa động đất khá cao. Trong lịch sử đã từng ghi nhận một số trận động đất mạnh với cấp độ lên tới 6,7-6,8 độ richter. Đặc biệt đã có những trận động đất mạnh nhất tập trung tại vùng Tây Bắc như trận động đất ở Điện Biên (năm 1935) với cường độ 6,75 độ richter xảy ra trên đới đứt gãy sông Mã; hoặc trận động đất Tuần Giáo - Lai Châu (năm 1983) với cường độ 6,8 độ richter, xảy ra trên đới đứt gãy Sơn La.

Các nhà địa chấn Việt Nam cũng đã nghiên cứu sự phân bố chấn tâm của các trận động đất đã xảy ra và chỉ ra rằng động đất mạnh chủ yếu tập trung ở các vùng: sông Mã suốt từ thượng nguồn đến Thanh Hóa, sông Đà từ Lai Châu đến Hòa Bình, sông Hồng - sông Chảy Đông Triều từ Yên Thế - Nhã Nam đến Hòn Gai - Cẩm Phả, sông Cả - Rào Nậy và vùng ven biển Trung bộ và Nam bộ.

Cũng theo nhiều tài liệu lịch sử và kết quả điều tra hiện trường, các nhà khoa học nghiên cứu cổ sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu cho rằng có dấu hiệu sóng thần tấn công một số khu vực bờ biển Việt Nam (ven biển Nghệ An) trong các khoảng thời gian từ 4500-4300; 4100-3900 và 900-600 năm về trước. Độ cao tối đa của sóng thần được ước lượng lên tới 10-15m. Nguyên nhân xảy ra sóng thần là do có 3 trận động đất với cấp độ 7,5 độ richter tại vùng ven biển Nghệ An.

Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài Nguyên - Môi trường) cho biết: bằng việc phân tích các hoạt động kiến tạo và diễn biến động đất trên biển Đông đã xác định được 4 khu vực trong biển Đông có khả năng xảy ra động đất tạo sóng thần, trong đó đới hút chìm Manila và đới đứt gãy 109 là có nguy cơ cao nhất.

Các nhà khoa học đã tính được sóng thần có độ lớn đáng kể trên biển Đông có thể được tạo ra bởi động đất có cấp độ lớn hơn 7 độ ríchter tại đứt gãy dọc bờ biển miền Trung Việt Nam. Nếu động đất có độ lớn hơn 8,5 richter xảy ra ở đới hút chìm Manila, độ lớn cực đại của sóng thần tại bờ biển từ Đà Nẵng tới Bình Thuận có thể hơn 4m và tại một số vị trí có thể hơn 5m. Độ dài bờ biển có độ cao sóng thần hơn 1m kéo dài khoảng 1.000km, từ Quảng Bình tới Bình Thuận. Như vậy nguy cơ về sóng thần đối với bờ biển Việt Nam buộc chúng ta không thể chủ quan.

Xây dựng chiến lược ứng phó

GS, TS Bùi Công Quế, Viện Vật lý địa cầu - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, để ứng phó, phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do các thiên tai động đất sóng thần gây nên, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược gồm nhiều nhiệm vụ và giải pháp được xác định trên cơ sở khoa học và thực tế phù hợp. Đồng thời, chiến lược này cần phải được chỉ đạo triển khai đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng với những bước đi hợp lý mới có thể đạt được hiệu quả mong muốn. Theo Giáo sư, chiến lược này dựa trên cơ sở pháp lý là các quyết định Chính phủ ban hành “Quy chế báo tin động đất và cảnh báo sóng thần” và “Quy chế phòng chống động đất, sóng thần”.

Sơ đồ vùng nguồn động đất gây sóng thần có thể ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam

Chiến lược có nội dung gồm 5 điểm chỉ đạo và 3 mục tiêu chính nhằm giảm nhẹ hậu quả thiên tai phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược bao gồm: điều tra, nghiên cứu đánh giá toàn diện chế độ địa chấn - kiến tạo và địa động lực trên toàn lãnh thổ và các vùng biển của Việt Nam; phân tích vùng dự báo, đánh giá độ nguy hiểm động đất và sóng thần phục vụ cảnh báo giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân và phục vụ quy hoạch và xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm của đất nước; tổ chức và vận hành có hiệu quả hệ thống báo tin động đất cảnh báo sóng thần quốc gia theo đúng Quy chế đã được Chính phủ ban hành; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và hiểu biết trong cộng đồng về nguy cơ động đất, sóng thần và cách thức ứng phó, giải pháp khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra. Đồng thời, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó khi có báo động sóng thần hoặc khi động đất, sóng thần xảy ra.

Nhiều thành phố lớn ở Việt Nam, kể cả Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể có nguy cơ động đất. Hà Nội hiện đang nằm trên vùng được dự báo phải chịu đựng chấn động lên tới cấp 8 (đã từng xảy ra vào các năm 1277, 1278 và 1285).

PGS, TS Nguyễn Hồng Phương khẳng định: Sự phát triển hiện tại của khoa học chưa thể kiểm soát, dự báo và chỉ ra được chính xác địa điểm, cường độ và thời điểm xảy ra động đất cũng như hoạt động núi lửa và sóng thần. Do vậy, việc xây dựng một chiến lược phòng tránh và giảm nhẹ hậu quả động đất, sóng thần ở Việt Nam là rất cần thiết. Nhưng cộng đồng cũng cần nhận thức rõ về mối hiểm họa của các thiên tai để chuẩn bị về mặt tâm lý, cũng như kinh nghiệm ứng phó đối với những “kẻ thù giấu mặt” này.

Thu Phương

Hoang báo sóng thần đổ vào huyện đảo Lý Sơn

Rạng sáng 11-9, tin đồn sóng thần xuất hiện trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khiến hàng ngàn người dân trên đảo này hốt hoảng chạy lên núi trú ẩn. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, ông Trần Ngọc Nguyên khẳng định, đó là tin đồn không chính xác, và sau khi nắm được tin đồn, lãnh đạo huyện chỉ đạo Đài truyền thanh huyện và các Đài truyền thanh xã phát tin cấp tốc nhằm trấn an tinh thần trong nhân dân. Đồng thời kêu gọi người dân nhanh chóng trở về nhà sinh hoạt bình thường, vì đây là thông tin thất thiệt của kẻ xấu. Gần sáng 11-9, sau những nỗ lực tuyên truyền của các cấp chính quyền, người dân đã trở về nhà. Ngay sau đó UBND huyện Lý Sơn đã chỉ đạo Công an huyện và Đồn Biên phòng khẩn trương điều tra, tìm và xử lý nghiêm đối với những kẻ xấu tung tin đồn thất thiệt gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Nguyên cho biết, năm ngoái trên đảo Lý Sơn cũng từng xuất hiện tin đồn có sóng thần ập vào khiến người dân trên đảo hoảng sợ chạy lên núi. Rõ ràng, việc tuyên truyền, cảnh báo cho nhân dân để chủ động đối phó với “thiên tai địch họa” - trong đó có sóng thần là vô cùng cần thiết; nhưng người dân và chính quyền các địa phương cũng hết sức cảnh giác với các hoang báo kể trên.

PV

congly.com.vn