BĐS 2013: Xả bớt hàng tồn, lợi nhuận bay cao
Kinh tế - Ngày đăng : 09:16, 28/02/2014
Số liệu trên được Vietstock thống kê theo số liệu BCTC quý 4 và năm 2013 của 60 doanh nghiệp bất động sản hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán hiện nay (1 doanh nghiệp vẫn chưa công bố BCTC quý 4/2013 là SDH).
Tổng tồn kho giảm 4%
Nếu tại thời điểm cuối năm 2012, giá trị hàng tồn kho của 60 doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn ở mức hơn 75,790 tỷ đồng thì đến cuối năm 2013, con số này chỉ còn 72,850 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2013, giá trị hàng tồn kho đã giảm gần 3,000 tỷ đồng, tương ứng gần 4% so với cuối năm 2012.
Tổng giá trị tồn kho các doanh nghiệp BĐS trong năm 2013 và năm 2012
Nguồn: Vietstock tổng hợp |
Tuy nhiên, trong năm qua, chỉ có 22 doanh nghiệp có tồn kho sụt giảm. Giảm mạnh nhất về giá trị tuyệt đối là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) với hơn 2,430 tỷ đồng, tương ứng 57% (chủ yếu là giảm chi phí xây căn hộ để bán gần 2,000 tỷ đồng và 583 tỷ đồng đất thổ cư tại dự án Minh Tuấn). Điều này cũng nhờ HAG không còn tập trung trong lĩnh vực BĐS mà chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp.
Tiếp đến là Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC). Cuối năm 2013, giá trị hàng tồn kho của VIC ở mức hơn 15,900 tỷ đồng (chiếm 22% tổng giá trị toàn ngành), giảm 1,875 tỷ đồng so với đầu năm 2013 (hay 11%). Chiếm tỷ trọng lớn trong tồn kho của VIC chính là bất động sản để bán đang xây dựng với hơn 15,745 tỷ đồng.
Xét về tương tối, Nhà Đất Cotec (HOSE: CLG) giảm tồn kho nhiều nhất trong năm 2013, với mức giảm 66%. Cụ thể, CLG chỉ còn tồn kho gần 81 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2013, giảm hơn 208 tỷ đồng (chi phí sản xuất dở dang tại Công ty TNHH Kim Huỳnh – đơn vị cùng Tập đoàn Cotec Group với CLG) so với cuối năm 2012.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp giảm tồn kho trong năm qua như SJC, PTL, TIX, D11, NTL, S96…
Ngược lại, vẫn còn 34 doanh nghiệp tồn kho tăng cao trong năm 2013. Mà đứng đầu danh sách là trường hợp của Tập đoàn FLC (HOSE: FLC), khi mà giá trị hàng tồn kho tăng gấp 42 lần so với cuối năm 2012, nguyên nhân chính là có sự xuất hiện hơn 77.5 tỷ đồng tồn kho bất động sản trong năm 2013.
Hay trường hợp của Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) cũng có tồn kho tăng gấp 3.3 lần. Theo đó, giá trị hàng tồn kho của DXG vào cuối năm 2013 ở mức gần 433 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là do tồn kho từ chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Gold Hill 266 tỷ đồng và dự án Sunview Town, Q.Thủ Đức gần 154 tỷ đồng.
Lợi nhuận phình to
Cùng với giá trị tồn kho sụt giảm, lợi nhuận được tạo ra trong năm 2013 là một bước nhảy vọt đáng kể so với năm trước. Theo đó, tổng lãi ròng cả năm 2013 của 59 doanh nghiệp trên sàn đạt hơn 8,100 tỷ đồng, gấp 3.5 lần so với tổng lãi của cả năm 2012.
Giá trị lợi nhuận các doanh nghiệp BĐS tạo ra năm 2013 và năm 2012
Nguồn: Vietstock tổng hợp |
Cụ thể, có hai thái cực rõ ràng trong ngành. 44 doanh nghiệp BĐS công bố có lãi trong năm 2013 và 50% trong số đó có lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2012. 15 doanh nghiệp còn lại chấp nhận thua lỗ với sự thật đáng buồn là mức lỗ càng nặng thêm.
Toàn cảnh lợi nhuận 2013 của doanh nghiệp BĐS trên sàn
Nguồn: Vietstock tổng hợp |
Tăng trưởng lợi nhuận nhiều nhất so với năm 2012 chính là Xây Lắp & Địa Ốc Vũng Tàu (HOSE: VRC) mặc dù lãi ròng chỉ vỏn vẹn 1.54 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ doanh thu kinh doanh bất động sản quý 4/2013 tăng hơn 17 lần so với cùng kỳ, đạt gần 35 tỷ đồng đã giúp lãi ròng trong quý đạt 3.7 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 0.88 tỷ đồng). Kết quả này chẳng những giúp VRC thoát lỗ cả năm 2013 (9 tháng đầu năm lỗ 2.19 tỷ đồng) mà còn ghi nhận lãi ròng gấp 11 lần năm trước, đạt 1.54 tỷ đồng.
Đứng thứ hai không ai khác chính là VIC, với lãi ròng hơn 6,756 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm 2012 và chiếm 83% tổng giá trị lợi nhuận toàn ngành. Mặc khác, mức lãi ròng của VIC trong năm 2013 cũng là mức lãi cao nhất của Tập đoàn này kể từ năm 2005. Tập đoàn cho biết, phần lớn nguồn doanh thu trong quý cuối năm 2013 được ghi nhận từ việc bán các căn hộ tại hai dự án Vinhomes Royal City và Vinhomes Times City. Ngoài ra, doanh thu cho thuê Trung tâm Thương mại/Văn phòng tăng 51% (do có nguồn thu bổ sung từ Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City). Bên cạnh đó, doanh thu kinh doanh khách sạn, du lịch tăng 59% và doanh thu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng 108% so với quý 4/2012.
Trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận 2013 tăng trưởng so với năm 2012 còn có những ông lớn khác như HDG, KAC, CLG, HAG… Đáng chú ý trong số này là HAG. Định hướng tái cấu trúc làm cho bất động sản không còn là lĩnh vực trọng điểm của HAG trong năm vừa qua. Điều này thể hiện rõ khi mà doanh thu từ BĐS dần bị thay thế bởi doanh thu các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp như đường và cao su. Cụ thể, doanh thu thuần hợp nhất của HAG trong năm 2013 đạt 2,769.4 tỷ đồng (giảm 37% so với năm trước) thì doanh thu bán đường chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 838 tỷ đồng (năm trước không có doanh thu từ đường); doanh thu từ bán mủ cao su cũng đóng góp đáng kể khi đạt 239 tỷ đồng (gấp 5 lần cùng kỳ). Doanh thu bán căn hộ năm 2013 của HAG chỉ bằng 9% so với năm trước, đạt gần 247 tỷ đồng. Sự sụt giảm này là nguyên nhân khiến doanh thu năm 2013 giảm mạnh so với năm trước.
Kết quả này giúp HAG ghi nhận lãi ròng 901.8 tỷ đồng năm 2013, tăng gấp 2.6 lần so với năm trước. Cả VIC và HAG đều là hai doanh nghiệp có lãi ròng cao nhất trong các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn trong năm 2012.
Doanh nghiệp BĐS có lãi 2013 tăng so với năm 2012
Nguồn: VietstockFinance |
Những đại gia còn “mắc kẹt”
Trong số 15 doanh nghiệp lỗ có sự góp mặt của nhiều ông lớn lỗ chồng lỗ.
Nhà Intresco (HOSE: ITC) dẫn đầu mức thua lỗ trong năm 2013 với âm 291 tỷ đồng do trích lập dự phòng giảm giá dự án Intresco Tower 241 tỷ đồng. Trước đó, năm 2012, ITC đã may mắn thoát lỗ và ghi nhận lãi gần 6 tỷ đồng nhờ khoản lợi nhuận khác 19.57 tỷ đồng.
Với mức lỗ kỷ lục kể từ khi lên sàn, Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) là doanh nghiệp lỗ nhiều thứ hai sau ITC trong ngành. Cụ thể, tiếp theo mức lỗ 55.5 tỷ đồng trong năm 2012, KDH lỗ 151.2 tỷ đồng trong năm 2013. Nguyên nhân chính là hàng bán bị trả lại tại nhiều dự án tăng đáng kể, ở mức 195.6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng cao (39 tỷ đồng) và lỗ 89.3 tỷ đồng từ thanh lý các khoản đầu tư cũng là nguyên nhân góp phần làm KDH thua lỗ năm 2013.
KDH đang bị lỗ lũy kế gần 20 tỷ đồng vào cuối năm 2013 và đối mặt với khả năng bị tạm ngừng giao dịch và chuyển sang giao dịch bị kiểm soát nếu BCTC kiểm toán hợp nhất 2013 không có gì làm thay đổi kết quả này.
Một ông lớn khác có vốn nghìn tỷ cũng nằm trong top thua lỗ nặng chính là Petroland (HOSE: PTL). Cả năm 2013, PTL ghi nhận doanh thu 472.4 tỷ đồng, tăng 58% so với năm trước nhưng lãi gộp chỉ đạt 7 tỷ đồng do giá vốn hàng bán trong năm tăng mạnh. Ngoài ra, PTL lỗ hơn 64 tỷ đồng từ hoạt động tài chính và có chi phí quản lý tăng gần 30 tỷ đồng. Những yếu tố này làm PTL chịu lỗ 135.25 tỷ đồng trong năm 2013, mức lỗ cao nhất của PTL kể từ năm 2007.
Lỗ lũy kế của PTL tính đến 31/12/2013 ở mức 145.34 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ sở hữu theo đó giảm xuống còn hơn 870 tỷ đồng, thấp hơn 200 tỷ đồng so với tổng nợ phải trả là 1,077 tỷ đồng.
Góp mặt vào danh sách doanh nghiệp lỗ hai năm liên tiếp gần đây nhất còn có những tên tuổi thuộc họ dầu khí như PVL, PVR hay PFL. Ngoại trừ PVR giảm lỗ so với năm 2012 thì hai doanh nghiệp còn lại đều tăng đáng kể do kinh doanh dưới giá vốn.
Những doanh nghiệp BĐS lỗ trong năm 2013
Nguồn: VietstockFinance |
Không quá bi quan bởi lợi nhuận âm như những doanh nghiệp trên nhưng cũng có đến 31% doanh nghiệp bất động sản trên sàn suy giảm lợi nhuận trong năm 2013.
Với mức giảm trên 91%, Sacomreal (HNX: SCR) và Năm Bảy Bảy (HOSE: NBB) chiếm giữ hai vị trí đầu danh sách suy giảm lãi. Trường hợp NBB có mức giảm mạnh là do điều chỉnh lại số liệu BCTC hợp nhất 2012 theo chính sách kế toán mới. Theo đó, lãi ròng năm 2012 của NBB được nâng lên 284.93 tỷ đồng và làm cho lãi năm 2013 chỉ bằng 9%, ở mức hơn 25 tỷ đồng.
Riêng với SCR, có hai nguyên nhân chính khiến công ty này có lãi ròng giảm mạnh trong năm 2013, đó là bị lỗ 16 tỷ đồng từ liên doanh liên kết trong khi năm trước công ty thu về 68 tỷ đồng và chi phí thuế hoãn lại là 25 tỷ đồng.
Cả BCI, PDR, NLG, TDH, QCG, IJC, HDC… đều là những doanh nghiệp lớn trong ngành BĐS hiện nay có kết quả 2013 giảm thấp hơn so với năm trước đó.
Đáng kể nhất là trường hợp của Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) mặc dù kinh doanh dưới giá vốn nhưng cả quý 4 và năm 2013 đều may mắn thoát lỗ nhờ thuế hoãn lại. Cụ thể, doanh thu thuần quý 4/2013 đạt 685.8 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ. Giá vốn cao hơn, chiếm 691 tỷ đồng nên lãi gộp âm, lợi nhuận trước thuế cũng âm 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ khoản thuế hoãn lại nên công ty vẫn có lãi ròng 1.25 tỷ đồng, bằng 10% so cùng kỳ 2012.
Lũy kế cả năm, QCG lãi ròng 6.6 tỷ đồng, giảm 15% so năm 2012 và cách xa khoản kế hoạch trước thuế 50 tỷ đồng hồi đầu năm.
18 doanh nghiệp giảm lãi trong năm 2013
Nguồn: VietstockFinance |
Phương Châu